Khi cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ 2018", do Đài Truyền hình TP HCM tổ chức, đang diễn ra vòng sơ tuyển tại TP Cần Thơ, nghệ sĩ Ngọc Đợi được ban tổ chức giao vai diễn Út Lượm trong vở "Cung đàn nào cho em" để diễn chào mừng cuộc thi năm nay. Cô là thí sinh đầu tiên đoạt giải nhất cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" (năm 2007), một giải thưởng đã có 13 năm phát triển, sau khi đổi tên từ cuộc thi "Ngôi sao vọng cổ truyền hình". Út Lượm là vai diễn ca ngợi cuộc đời gian truân của cô đào chánh đi lên từ nghệ thuật đờn ca tài tử. Ngọc Đợi nói nhân vật này có phần nào rất giống sự khởi đầu nghề hát của cô.
Mơ làm đào chánh từ lúc 8 tuổi
Nhiều lần trước đây, theo chân các nghệ sĩ về Bạc Liêu, tôi đã được soạn giả Trọng Nguyễn giới thiệu: "Xứ này có một cô bé ca bảnh lắm". Ông đang nói về Ngọc Đợi. Tác giả của vở cải lương "Giọt máu oan cừu" này đã từng ngồi ghế giám khảo nhiều cuộc thi nên nhận xét Ngọc Đợi sẽ là ngôi sao sáng, không khác gì nghệ sĩ Ngọc Giàu, cũng 8 tuổi đã ca rành bài vọng cổ, 14 tuổi làm đào chánh, 17 tuổi đoạt HCV giải Thanh Tâm.
Ngọc Đợi có chất giọng bẩm sinh, làn hơi cao vút chất chứa nhiều cung bậc cảm xúc. Nhịp phách dường như có sẵn trong máu, nên chỉ cần cất tiếng ca là người nghe thổn thức, say mê. Cô được cha dạy những câu vọng cổ đầu tiên năm lên 8 tuổi. Ngoài thời gian được học ở cha, Ngọc Đợi tự học qua nghe băng đĩa, sưu tầm các bài ca cổ rồi chép vào sổ tay để tự ngâm nga. Khi vừa học xong THCS, Ngọc Đợi đã thuộc rất nhiều bài bản đờn ca tài tử và nhiều vai tuồng cải lương. "Đặc biệt, Ngọc Đợi có thể ca nhiều thể loại, nhất là làn hơi phù hợp với chất ai oán mà nhiều người lớn chưa chắc có thể xử lý tốt như cô" - NSƯT Thanh Kim Huệ nhận xét.
Ngọc Đợi cho biết cô xem nhiều vai diễn của các nghệ sĩ tiền bối như: Thanh Nga, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Mỹ Châu, Phượng Liên… và học theo cách ca, cách sắm tuồng của họ, tự mình đứng hát trước gương.
Khi đã vững vàng 20 bài bản tổ, biết cách ca hơi dài, ca tân cổ giao duyên, Ngọc Đợi tham gia văn nghệ quần chúng từ cấp huyện đến cấp tỉnh. Mỗi lần dự thi cô đều đoạt giải cao. Năm 16 tuổi, cô đoạt giải nhất cuộc thi tuyển chọn Giọng ca cải lương Cao Văn Lầu. Từ sự kiện này, nghệ sĩ Minh Chiến - Trưởng Đoàn Cải lương Cao Văn Lầu - phát hiện tài năng của Ngọc Đợi, mời cô về đoàn để cô có điều kiện từng bước thực hiện ước mơ trở thành đào chánh của mình. Hành trang nghệ thuật của Ngọc Đợi đã có khá nhiều vai diễn hay, nhưng với Út Lượm trong vở "Cung đàn nào cho em", Ngọc Đợi thật sự lột xác.
Thắng làm đào, thua làm ruộng
Soạn giả Trọng Nguyễn nói rằng dù dạy hát cho con nhưng cha của Ngọc Đợi thấu hiểu sự vất vả, bạc bẽo của đời nghệ sĩ nên cấm con gái theo nghề này, chỉ muốn con tham gia văn nghệ tài tử cho vui thôi. Dẫu vậy, khi nghe Ngọc Đợi trình bày niềm mơ ước của mình, hứa sau 3 năm nếu không thành công, sẽ quay về làm nghề nông, sống yên phận bên gia đình, cha cô đã chấp thuận giao ước ấy, "thắng làm đào, thua làm ruộng".
Nghệ sĩ Ngọc Đợi Ảnh: Tuấn Khanh
Những ngày tập vai Út Lượm, Ngọc Đợi khóc rất nhiều. Cô nói cô bắt gặp đâu đó trong nhân vật bóng dáng tuổi thơ của mình. Thời hạn 3 năm là áp lực lớn đối với Ngọc Đợi khi bước chân vào Đoàn Cải lương Cao Văn Lầu. Đó là giai đoạn sân bãi cải lương các tỉnh bắt đầu thưa vắng khán giả. Để được theo nghề cô đã nỗ lực gấp 3 lần các diễn viên trẻ. Đoàn đã tạo mọi điều kiện để Ngọc Đợi cọ xát với các loại vai. Vốn có gương mặt sáng sân khấu, giọng ca mượt mà, cao vút đậm chất Nam Bộ, Ngọc Đợi rất thông minh trong cách xử lý đầy sáng tạo bài ca, để câu vọng cổ không chỉ ngọt ngào mà còn bay bổng. Ngọc Đợi chịu khó đọc sách, từ các tác phẩm văn xuôi, tìm hiểu những điều mới mẻ trong cách tiếp cận, phân tích tâm lý nhân vật. Cô nói đó là một thế giới rất sinh động giúp cô kết nối được vào vai diễn.
Chưa tròn 2năm vào đoàn hát, Ngọc Đợi được giao đảm nhận nhiều vai chính. Nổi bật là Diệu Hiền trong vở "Hai giọt nước", thể hiện thân phận bi kịch của một cô gái đứng trước những mất mát đau thương. Điều khán giả yêu thích ở Ngọc Đợi chính là cô không lạm dụng chất bi lụy. Nên trong bi kịch của các số phận nhân vật do cô thể hiện vẫn có sự lạc quan, vươn lên một cách mạnh mẽ.
Chính vì thế, khi thể hiện bài vọng cổ, cô bám chặt những chuẩn mực của cách ca, sáng tạo thêm trong cách ngân, luyến láy, làm cho bài vọng cổ tươi mới, trẻ trung. Đó chính là những yếu tố nổi trội giúp cô chạm tay giải nhất "Chuông vàng vọng cổ" năm 2007.
Đến năm 2012, Ngọc Đợi được xem là nghệ sĩ trẻ nhất đoạt HCV giải Trần Hữu Trang với trích đoạn "Thời con gái đã xa" và HCV tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc với vai Hiếu trong vở "Một phút một thời". Hai vai diễn này mang lại cho Ngọc Đợi nhiều bài học kinh nghiệm quý.
Cách diễn phóng khoáng, tự tin. Cách ca thoát khỏi những khuôn mẫu cũ kỹ. Điều đáng quý hơn ở Ngọc Đợi là không nhiễm bất kỳ phong cách của ngôi sao nào trong cách ca diễn. Cô có tố chất của riêng mình, mỗi ngày tự mài dũa, nâng niu để "viên ngọc" đó sáng đẹp hơn.
Thành công nối tiếp thành công, Ngọc Đợi luôn thầm nghĩ ngoài nhờ nỗ lực của bản thân, cô đã không phụ lòng kỳ vọng của những người quan tâm, dìu dắt. "Tôi nhớ lời soạn giả Trọng Nguyễn căn dặn: Tổ nghề đã đặt để con theo nghiệp hát thì con phải ráng để không phụ lòng bà con khán giả yêu quý mình. Nên nhớ con là người con của Bạc Liêu, vùng đất đã sản sinh ra bài "Dạ cổ hoài lang". Tôi còn phải học nhiều lắm để vượt qua trở ngại còn nhiều phía trước" - Ngọc Đợi tâm nguyện.
Không rời quê hương Bạc Liêu
Tôi đã từng về Bạc Liêu, theo chân đoàn Cao Văn Lầu để xem Ngọc Đợi diễn vai Quỳnh Nga trong vở "Bên cầu dệt lụa", vai Thị Hến trong "Ngao Sò Ốc Hến", tiểu thư Thu An khóc chồng trước giờ hành quyết trong vở "Đêm hội Long Trì", Thùy Dương ("Tâm sự loài chim biển"), Thủy Cúc ("Đường gươm Nguyên Bá")…, vai nào cô cũng để lại ấn tượng đẹp. Được đánh giá là nghệ sĩ ngôi sao của cải lương hiện nay, điều đáng quý ở Ngọc Đợi là dù có nhiều sô diễn ở TP HCM nhưng cô vẫn không rời Bạc Liêu, vẫn gắn bó với Đoàn Nghệ thuật cải lương Cao Văn Lầu, nơi đã cho cô nhiều cơ hội thăng tiến, thực hiện ước mơ.
"Tôi đặt trọng tâm là mình phải để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả qua mỗi lần xuất hiện. Sàn diễn cải lương ngày nay hiếm khi sáng đèn. Ở Bạc Liêu, nhờ có sự hỗ trợ của nhà nước, Đoàn Nghệ thuật cải lương Cao Văn Lầu vẫn dựng vở mới, diễn phục vụ nhân dân ở các vùng sâu. Bà con khán giả ở đây còn thương cải lương lắm. Tôi nghĩ mình phải diễn nhiều vai hay hơn mới đáp lại tình cảm khán giả dành cho mình" - Ngọc Đợi tâm sự.
Bình luận (0)