Nhằm tôn vinh các giá trị và tri ân, học tập các nhà báo có nhiều đóng góp to lớn đối với Hội Nhà báo Việt Nam và báo chí cách mạng Việt Nam, từ năm 2012, mỗi năm, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức một cuộc tọa đàm về các nhà báo nguyên là lãnh đạo cấp cao của hội qua các thời kỳ như: Hoàng Tùng, Trần Lâm, Đào Tùng, Hồng Chương, Lưu Quý Kỳ, Trần Công Mân, Huỳnh Văn Tiểng, Nguyễn Thành Lê... và gần đây là nhà báo - nhà văn Phan Quang.
Một số tham luận, ý kiến về cuộc tọa đàm "Nhà báo Phan Quang với báo chí cách mạng Việt Nam" được ban tổ chức tập hợp, được NXB Thông tin và Truyền thông vừa ấn hành với tên gọi "Phan Quang với báo chí cách mạng Việt Nam".
Hơn 70 năm tuổi nghề
Qua 34 bài viết, người đọc mới biết chàng trai Phan Quang Diêu, sinh năm 1928 tại Hải Thượng, Hải Lăng, Quảng Trị, học chương trình Pháp - Việt chưa xong trung học đã tham gia cách mạng (17 tuổi), 20 tuổi "bị ép" vào làm báo, và nghề báo đã theo ông suốt đời nhưng nghề văn lại đồng hành với nghề báo như những bậc đàn anh trong làng văn xứ ta.
Những tác phẩm văn chương của ông được ra mắt bạn đọc đều đặn như: "Không khai" (tập truyện ngắn, NXB Minh Đức, 1954), "Đất rừng" (truyện vừa, NXB Xây dựng, 1955), "Hẹn cười" (tập truyện ngắn, NXB Thanh niên, 1956), "Mùa xuân" (tập truyện ngắn, NXB Văn nghệ, 1956), "Săn cá voi" (truyện thiếu nhi, NXB Kim Đồng, 1958)... Sau ngày hòa bình lập lại, xuất bản chừng ấy đầu sách, không phải nhà văn chuyên nghiệp nào ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ cũng viết được như ông.
Quyển sách “Phan Quang với báo chí cách mạng Việt Nam”
Hơn 90 năm tuổi đời, hơn 70 năm tuổi nghề, luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, thì những lời khen dành cho ông trong và ngoài buổi tọa đàm đều xứng đáng. Qua gần 300 trang sách, tôi nhặt ra một số ý và nghĩ về ý kiến của ông với những người đang viết báo, muốn vào nghề báo: "Muốn làm nhà báo tốt phải có 3 cái đại học: Một là đại học báo chí; hai là đại học chuyên ngành - ngành mà mình làm, làm việc gì thì phải hiểu sâu việc đó và ba là đại học ngoại ngữ" (sđd, trang 66-67).
Lời khuyên này rõ như ban ngày. Từ xa xưa, ông cha ta cuốc đất trồng khoai cũng biết làm sao cho tốt, không phải thu hoạch cỏ dại; nay thế giới rộng mở có thêm ngoại ngữ thì chắc sẽ biết làm sao có giống khoai tốt hơn, đất được tốt hơn... Nhưng chắc ông rút kinh nghiệm thành đạt từ bản thân, nên quên tâm lý không ít người chuộng công danh chứ không mấy ai chuộng sự nghiệp như ông.
Tinh thần tự học
Thật lòng, tôi rất khâm phục tinh thần tự học của nhà báo - nhà văn Phan Quang. Ngoại ngữ của nhà trường Pháp - Việt thời của ông chưa ai chê tệ cả (dù chưa tốt nghiệp trung học phổ thông).GS Hà Minh Đức cho biết một lần cùng đoàn nhà báo Việt Nam sang thăm Trường Báo chí Lille (Pháp) thì "một nhà ngoại giao Pháp gốc Việt nói: "Xin lỗi các ông, các nhà báo, nhà văn sang đây đều nói tiếng Pháp thuộc địa, duy chỉ ông Phan Quang là nói chuẩn mực về tiếng Pháp" (sđd, trang 31).
Tại Đại hội các nhà báo Pháp ngữ toàn thế giới diễn ra ở thủ đô Hà Nội năm 1987, "bằng sự ứng xử linh hoạt, bằng lập luận chặt chẽ và thuyết phục, bằng khả năng nói tiếng Pháp lưu loát và chuẩn mực, nhà báo Phan Quang đã điều hành suôn sẻ các cuộc thảo luận căng thẳng khi có ý kiến gay gắt của một số đại biểu phương Tây nêu vấn đề tự do báo chí và tình hình dân chủ ở Việt Nam" (sđd, trang 79).
Nhưng nào chỉ có thế, Phan Quang còn là dịch giả văn học đáng tin cậy, với hơn chục đầu sách như: "Nghìn lẻ một đêm", "Trở lại với đời", "Nghìn lẻ một ngày", "Tìm đâu ra chim én trắng"... Không phải ai biết ngoại ngữ, giỏi ngoại ngữ đều làm được như Phan Quang. Điều đáng khâm phục ở ông là chỉ với ít vốn ngoại ngữ lận lưng thời trung học, ấy mà ông tự học, tự rèn luyện để làm nên tên tuổi Phan Quang trong lĩnh vực dịch thuật, ngoại giao. Đây là điều đáng học ở ông.
Qua tập "Phan Quang với báo chí cách mạng Việt Nam", tôi có chút "đứng hình" với bài viết của Ngô Thảo: "Phan Quang - Tác giả lọt mọi lưới khen thưởng". Sao lạ thế? Số phận chăng? Chỉ có cách đổ thừa cho số phận mới giải thích được. Và tôi cũng đồng thuận với suy nghĩ của Ngô Thảo: "Thật ra, giải thưởng với họ không còn quan trọng, cả về danh và thực" (sđd, trang 76).
Với Phan Quang thì danh đã có, thực đã có với hơn 50 đầu sách. Cuốn "Đồng bằng sông Cửu Long" (bút ký) in lần thứ 5, "Một mình giữa đại dương" (truyện thiếu nhi) in lần thứ 6, "Những ngôi sao ban ngày" (tập bút ký Nga) in lần thứ 5... Đặc biệt, "Nghìn lẻ một đêm" (tập truyện cổ Ả Rập) in lần thứ 48, "Nghìn lẻ một ngày" (tập truyện cổ Ba Tư) in lần thứ 17... Đó là phần thưởng bạn đọc đã dành cho ông. Tôi nghĩ giải thưởng này mới là giải thưởng lớn nhất cho đời người cầm bút.
Chúc mừng nhà báo - nhà văn Phan Quang. Chúc mừng lão sư Phan Quang. Chúc lão sư vui khỏe, đón ngày bách niên thiên thọ!
Bình luận (0)