xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghệ sĩ Việt làm quảng cáo trên mạng xã hội (*): Tận dụng quyền năng khán giả

Thùy Trang

Là người của công chúng, nghệ sĩ cần ý thức giữ hình ảnh của mình, nếu không tôn trọng điều này thì khó có thể tiếp tục làm nghề, một khi đã bị khán giả tẩy chay

Để chấn chỉnh tình trạng nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, gây ảnh hưởng xấu đến công chúng và môi trường nghệ thuật, bên cạnh sự giám sát bằng các quy tắc ứng xử của cơ quan quản lý, sự lên tiếng của cộng đồng thì cần phải có biện pháp xử lý thật nghiêm khắc từ các cơ quan chuyên môn.

Giải pháp "quy tắc ứng xử"

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành "Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật" - có thể xem đây là bản cam kết của giới nghệ sĩ trước cuộc sống cũng như công chúng. Bộ quy tắc ứng xử này có thể hạn chế những câu chuyện ồn ào liên quan đến nghệ sĩ như quảng cáo sai sự thật, phát ngôn bừa bãi trên mạng xã hội, những lùm xùm về việc làm từ thiện, những màn livestream "bóc phốt", cãi nhau nảy lửa trên sóng truyền hình… khiến công chúng ngao ngán.

"Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật" là giải pháp điều chỉnh hành vi của những người làm nghệ thuật (bao gồm cả hoạt động tự do và biên chế ở các đơn vị nghệ thuật) theo tinh thần "nhân cái đẹp, dẹp cái xấu". Đây là bản quy tắc tập hợp các hướng dẫn giới nghệ sĩ thực hiện, chứ không phải là văn bản quy phạm pháp luật, không có điều khoản xử phạt, "cấm sóng" đối với nghệ sĩ.

Có thể thấy quy tắc ứng xử là một cách chấn chỉnh cần thiết, phù hợp với những người hoạt động nghệ thuật. Nếu nghệ sĩ không tự giác thực hiện "bản cam kết" này thì tự thân họ đã tách khỏi môi trường nghệ thuật và công chúng hoàn toàn có quyền "quay lưng" với họ.

Ở TP HCM, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã có công văn gửi các hội văn học - nghệ thuật thành phố về việc một số nghệ sĩ tham gia quảng cáo trên các trang mạng xã hội sai quy định pháp luật làm ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng, tài sản, niềm tin của người tiêu dùng.

Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM đề nghị lãnh đạo các hội văn học - nghệ thuật thành phố kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng một số hội viên tham gia quảng cáo các sản phẩm không đúng với chất lượng sản phẩm; vận động hội viên không tham gia quảng cáo nếu nội dung quảng cáo sai lệch, không đúng chất lượng sản phẩm hàng hóa, gây thiệt hại và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo qua việc cập nhật thường xuyên các quy định của pháp luật trên các trang thông tin điện tử, website của hội để tuyên truyền cho các hội viên.

Cần áp dụng triệt để "phong sát"

Quy tắc ứng xử đã có, tuy nhiên phải nhìn nhận thời gian qua, tại TP HCM và nhiều tỉnh, thành trên cả nước, tình trạng nghệ sĩ, diễn viên, người nổi tiếng… quảng cáo mỹ phẩm không rõ nguồn gốc vẫn xảy ra phức tạp trên mạng xã hội. Việc này cho thấy câu hỏi chế tài xử lý ra sao để không tái diễn tình trạng này vẫn là một băn khoăn lớn.

Điều đầu tiên có thể thấy ngay là chế tài xử phạt chưa đủ răn đe, vì lợi nhuận đến từ các sản phẩm này vô cùng cao nên nhiều doanh nghiệp, cá nhân cố tình quảng cáo sai để lôi kéo người tiêu dùng.

Tại Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động thông tin điện tử năm 2022, định hướng nhiệm vụ năm 2023 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 22-12-2022, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng Phòng Thông tin điện tử (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử), cho biết năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật (ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên) vi phạm pháp luật sẽ bị cấm lên sóng, cấm biểu diễn, cấm hoạt động trên mạng (hay còn gọi là "phong sát").

Nghệ sĩ Việt làm quảng cáo trên mạng xã hội (*): Tận dụng quyền năng khán giả - Ảnh 1.

NSND Hồng Vân từng xin lỗi khán giả khi quảng cáo viên sủi Shioka. (Ảnh chụp màn hình)

Nghệ sĩ Trung Dân cho hay đề xuất vừa nêu trên là điều ông mong mỏi từ lâu. Với ông, điều quan trọng nhất đối với một nghệ sĩ chính là giữ gìn hình ảnh bản thân. Nếu làm quảng cáo thì nghệ sĩ phải chọn sản phẩm chất lượng, uy tín bởi nếu không thì hệ quả khó lường.

"Với những nghệ sĩ khi vướng vào những hoạt động quảng cáo sai sự thật hay những hành vi vi phạm pháp luật khác thì cần phải bị "phong sát". Là người của công chúng, theo tôi, không cần các nghệ sĩ phải hoàn chỉnh 100%, chỉ cần sống trong khuôn phép và đừng vi phạm pháp luật là đẹp rồi" - nghệ sĩ Trung Dân nhấn mạnh. "Tất nhiên, nghệ sĩ cũng sẽ có lúc mắc sai lầm hay sa ngã. Nhưng, từ sa ngã lần đầu thì phải biết rút kinh nghiệm để thay đổi thì xã hội, công chúng, nhà nước có thể tha thứ. Còn nếu chuyện đó lặp đi lặp lại nhiều lần thì đã trở thành bản chất" - nghệ sĩ Trung Dân nói thêm.

Khái niệm "phong sát" đang được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây mỗi khi bàn về những nghệ sĩ có sai phạm. Nhiều người trong cuộc cho rằng nhà nước cần áp dụng triệt để biện pháp "phong sát" trước những trường hợp sai phạm của nghệ sĩ.

Nhạc sĩ Nguyễn Hà nhấn mạnh: "Tôi nghĩ nếu áp dụng song hành biện pháp "phong sát" (từ cơ quan chức năng) và tẩy chay (từ phía công chúng) sẽ giúp những người định tạo xì-căng-đan sẽ phải suy nghĩ lại".

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 24-2

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo