Tại Lời nói đầu, Công ty Đông A và Nhà xuất bản Văn học viết: "… Với tấm lòng biết ơn sâu sắc gửi đến dịch giả Phan Quang, người đã đưa kiệt tác của học giả Antoine Galland đến gần hơn với độc giả Việt Nam bao thập kỷ qua, Đông A không có ước mong nào hơn ngoài việc có thể khơi thêm ngọn lửa say mê và niềm hứng thú mà bạn đọc đã và đang dành cho Nghìn lẻ một đêm, cho những ước mơ không bao giờ tắt của tình đời, tình người thấm đượm trong từng câu chuyện cổ".
Sách in trên loại giấy tốt, bìa cứng, khổ 18,5x28,5cm, có cài nhiều tranh minh họa rút từ bản dịch tiếng Đức phát hành tại châu Âu cuối thế kỷ XIX. Bên cạnh 2.000 ấn bản thường, lần này có 100 bản đặc biệt (mỗi bộ tách thành hai tập) đánh số từ 1 đến 100, đóng bìa da, có chữ ký của dịch giả ở trang đầu.
Nhân dịp này, dịch giả gợi lại một vài kỷ niệm về những ngày đầu hào hứng và lắm gian truân.
Sự kiện hiếm thấy trong lịch sử văn học thế giới
Đầu thế kỷ XVIII, nhà văn, nhà A Rập học người Pháp Antoine Galland (1646-1715) bắt tay chuyển ngữ bộ truyện dân gian A Rập NGHÌN LẺ MỘT ĐÊM (NLMĐ) sang tiếng Pháp. Từ nguồn là những câu chuyện kể dân gian và một số ghi chép, sưu tầm được trong nhiều năm sống và làm việc tại Trung Đông, ông đã làm nên bộ sách đồ sộ gồm 12 tập. Năm 1704, Nhà xuất bản Quả phụ Babin, Paris phát hành 4 tập đầu, gây tiếng vang lớn trong dư luận Pháp từ triều đình đến người dân sống ở các tỉnh xa. Năm 1712, ông làm hai tập 11 và 12, chưa kịp xuất bản thì đổ bệnh và qua đời ba năm sau.
Sự xuất hiện của bộ NLMĐ qua bản tiếng Pháp rồi mau chóng được dịch sang nhiều ngôn ngữ châu Âu: Anh, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha…, từ đó lan tỏa khắp toàn cầu là một sự kiện giao lưu, tiếp biến văn hóa Đông Tây hiếm thấy trong lịch sử văn học thế giới, tác động đến nhiều thế hệ người đọc từ bấy đến nay. Năm 2004, kỷ niệm 400 năm bộ NLMĐ bản tiếng Pháp ra mắt bạn đọc lần đầu, Viện A Rập toàn cầu (Institut du Monde Arabe - IMA) trụ sở đóng tại Paris tổ chức đợt sinh hoạt văn hóa kéo dài năm tháng gồm nhiều hoạt động thu hút hàng chục triệu người Pháp và du khách thế giới. IMA nhận định: "Có những tác phẩm vượt qua sức ép của thời gian mà không hề giảm sút ma lực văn chương. Trong số đó, có thể kể Odyssée của Homère, Roméo và Juliette của Shakespeare, Chiến tranh và hòa bình của Lev Tolstoi. NLMĐ là bộ sưu tập phi thường nhất, gồm những câu chuyện kỳ diệu, là một trong số những tác phẩm mang tính toàn cầu tồn tại bất chấp thời gian".
Đầu thế kỷ XIX, nhà phê bình văn học Jules Janin, Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp viết trong lời tựa bất hủ: "Bạn có biết bộ truyện kể nào ngộ nghĩnh hơn, câu chuyện nào hấp dẫn hơn các câu chuyện, ký sự, bài thơ mang tên NLMĐ? Đó là cuốn sách của các trẻ em, đó là cuốn sách của các chàng trai, đó là cuốn sách của các cụ già. Trẻ em tìm thấy ở đấy những câu chuyện lung linh mẹ kể cho nghe thuở còn nằm nôi, chàng trai trưởng thành vẫn chăm chú theo dõi mệt đến hụt hơi các câu chuyện hấp dẫn, người cao tuổi dù đã thoát ra khỏi mọi ảo tưởng trên đời vẫn say mê thưởng thức những ảo tưởng vô cùng hấp dẫn dù không đánh lừa được các cụ, nhờ tính ảo huyền mà cực kỳ phù hợp với cuộc sống đời thường của chúng…".
Nhà thơ Charles Nodier viết: "Có những tên tuổi chẳng cần phải đi kèm nhiều hư hàm nhằm lưu danh muôn thuở, vậy mà hậu thế mỗi lần có ai nhắc đến tên vị ấy lại gợi lên trong ký ức mọi người biết bao kỷ niệm đẹp về một bậc tiên hiền vinh quang và đôn hậu khuất bóng đã từ lâu. Antoine Galland là một trong số những người đáng kính như thế".
Một trăm năm sau, nhà văn người Nga Maxim Gorki viết tại lời tựa bản dịch tiếng Nga: "Những truyện kể của nàng Sheherazade qua NLMĐ là di tích đồ sộ nhất, thể hiện đến mức hoàn hảo xu hướng những người dân lao động muốn buông mình vào phép nhiệm mầu của các dân tộc phương Đông - người A Rập, người Ba Tư, người Ấn Độ. Công trình dệt gấm bằng từ ngữ, những sợi tơ muôn màu ấy lan tỏa khắp bốn phương, phủ lên trái đất một tấm thảm từ ngữ đẹp đến lạ lùng".
Xu hướng "ăn theo" các kiệt tác
Bộ NLMĐ của Antoine Galland ghi một dấu mốc trong lịch sử văn học thế giới, mở đầu thị hiếu ưa chuộng những gì xa lạ (exotic), hình thành quan niệm mới về sự khác biệt giữa phương Đông và phương Tây. Ta có thể gọi nôm na đấy là "hiện tượng ăn theo", dựa vào những tác phẩm xuất sắc mà tạo tên tuổi cho mình.
Katia Zakharia, Giáo sư Văn học và Văn minh Hồi giáo tại Đại học Lumière-Lyon 2, Pháp khẳng định, trong lịch sử văn học từng có vô vàn thể nghiệm theo dòng chảy này sau thành công của NLMĐ: "Tiếp sau Nghìn lẻ một ngày, tập truyện cổ Ba Tư của Francois Pétis de la Croix (1708) với những nét đẹp riêng của nó, là Nghìn lẻ một khắc, truyện cổ Tartare (1733) và Nghìn lẻ một giờ, truyện cổ Pêru (1740) hai cuốn này cùng một tác giả Thomas Simon Gueulette, đến Nghìn lẻ một ân huệ, thâm cung bí sử các triều đại Gaulois do Hiệp tước De Mouhy thực hiện, tiếp đó là Nghìn lẻ một truyện điên khùng (1771) của Jean Baptiste de Nougaret, Nghìn lẻ một truyện dở hơi (1772) của Jacques Cazette…".
Lại còn có một dạng sách "ăn theo" khác, vẫn ở Pháp, nhằm mục đích thiết thực hơn, đời thường hơn. Nhớ một lần người viết bài này có việc sang châu Âu, tìm được một bộ sách cổ NLMĐ bằng tiếng Pháp của Antoine Galland. Bộ sách gồm 4 tập đóng bìa cứng, gáy giả da in chữ nạm vàng trang trọng do Nhà xuất bản Pourrat Frères, Paris ấn hành năm 1838. Tôi bấm bụng trả số tiền không nhỏ mua mang về Hà Nội xếp vào bộ sưu tập của gia đình.
Một lần rỗi việc lại tôi mở bộ sách quý ra xem qua cho vui. Đây đúng là loại sách đặc biệt ấn loát công phu, kèm nhiều tranh phụ bản đẹp, mở đầu bằng in lại lời tựa nổi tiếng của Viện sĩ Hàn Lâm Pháp Jules Janin vừa trích dẫn ở trên. Điều làm tôi ngạc nhiên là tập III kết thúc thường lệ với câu chuyện "Hai người chị ganh tị với cô em út, hay là chuyện Con chim biết nói" như tất cả các bản của Antoine Galland đã ấn hành, bộ sách này vẫn giữ tiêu đề chung "do Antoine Galland dịch", nhưng có kèm thêm tập IV dày 472 trang gồm 32 chuyện tôi chưa từng được đọc bao giờ, cũng như chưa từng nghe nhà nghiên cứu nào nhắc đến. Về nội dung cũng như cách hành văn, các câu chuyện trong tập này có cái gì đó khang khác. Các dịch giả tập IV bộ NLMĐ này là Caylus và Linh mục Blanchet, những bút danh lạ hoắc.
Ngẫm ngợi mãi, tôi mang máng hiểu ra: Giá bán trên thị trường một bộ tác phẩm lừng danh gồm 4 tập sách do một dịch giả mà tên tuổi đã đi vào lịch sử văn học thế giới thực hiện lẽ đương nhiên phải cao hơn nhiều giá bộ sách cùng thể loại mà chỉ dày có 3 tập thôi! Đó là chưa nói không loại trừ có những ẩn ý nào đó khi một linh mục đạo Thiên chúa lại tôn vinh một tác phẩm ngợi ca hết lời đạo Hồi và Đấng tiên tri Muhammad xuất hiện sau Chúa cứu thế Jésus Christ những 700 năm.
Sách bán cháy hàng, không sao in kịp
Dịch giả, nhà báo Phan Quang. Ảnh: ĐĐK
Tôi đọc một số truyện cổ NLMĐ khá sớm, khi còn là một chú bé lõm bõm tiếng Pháp nhờ chăm đọc loại Sách hồng (Livre rose) dành cho học sinh tiểu học. Loại sách hồng này xếp đầy ắp thư viện của các nhà trường, đọc không mất tiền mua, có khi còn được thầy cô giáo dạy văn cho điểm tốt. Lớn lên, tôi cũng được xem một vài bản dịch tiếng Việt ấn hành trước năm 1945, thường là những bản dịch sơ sài, vắn tắt hơn nhiều so với nguyên tác.
Tháng 10-1954, giải phóng thủ đô, chuyển về công tác tại Hà Nội, tôi hay sục sạo các hiệu sách ngoại văn, săn lùng mãi vẫn chưa mua được một bộ NLMĐ toàn tập có đầy đủ các truyện do Antoine Galland dịch. Khoảng mươi năm sau, một anh bạn đi công tác nước nước ngoài mang về cho một bộ Les Mille et une Nuits đồ sộ dày gần 800 trang khổ lớn, đóng bìa cứng, trình bày khá đẹp.
Đầu sách, có Lời tựa dí dỏm của nhà văn tài hoa Gaston Picard (1892-1962), tôi vẫn thích trích dẫn đôi ba câu mỗi lần cần bàn về bộ tuyệt tác văn chương nguồn gốc tiếng A Rập ấy. Ông viết: "…Sau đêm nghìn lẻ một, bạo chúa Shariar thỏa mãn và hài lòng, ra lệnh đặc xá cho nàng Sheherazade (không phải chịu tội tử hình). Từ đó một cuốn sách bậc thầy ra đời. Một cuốn sách của nhiều cuốn sách, một cuốn sách của bội số, một cuốn sách của cấp số nhân, một cuốn sách được tạo nên bằng nhiều cuốn sách, một cuốn sách không có hồi kết hay là có đủ mọi thứ hồi kết. Tương tự như Iliade và Odyssée của Homère, nó kết liên ngài hoàng tử với kẻ vô lại, hành động cao cả với thủ đoạn thấp hèn, phép lạ thần tiên và chuyện vặt đời thường…".
Thế là tôi hăm hở bắt tay dịch NLMĐ. Tuy nhiên đây cũng chỉ là tuyển tập, các truyện đều loại bỏ những lời đưa đón của nàng Sheherazade sau mỗi đêm khi trời đã sáng mà vẫn đang kể dở chừng các câu chuyện ngày xửa ngày xưa hầu tên bạo chúa.
Hồi ấy, Nhà xuất bản Văn học do anh Lý Hải Châu (nay đã qua đời) đang cần bộ sách nổi tiếng ấy để ấn hành. Ngày 1-5-1972, tôi thỏa thuận ký hợp đồng với nhà xuất bản. Tiếc thay, thời cuộc không cho phép sách đang được bao người chờ đón ra mắt đúng hẹn. Bảy tháng sau ngày chúng tôi ký hợp đồng, diễn ra cuộc tấn công ác liệt chưa từng có của không quân Mỹ từ giữa Thái Bình Dương ào ạt dội bom xuống thủ đô Hà Nội với toan tính đưa nước Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá. Cuộc đối đầu kết thúc bằng chiến thắng lẫy lừng của chúng ta cuối tháng 12-1972, "Điện Biên Phủ trên không", dẫn tới việc ký kết Hiệp định Paris ngày 27-1-1973 lập lại hòa bình tại Việt Nam, trong đó điểm mấu chốt là quân đội Mỹ phải rút hoàn toàn khỏi nước ta trong thời hạn một năm. Tôi gác lại mọi việc đang làm, cùng nhiều đồng nghiệp lao vào công tác tại các chiến trường phía Nam.
Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, tôi được báo Nhân Dân cử ở lại làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Mở ra cơ hội cho chàng phóng viên vốn đam mê xắn quần lội ruộng được vi vu thêm nhiều nơi, từ Thừa Thiên - Huế qua Đà Nẵng, Hội An lên Lâm Đồng, Đà Lạt về Đồng bằng sông Cửu Long thẳng cánh cò bay. Sau hơn bốn năm gắn bó với ruộng vườn phía Nam, viết nhiều bài báo, xuất bản bốn cuốn sách [1], tôi được cấp trên gọi về "tái định cư" bên cạnh gốc đa cổ thụ trong khuôn viên số 71 phố Hàng Trống, Hà Nội.
Cơ hội mới cho người dịch thực hiện ước mơ của mình. Một hôm, tình cờ nhìn thấy đặt bên trên một trong hai cái thúng bà buôn đồng nát chuyên mua bán giấy cũ vẫn gánh trên vai có một bộ NLMĐ bằng tiếng Pháp của Antoine Galland chính hiệu do Nhà xuất bản Anh em Garnier ấn hành tại Pháp năm 1928. Sách in đầy đủ các truyện, bao gồm bức thư của tác giả gửi nữ Hầu tước O. in ở trang đầu (mà những bản in đầu chúng tôi không đưa vào sách) nhưng lại rách mất chừng dăm trang cuối. Tôi phải đến Thư viện Quốc gia phố Trường Thi, Hà Nội, mượn bộ NLMĐ cổ nhất được lưu trữ tại đây (bản in năm 1890, gồm 10 tập) chép tay mấy trang này bổ sung cho đầy đủ.
Theo thỏa thuận giữa Nhà xuất bản với người dịch, bộ NLMĐ sẽ in thành bốn tập, phát hành trong hai năm.
Hồi ấy, kinh tế nước ta đang phải gồng mình vượt qua nhiều khó khăn. Giấy in sách báo năm nào cũng thiếu, lại không có đủ ngoại tệ nhập khẩu thêm. Được cái đã bắt đầu hình thành cơ chế cho phép các nhà xuất bản kinh doanh ngoài kế hoạch, liên kết với các đối tác cùng nhau tự bỏ vốn ra làm, lời thu lỗ chịu. Tập đầu NLMĐ ra mắt độc giả năm 1981, ấn hành 15.000 bản nhằm thăm dò thị trường.
Sách in trên loại giấy làm bằng bột nứa, chỉ nhẵn một mặt, mặt kia sần sùi. Không ngờ tập I vừa phát hành được một tuần và cũng mới có bán tại Hà Nội và mấy thành phố lớn, đã hết veo. In tiếp 30.000 cuốn. Hai nhà in cùng lúc làm việc tất bật, nhằm kịp đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Trong khi những người đã có tập I lại muốn mua các tập tiếp theo... Một lần ghé nhà xuất bản, tôi nghe anh bạn phát hành vò đầu bứt tóc nói qua điện thoại: "Sáu vạn bản vừa in thêm đã bán hết cả rồi. Chưa kịp làm tiếp, tôi lấy đâu ra sách mà đáp ứng yêu cầu của các bạn...".
Nhà xuất bản Văn học bàn với Nhà in báo Nhân Dân ở phố Tràng Tiền nhờ làm tập II. In sách không phải là công việc chính của xí nghiệp này. Bù lại, nhà in có điều kiện kỹ thuật mà không xí nghiệp in nào khác ở Hà Nội hồi bấy giờ có được, là ấn loát bằng máy cuốn. Chỉ cần một tiếng đồng hồ, có thể in xong hai, ba trăm ngàn trang giấy. Nhà in báo Nhân Dân đồng ý in tập II với số lượng ban đầu 32.000 bản. Sau mấy ngày đã có ba vạn cuốn sách bày bán tại nhiều nơi.
Sức hút của thị trường
Sách vừa phát hành đã được bạn đọc nhiệt tình chào đón. Dù vậy vẫn có những ý kiến ngược chiều. "Chúng ta đang thiếu giấy để in bao nhiêu tài liệu khác cần thiết hơn cấp bách hơn, sao lại dồn cho một bộ sách văn học nước ngoài?".
Thị trường vẫn tiếp tục đà cuốn hút của nó. Dịch giả và nhà xuất bản đã hạ bút ký hợp đồng, có ghi rõ thời hạn sách ra mắt bạn đọc. May sao hồi Sài Gòn mới giải phóng tôi mua được một chiếc máy đánh chữ loại xách tay khá gọn nhẹ có đủ các dấu tiếng Việt, nhãn hiệu Royal. Đi công tác xa tôi vẫn mang bên người, dùng viết bài tại chỗ khi cần, có những tối rảnh rang lại mở bộ NLMĐ ra nhìn vào bản nguyên tác mà gõ máy, có khi một đêm tranh thủ dịch hoàn chỉnh vài chục trang. Đọc lại, thấy có trang nào cần sửa sang chỉnh lý nhiều chữ, nhiều dòng thì sửa và đánh máy lại trang ấy, còn các trang khác cứ để nguyên, sửa sang thêm đôi chút nếu cần, rồi cứ thế mang nộp nhà xuất bản, và các bạn ở đấy cứ thế chuyển sang nhà in.
Tôi không nhớ số lượng bộ NLMĐ in lần đầu là bao nhiêu bản, nay chỉ biết dựa vào những con số ghi ở cuối sách. Hồi ấy có quy định việc trả công người viết, người dịch theo "chế độ trả nhuận bút cơ bản lần đầu", chừng 12% giá bán ghi ở trang bìa cuối sách. Mỗi lần sách tái bản, người dịch không được hưởng nhuận bút, trừ bản in lần thứ 2 có được nhận 5% tổng số nhuận bút nhận lần đầu.
Trên đây là chuyện ấn loát và phát hành bộ NLMĐ tại phía bắc. Các tập in nối bản, tái bản ở các tỉnh, thành phía Nam, số lượng in còn lớn hơn nhiều. Mỗi lần vào TP. Hồ Chí Minh công tác, tôi hay ghé thăm Chi nhánh Nhà xuất bản Văn học tại thành phố. Hầu như mỗi lần tôi đứng lên từ giã các bạn, nhà văn Hoàng Lại Giang - Trưởng chi nhánh - mới sực nhớ: "Tiện thể anh ghé chơi, xin anh ráng chờ mấy phút để tôi bảo các em lấy mấy bộ NLMĐ vừa in xong biếu dịch giả".
Mỗi lần tái bản từ ba mươi nghìn đến năm mươi nghìn bộ sách, người dịch được biếu những năm bộ sách nhưng không có được đồng tiền công nào!
Bộ NLMĐ của Antoine Galland do Phan Quang chuyển sang tiếng Việt từ bấy đến nay đến với độc giả dưới nhiều dạng qua 5 nhà xuất bản hàng đầu của đất nước, mỗi nhà một vẻ, in từ loại khổ giấy lớn thành một tập chữ nhỏ li ti dày như cuốn từ điển, đến loại sách nhỏ gọn có thể đút vào túi áo, xếp vào các hộp từ 5-6 đến 10 cuốn một hộp. Năm 2001, có nhà xuất bản phát hành bộ NLMĐ, sách khổ vừa, đóng bìa cứng gồm 12 tập, tổng cộng dày đến 2.874 trang. Vậy mà thi thoảng dạo chơi dọc các phố sách tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay các tỉnh xa, nhìn lên các giá sách trưng bày thấy có bộ NLMĐ vừa mới phát hành, sách in có ghi rõ tên mình mà các bạn nhỡ "quên" dịch giả, thôi đành bỏ tiền túi ra mua gom mang về cho đủ bộ sưu tập.
Tình người
Có lẽ các bạn ở Nhà xuất bản Văn học (hồi đó do cố nhà văn Lữ Huy Nguyên làm Giám đốc và dịch giả Hoàng Thúy Toàn làm Phó Giám đốc) nhận ra số tiền nhuận bút trả cho dịch giả quá hẻo so với khoản lợi nhuận nhà xuất bản và các đối tác liên kết thu được kha khá từ thị trường. Một hôm, tôi hơi ngạc nhiên nhận được cú điện thoại mời đến nhà xuất bản nhận tiền công đánh máy. Chị kế toán trưởng trình bày: "Chúng tôi băn khoăn, không biết vận dụng cách nào trả thêm một ít tiền cho anh đỡ thiệt. Cuối cùng nghĩ ra: Nhận các tập bản thảo sách do anh dịch, nhà xuất bản không cần phải thuê người đánh máy lại để đưa nhà in, vì vậy chúng tôi xin thanh toán khoản tiền đó cho dịch giả. Mong anh vui lòng nhận và ký vào phiếu chi có ghi rõ đây là tiền công đánh máy".
Số tiền không phải nhiều, duy tấm lòng bạn hữu làm tôi xúc động nhớ đến hôm nay.
Bộ "Nghìn lẻ một đêm" của Antoine Galland do Phan Quang chuyển sang tiếng Việt, đến nay đã tái bản ít nhất 45 lần
Một ông bạn già biết rõ những câu chuyện trên có lần tâm sự: "Nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ chúng ta ai cũng cần có tiền để sống mà cống hiến. Dù vậy tiền đâu phải là mục tiêu cuộc sống của chúng ta. Bộ sách do bác chuyển ngữ qua 40 năm trình bạn đọc, 45 lần tái bản (thực tế nhiều lần hơn), chưa tính số sách in lậu, in không có hợp đồng. Cùng với thời gian bác có thêm một số ít hay nhiều bạn đọc chờ đón, chia sẻ, khen chê… Ngần ấy thôi đã đủ là niềm vui lớn".
Tháng 10-2021
P.Q
[1] Đất nước một dải, Nxb. Thanh niên 1975,
Hạt lúc bông hoa, Nxb. Hội nhà văn 1978,
Lâm Đồng - Đà Lạt, Nxb. Văn hóa 1978,
Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb. Văn hóa 1981.
Bình luận (0)