Khi trên dưới tuổi hai lăm. Lưng chừng một cách sống và nhàn nhạt một công việc. Rồi bỏ tất cả, tôi vào Cam Ranh... Sớm nào tôi cũng ra bến với vài đứa cháu. Hồi biển êm, hải sản ê hề. Mấy lúc đó, gặp ghe người quen, chúng tôi được cho nhiều đồ biển lắm! Mà toàn là đồ tươi rói nhưng ăn hoài cũng ngán. Và để thay đổi, thường mấy dì cháu hay lấy tôm, mực đổ bánh xèo hoặc bánh căn. Nhà anh chị tôi có một quán tạp hóa bán đủ thứ và dân biển cái gì cũng mua lẻ nên ngồi đùm gói những nào: đường, bột ngọt, tiêu… cũng đủ cái lưng nó khòm. Trông hàng cũng chẳng khá hơn. Ơi ới, ong óng bên tai liên hồi bất tận: "Cân cho ký than đi", "Bán cho xị rượu…". Mà không, đánh vật với đám cháu lao nhao có gần chục đứa, càng khốn. Cũng may, còn có cái rẫy cần người trông coi và ông anh rể lại ưng ở phố với vợ con hơn nên thi thoảng, anh em tôi cũng có hoán chuyển vị trí.
Ngày ấy, không đến nỗi bất an như bây giờ nên tôi cũng chẳng sợ gì mấy. Rẫy ở tít trên một cái xã cao nhất và xa nhất của huyện Khánh Sơn. Và vùng núi này, hồi ấy hãy còn heo hút lắm. Chỗ ở là một nơi không biết phải gọi như thế nào. Nói rằng nhà thì tồi quá mà chòi lại hơi bị sang. Sự ồn động và cảnh bán buôn nhốn nháo ở Ba Ngòi khiến tôi thèm muốn nỗi vắng vẻ trên Khánh Sơn. Nhưng nói thật, có lên trên rẫy ở mới thấm thấu hết cái quạnh đơn và lắng trầm, buồn nản.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Cuối tháng mười hai năm đó có khác, bởi tôi lên rẫy với một người bạn. Đang mùa đông, trời lạnh ngắt và u xám. May mà có hai người nên nỗi hắt hiu lẻ loi đành kết thúc nhưng nỗi trống vắng vẫn loang đầy. Tôi bắt gặp và tìm thấy sự hoang mang tự chính mình trong cặp mắt to và đôi vai co rụt lại của bạn. Chúng tôi đang cố gắng để chối từ, xóa bỏ thứ tình cảm đang hụt thiếu. Ấy là tình yêu và đó đích thực là một thằng con trai hoặc một gã đàn ông. Tất nhiên là cho mỗi đứa. Cô bạn quẳng balô nằm dài trên chiếc sạp nói gần Noel mà bồ tao đú đởn trong đó với bao em quay cuồng. Còn tao thì lên rẫy với một đứa con gái rất khùng như mày, mới cổ tích chứ! Nhỏ này có thói quen dùng từ cổ tích với nghĩa trái khoáy, mới thật lạ. Nhưng kệ. Thôi thì có nó vẫn hơn lủi thủi vào ra một mình. Tôi lầm bầm khi sửa soạn bữa tối: "Tao không khùng mà dám rủ một đứa rất lười biếng lại thất tình như mày lên đây". Nghe thế, nó nhảy bổ lên tôi, chọc ghẹo búa xua. Cái buồn sự nản ập đến ồn ĩ là thế nhưng rồi vụt đi. Nhanh chóng, hai đứa đã có thể tranh nhau nói, giành nhau ăn và bỡn cợt bắt chán chê rồi ôm nhau, ngủ vùi.
Còn đúng ba hôm đến Giáng sinh, khi hai đứa đang làm khung cái hang đá nhỏ thì cô bạn than nhớ nhà và về ngay Sài Gòn. Tôi vẫn có thể trở lại Cam Ranh, đón mừng Chúa Hài Đồng cùng gia đình người chị nhưng tính tôi vốn bướng lại ưa thử thách chính mình, nên thôi. Và thế đó! Tôi chống chếnh trong cái lạnh buồn của tháng mười hai và Noel cận kề. Ban ngày dù sao cũng đỡ vì hãy còn người lên phát cây, trồng trỉa, thu hoạch. Đêm ớn quá! Hun hút và mênh mông. Tôi ngồi lọt thỏm trong màn đen với nỗi sợ hãi, hụt hẫng và quạnh quẽ đến rợn người. Có một khuya, tụi thanh niên ở đâu đó tạt vào phá phách. Tụi nó nhổ mì, bẻ mía, chọi dừa. Người ta phá rẫy của mình, mà tôi, nghe chừng như lại rất ưa. Cái cảm giác có người. Có những vệt sáng của đèn pin rọi. Có tiếng đùa giỡn cãi cọ dẫu gì vẫn làm vui hơn tiếng gió rin rít trên những lùm cây, tiếng dừa rụng…
***
Tôi đã nghĩ mình sẽ rất cô đơn trong đêm Giáng sinh ấy. Không ngờ điều kỳ diệu ùa tới. Đâu ngỡ là em. Một cô nhỏ miền núi và mới có mười tuổi. Đêm đó thật kỳ lạ. Tôi hết chịu nổi bóng tối và những im ỉm lạnh câm nên mở tung cửa, ra sân ngồi. Tư thế như bất động mà tâm thế lại rất sinh động, khi dõi cả hồn vía về phố, ngôi giáo đường rực sáng và những vui vầy. Khi em khều vai, tôi giật bắn cả người nhưng sự hốt hoảng biến gấp vì chạm ngay vào nụ cười em hiền lành, đôi mắt em trong trẻo. Tôi mừng đến suýt khóc, vội rủ em vô nhà chơi. Có em, niềm âu lo trút bỏ đâu mất và những trĩu nặng vuột trôi. Sự bình yên trở lại và người nhẹ bâng. Là người miền Trung lại ở núi nên em nói tiếng rất khó nghe nhưng chẳng sao:
"Ủa, cả tuần nay em thấy có một chị nữa mà…".
"Tóc ngắn, cao. Đúng không? Là bạn chị đó".
"Vậy đâu rồi?".
"Về Sài Gòn rồi. Nhà em cũng ở gần đây?".
"Nhà chính ngoài đường lộ, để mấy anh đến trường cho gần. Em không đi học nên ở trong rẫy luôn, lâu lâu mới về".
"Sao lại không đi học?".
"Con gái mà".
Câu trả lời của em khiến tôi thẫn thờ mất mấy phút. Nhưng rồi niềm vui thích vì có người khiến cảm giác ấy qua rất nhanh. Hai chị em say sưa trò chuyện. Em nói ở với ba, ổng làm thinh miết. Ban ngày cặm cụi làm và tối, ổng ngồi một mình uống hết xị rượu rồi lăn ra ngủ, nên buồn và trông có người nói chuyện dữ lắm! Chắc đó là lý do em huyên thuyên không dứt, chưa hết chuyện này đã vội bắt sang chuyện khác. Em nói với tôi, nhiều điều hay ho, thú vị về rẫy nương và công việc tay chân nặng nhọc. Còn tôi kể cho em nghe chuyện cô bé bán diêm, chuyện ra đời của bài "Đêm thánh vô cùng" (*)…
Khi thấy tôi lục tìm thực phẩm, mắt em sáng trưng và nói trỏng: "Kiếm gì ăn đi. Tự thức khuya nên đói bụng". May mà cũng còn nửa xoong cơm nguội, mấy con cá khô, hũ mỡ, một ít muối đỗ và rất nhiều củ mì với khoai lang. Em gãi đầu: "Cơm chiên nghen. Vì em thèm mỡ dã man. Còn củ mì, ớn nhưng nấu ăn cho vui". Lửa sáng bừng từ bếp củi vừa nhóm và ấm sực khi chúng tôi ngồi chụm vào nhau nấu nướng. Nhoáng là xong và bữa tiệc được dọn ra ngay trên nền đất dện, sát bên cái hang đá làm dở dang. Sẵn lửa, tôi vùi thêm mấy củ khoai và nhìn các món, gật gù: "Réveillon của tụi mình, cũng thịnh soạn chứ bộ".
Em ăn sạch phần cơm chiên thêm mấy củ mì chấm muối đỗ. Xé cá khô nướng nhai nhóp nhép và uống từng hớp nước một, không quên "khà", "khà"…, mới ra dân nhậu chuyên nghiệp và đáng yêu sao! Em đổi giọng rề rà như đang say, nói mình bắt chước ba, chứ mà, ổng làm gì có mồi cá khô để lai rai. Cứ quay đi quay lại ổi xanh với xoài hườm hườm. Em làm tôi nhớ đến mấy trái giú trong thùng gạo đã mấy bữa nay. Là xoài cơm và thứ này để chín và nhớ đừng gọt vỏ. Cứ rửa sạch trái nào là cạp trái đó, đã lắm. Em vừa bày tôi vừa thực hành và tức thì bay liền 3 trái gọn ơ. Em đã hay mà hình như hay gấp vạn lần khi nói về đồ ăn và thưởng thức chúng. Em nhỏ giọng tâm sự: Ở rẫy cứ cá muối, cá khô ăn riết cái bắt kiết luôn. Phải mà được chút cá tươi và đừng nấu kho kiểu cách chi. Cứ thả rồi nêm chút muối, bột ngọt. Thêm mấy ký bún và rổ rau, ngon thôi bỏ mạng. Nghĩ tới là thèm dã man. Tôi hỏi: "Ngon bỏ mạng vậy chết ngắt lấy đâu thèm dã man, hử trời?". Nghe, em liếm môi lỏn lẻn cười và tôi thòng vội câu này:
"Cười ngó dễ thương chết bỏ luôn".
"Dễ thương chết bỏ vậy dễ thương chi, hử trời?".
Thì ra, em cũng lanh lảu chứ bộ. Tôi ăn không nhiều, vậy mà no ắp bởi lòng căng đầy niềm vui. Dẫu rất đơn giản nhưng giá trị vô cùng, bởi được em đem đến ngay trong đêm Giáng sinh, giữa khi tôi đang cô quạnh. Em nói ở rẫy riết nên không biết Noel là gì. Em thèm được đi tới thành phố để coi cái nhà thờ nó đẹp ra sao rồi ăn thử cái gì "dông", "dông"… mà chị nói đó. Tôi ôm em vào lòng sửa lại "Réveillon" và nhủ thầm nhất định sẽ có lúc quay lại đây vào Giáng sinh.
***
Rồi ngày thường cũng không mà Noel cũng không, dù tôi vô Cam Ranh nhiều lần, để thăm nom anh chị hồi ốm và dự đám cưới của các cháu. Ba Ngòi với Khánh Sơn nào có xa xăm? Có một lần, không cưỡng nổi những thôi thúc, tôi có lên trên đó nhưng lớ ngớ chán rồi quay về. Khánh Sơn, khác quá sau bao năm. Và đứa nhỏ, mà tôi được gần gũi vào đêm Giáng sinh năm nào, đã thật sự mịt mùng. Tôi có chặn vài người tính hỏi thăm nhưng rồi khựng lại ngay. Bởi chỉ biết em là Út Út... kêu theo kiểu miền Trung thôi mà. Tôi cười, tự giễu nhại mình với mắt xốn và mi cay. Thêm nhiều Noel, với tôi, ở nơi này hoặc chỗ khác nhưng những Réveillon thì y hệt. Cũng nến hoa, váy xống và rượu bia, âm nhạc. Tôi đã nhận ra ngay từ khuya ấy, ở trên rẫy: Chỉ đêm Giáng sinh đã trải qua cùng em là duy nhất trong đời mình. Là một. Và thôi.
Lại nữa, một mùa Noel. Sẫm chiều, trong cái lạnh mùa đông và những ẩm ướt của cơn mưa vừa mới đi qua. Giữa buổi hoàng hôn trong nhòa tối của ngôi nhà mình, tôi nghe: "Đêm thánh vô cùng" vòng vọng, tự trong tâm thức và muốn khóc. Tôi nhớ em biết bao. Em giờ nơi đâu? Người đã đem ý nghĩa Giáng sinh đến cho tôi bằng rất nhiều niềm vui hồn hậu. Người, đã có cùng tôi những khoảnh khắc hạnh phúc đến bất ngờ. Và cứ thế, mỗi mùa Giáng sinh đến là tôi thầm day dứt: "Cô bé Khánh Sơn ngày ấy, giờ em nơi đâu?".
(*) Bài "Silent night"
Bình luận (0)