NSƯT Thanh Hạp trao tặng cho nhà hát bức ảnh quý, Bác Hồ gặp gỡ văn nghệ sĩ Đoàn Cải lương Nam Bộ
Đạo diễn Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, cho biết: "Những trang sử hào hùng của Đoàn cải lương Nam Bộ đã để lại trong trái tim các thế hệ nghệ sĩ niềm tự hào. Chúng tôi nghĩ nếu không xây dựng Nhà Truyền thống để lưu lại hình ảnh, kỷ vật và thực hiện các phóng sự, chân dung về các nghệ sĩ đã dày công xây dựng chiếc nôi nghệ thuật này thì sẽ là một tổn thất lớn trong công tác tuyên truyền, giữ gìn truyền thống lịch sử phát triển của sân khấu cải lương".
Đông đảo nghệ sĩ của Đoàn Cải lương Nam Bộ đã đến tham dự, gồm: NSƯT Lê Thiện, NSƯT Ca Lê Hồng, NS Trần Hoàng Khanh, Thanh Thủy, Thu Hà, Kim Dung, Như Nguyệt, Kim Oanh, Tú Oanh, Kim Hà… Hầu hết đều còn lưu giữ những hình ảnh và ký ức về chiếc nôi nghệ thuật hào hùng này.
Trong buổi họp mặt, NSƯT Thanh Hạp đã trao tặng cho nhà hát bức ảnh quý, Bác Hồ gặp gỡ văn nghệ sĩ Đoàn Cải lương Nam Bộ, bắt tay NSND Nguyễn Phương Danh, bậc thầy của sân khấu cải lương, người đã dìu dắt, truyền nghề cho các nghệ sĩ Đoàn cải lương Nam Bộ thông qua những tác phẩm nổi tiếng.
Các nghệ sĩ Đoàn cải lương Nam Bộ họp mặt tại Nhà hát Trần Hữu Trang
Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang xây dựng không gian triển lãm tại tầng sảnh của nhà hát, ở đó sẽ xây dựng một phòng trưng bày. Theo kế hoạch sẽ hoàn thành trong dịp chào mừng ngày Quốc khánh 2-9.
Đoàn cải lương Nam Bộ được hợp thành từ những thành viên của đoàn văn công và kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ gồm: Đoàn Văn công phân liên khu miền Đông; Đoàn văn công Ngũ Yến; Đoàn "Mạ xanh lúa vàng" tỉnh Mỹ Tho; Đoàn Cửu Long Giang miền Tây Nam Bộ. Cuối năm 1954, các đoàn văn công toàn Nam bộ tập kết ra miền Bắc theo quy định của Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Đông Dương ký ngày 20 tháng năm 1954, để tham dự Đại hội Văn công toàn quốc lần thứ nhất, từ sự kiện này, Đoàn Văn công Nam Bộ được thành lập. Đại hội diễn ra tại Hà Nội từ cuối tháng 12 năm 1954 đến tháng I năm 1955.
"Sau đại hội, đoàn Văn Đông Nam Bộ tách ra thành 2 đoàn: Đoàn Văn công Nhân dân Nam Bộ và Đoàn Văn công Quân đội Nam Bộ. Từ tháng 3 đến tháng 5-1955 cùng các đoàn: Ca múa Trung ương, Kịch nói Trung ương và đoàn Văn công quân đội Triều Tiên. Hai đoàn Văn công Nhân dân và Quân đội Nam Bộ trở vào phục vụ chuyển quân tập kết của Liên khu V tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi. Để tăng cường cho chương trình biểu diễn, đoàn dàn dựng kịch bản "Lửa cháy lên rồi" của tác giả Phan Vũ và công diễn tại Hải Phòng. Cuối năm 1955, đoàn diễn phục vụ khán giả thủ đô và các đơn vị bộ đội, trong đó có trường sĩ quan ở Sơn Tây. Thời gian này, vở kịch nói "Máu thắm đồng Nọc Nạn" lên sân tập" – NSƯT Thanh Hạp kể.
NSƯT Lê Thiện mong muốn nhà hát thực hiện ngay bộ phim phóng sự về "Ký ức Đoàn Cải lương Nam Bộ", thực hiện các chuyến về nguồn và tọa đàm, giao lưu với các nghệ sĩ một thời là chiến sĩ, nghệ sĩ trên chiến trường. "Mỗi tháng một buổi gặp gỡ, ôn lại ký ức hào hùng của chiếc nôi nghệ thuật này. Qua đó, thế hệ chúng tôi được giao lưu, biểu diễn với nghệ sĩ của Nhà hát, gặp gỡ khán giả trẻ, góp phần gìn giữ những thành quả của bộ môn nghệ thuật cải lương Nam Bộ" – NSƯT Lê Thiện nói.
Đạo diễn Phan Quốc Kiệt phấn khởi trước dự án này, ông tin rằng thế hệ nghệ sĩ đi trước sẽ giúp cho nhà hát sớm xây dựng và đưa vào hoạt động công trình Nhà truyền thống Đoàn cải lương Nam Bộ tại Nhà hát Trần Hữu Trang.
Bình luận (0)