NSND Kim Cương chúc mừng NSND Đinh Bằng Phi trong ngày khai mạc triển lãm "Một đời theo hát bội"
Đây là sự kiện văn hóa chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) do Ban Lý luận Phê bình và CLB Phóng viên Sân khấu tổ chức tại khuôn viên Hội Sân khấu TP HCM.
Đông đảo nghệ sĩ hát bội nhiều thế hệ và các nghệ sĩ nổi tiếng đã tề tựu vinh danh người thầy, người nghệ sĩ tài hoa Đinh Bằng Phi.
NSND Đinh Bằng Phi năm nay 83 tuổi, là một trong những nghệ sĩ tài danh quý hiếm của nghệ thuật hát bội phương Nam.
NSND Trần Minh Ngọc và NSƯT Trịnh Kim Chi (Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM) tại triển lãm NSND Đinh Bằng Phi - "Một đời theo hát bội"
NSƯT Ngọc Khanh cho biết NSND Đinh Bằng Phi là người thầy đầu tiên truyền dạy kinh nghiệm cho chị theo nghề. "Ông đã cống hiến cả đời cho nghệ thuật hát bội, dìu dắt, chỉ dẫn học trò mình qua từng vai diễn. Ông có công trình nghiên cứu, đúc kết những bài học từ nghệ thuật hát bội để biến thành giáo trình giảng dạy quý cho bộ môn nghệ thuật độc đáo này" – NSƯT Ngọc Khanh nói.
Các nghệ sĩ Ngọc Khanh, Bo Bo Hoàng, Kim Phượng và con trai NSND Đinh Bằng Phi trong ngày khai mạc triển lãm
Hơn 100 bức ảnh do Nhà báo – đạo diễn Thanh Hiệp chụp và 50 hình ảnh tư liệu do gia đình cung cấp đã được triển lãm tại Hội Sân khấu TP HCM từ 18-11 đến 18-1-2021.
NSND đạo diễn Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM phát biểu trong lễ khai mạc triển lãm ảnh và tọa đàm - NSND Đinh Bằng Phi "Một đời theo hát bội"
Ngoài ra, có 12 tác phẩm của nhóm "Vẽ về hát bội" gồm các họa sĩ trẻ, sinh viên mỹ thuật trao tặng cho cuộc triển lãm. Đây là những sáng tác đầy tâm huyết mà NSND Đinh Bằng Phi là người đã truyền cảm hứng cho họ.
Đạo diễn Tôn Thất Cần - Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM (trái), NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM và NSƯT Ngọc Khanh vui mừng, xúc động gặp lại NSND Đinh Bằng Phi
Đặc biệt, bức tượng sáp nhân vật Triệu Khuôn Dẫn (do NSND Đinh Bằng Phi thủ vai) do nghệ nhân Nguyễn Thị Diện, Nguyễn Văn Đông, Thái Ngọc Bình chế tác đã được Bảo tàng sáp Việt tham gia trưng bày trong cuộc triển lãm. Nghệ sĩ Kim Phượng (đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long) đã may bộ phục trang mới cho bức tượng Triệu Khuôn Dẫn.
Nghệ sĩ Kim Phượng - đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long may bộ phục trang mới cho bức tượng "Triệu Khuôn Dẫn - Đinh Bằng Phi"
Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP HCM đã biểu diễn tiết mục "Cao Hoài Đức hồi gia" trích trong vở "Trảm Trịnh Ân" do NSND Đinh Bằng Phi sáng tác.
NSƯT Lê Chức xúc động khi nói về công lao to lớn của NSND Đinh Bằng Phi
NSƯT Lê Chức, đại diện Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã bày tỏ tấm lòng tôn kính đối với NSND Đinh Bằng Phi – bậc thầy có nhiều tác phẩm để đời và là viên ngọc quý của nghệ thuật hát bội miền Nam.
Soạn giả Trương Huyền, người cùng ông sáng tác kịch bản "Chất ngọc không tan" do đạo diễn NSƯT Ca Lê Hồng dàn dựng, bày tỏ: "Tôi xem ông như người thầy, vì nhờ có ông mà tôi dấn thân vào nghệ thuật hát bội".
Soạn giả Trương Huyền, NSƯT Ca Lê Hồng cùng NSND Đinh Bằng Phi xem lại trích đoạn "Trảm Trịnh Ân"
NSND Đinh Bằng Phi là giáo viên nhưng đam mê tìm hiểu về nghệ thuật hát bội. Ông đã dựng một số trích đoạn Hát bội tuồng lịch sử, dã sử cho học sinh và giáo sinh sư phạm…
Theo nghề hát bội, ông bị gia đình chối bỏ, nhưng trong giới làm nghề, ông lại được nhiều người nể trọng, bởi vốn kiến thức và niềm ham mê học hỏi không giới hạn.
Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP HCM đã biểu diễn một tiết mục trích trong vở "Trảm Trịnh Ân" do NSND Đinh Bằng Phi sáng tác
Đạo diễn NSƯT Lê Nguyên Đạt và tác giả Nguyên Phương tại triển lãm "Một đời theo hát bội"
Đạo diễn Quách Hồ Ninh (HTV) bên cạnh bức tượng sáp của NSND Đinh Bằng Phi
Nguyện vọng cuối đời của NSND Đinh Bằng Phi là xây dựng một phòng trưng bày những hình ảnh tư liệu, tạo không gian đặc trưng của hát bội.
Sau khi triển lãm kết thúc, toàn bộ hình ảnh sẽ được trao tặng cho gia đình NSND Đinh Bằng Phi để đưa vào không gian triển lãm cá nhân của ông tại nhà riêng.
Bình luận (0)