Chị nói thế khiến tôi chẳng thể từ chối. Bởi lẽ, món lươn đồng nhắc tôi nhớ về ký ức một thời chân đất đầu trần ngày thơ bé, lại càng nhớ hơn những món ăn từ lươn đồng thơm phưng phức qua đôi bàn tay tảo tần của mẹ.
Quê tôi ở vùng chiêm trũng, vào khoảng tháng giêng, tháng hai âm lịch, tiết trời bắt đầu ấm áp, những bờ ruộng, bờ mương nước cứ xâm xấp. Đó cũng là lúc bắt đầu vào mùa lươn đồng, mùa thả trúm, câu lươn. Nhớ hồi nhỏ, vào mùa lươn đồng, thế nào tôi cũng xin bố cho theo ra đồng tập tành bắt lươn. Những ngày đầu, tôi chỉ được đứng trên bờ ngó nghiêng, quan sát, xách giỏ cho bố; dần dà, tôi xin bố cho lội ruộng thực hành, bởi "Trăm hay không bằng tay quen".
Bố tôi bảo nghề bắt lươn đồng chỉ cần kinh nghiệm và chịu khó. Để bắt được lươn, có nhiều cách: dùng dây để câu, dùng thuổng để đào và nhiều hơn cả vẫn là đặt trúm. Trúm được làm từ ống nứa rỗng, bịt kín đuôi ống bằng một mắt nứa; cuối đuôi trúm đục 2 hoặc nhiều lỗ nhỏ tròn để lưu thông nước và không khí. Đầu trúm được tra bằng cái mựng đan bằng tre, nhọn một đầu như hình chiếc phễu.
Đầu nhọn của mựng được đặt hướng vào phía trong trúm dùng để đặt mồi (giun đất đã được băm nhỏ) và giữ cho lươn đã chui vào thì không thể thoát ra ngoài. Đầu ống trúm cũng được găm ngang một cái que nhỏ, tra vào 2 lỗ đối nhau trên ống, giúp cố định mựng và dùng để cắm xuống đất, giữ ống trúm không xô lệch hay trôi mất. "Gia tài" của bố tôi có đến mấy chục cái trúm dùng để bắt lươn hết mùa này sang mùa khác.
Nhờ những vụ lươn đồng bố đánh được, mẹ có thêm đồng ra đồng vào trang trải việc học hành cho anh em tôi. Thấy chúng tôi ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, bố lấy đó làm nguồn vui mà quên hết nhọc mệt. Vui nhất vẫn là anh em tôi, khi được bố cho theo ra đồng thu những ống trúm lên bờ; háo hức, hồi hộp chờ đợi bố gỡ từng ống trúm để rồi vỡ òa sung sướng đón nhận thành quả bên trong là những chú lươn tươi rói, mập mạp, bụng vàng ươm, lưng đen bóng. Khi ấy, chúng tôi lại sung sướng thầm nghĩ đến những món ăn chế biến từ lươn đồng do chính tay mẹ làm ra.
Thịt lươn đồng giàu dinh dưỡng; không chỉ giúp bồi bổ sức khỏe cho người bệnh, người già, trẻ nhỏ mà còn được xem như vị thuốc chữa bệnh. Biết thế nên vào mùa lươn đồng, mẹ thường chế biến rất nhiều món ăn ngon cho anh em tôi. Nào là lẩu lươn, miến lươn, lươn um chuối, lươn xào sả ớt… cứ thế đổi bữa. Nhưng tôi vẫn thích nhất cháo lươn - món ăn cơ hồ đã trở thành "người bạn đồng hành" với anh em tôi dọc dài tuổi thơ, đến bây giờ nhắc lại vẫn cứ thèm thuồng, nhung nhớ.
Lươn nấu cháo, mẹ thường chọn những con tầm trung, mình thon, chắc thịt. Việc chế biến lươn là khâu quan trọng, bên cạnh tỉ mẩn, cẩn thận còn đòi hỏi sự khéo léo để lươn không bị tanh, nát và vẫn giữ được mùi thơm đặc trưng, vị ngọt bùi của thịt. Nguyên liệu nấu cháo lươn ngoài thành phần chính là thịt và nước luộc lươn, gạo còn kèm theo đủ các gia vị: nghệ tươi giã nhỏ hoặc bột nghệ, hành khô, rau ngổ, húng quế...
Mẹ bảo nấu món cháo lươn không quá cầu kỳ nhưng cũng cần thực hiện theo từng bước: từ làm sạch đến luộc lươn, vớt lươn ra bóc lấy thịt; lấy nước luộc nấu cháo, rồi xào thịt lươn... Chỉ cần loáng cái, mẹ đã bưng từ dưới bếp lên một nồi cháo lươn thơm nức.
Mẹ múc cháo lươn hãy còn nóng hôi hổi ra bát đưa cho từng đứa. Anh em tôi vừa thổi vừa xuýt xoa ăn, tấm tắc khen lấy khen để. Vị béo ngậy, ngọt nước của lươn đồng; hương thơm của hành khô, rau ngổ; mùi nồng nồng ngai ngái của nghệ… cứ thế quyện hòa trong từng miếng ăn, hấp dẫn đến không thể cưỡng nổi. Đó cũng là lý do vì sao mỗi lần mùa lươn đồng tới, tôi lại bâng khuâng nhớ hương vị quê nhà...
Bình luận (0)