xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người bạn trong thành phố

Nguyễn Chí Ngoan

Mình biết rằng bạn vẫn ở đâu đó trong thành phố này nên mình đã yêu phố theo một cách rất riêng. Gặp lại nhau, mình sẽ hỏi bạn chỗ mua bánh mì chan ở đâu, mà ngon động trời…

Thí dụ sau này già, mình sẽ đóng chiếc xe chỉ bán bánh mì chan (không có thịt) sát bên bệnh viện. Bắc thêm vài cái ghế cho mọi người ngồi nghỉ chân. Lúc đó mình sẽ hỏi khách đến ăn, độ chừng hai mươi năm trước có thằng bé bán vé số, chân đi cà nhắc, mặt mày đen nhẻm hay bán ở đây, giờ nó đi đâu rồi? Giây phút đó mà có người vỗ ngực "là tui đây nè", chắc mình bùi ngùi lắm.

Mười mấy năm tìm bạn, những câu nhắn đi có thể dài ngắn khác nhau nhưng ký ức về bạn chỉ đầy thêm, chưa từng vơi cạn. Mình nhớ lần đầu lên thành phố khám bệnh, hai má con mình đứng lơ ngơ không dám qua đường. Chờ mãi mà không phút nào xe vơi bớt, chú xe ôm bên đường chạy sang cầm tay má dắt qua đường. Má nắm tay mình chặt đến nỗi tưởng như chỉ cần lỏng ra một chút mình sẽ biến mất khỏi thành phố này. Chú xe ôm nhìn má cười "đứng đợi vậy biết chừng nào mới qua được". Mình đứng nép sau lưng má lúc má cúi người cảm ơn. Như thấy vẻ lơ ngơ còn làm khổ má dài dài, chú dẫn má con mình vào tận nơi làm thủ tục. Mình vẫy tay chào chú lúc cửa phòng khám bệnh sắp đóng lại. Nụ cười của chú làm mình nhớ mãi.

Sau một hồi loay hoay phòng nọ, giường kia với mấy cuộc xét nghiệm, mình cũng không còn sức để sợ. Bác sĩ nói má ngày mai lấy kết quả. Mình ngồi co ro giữa dòng người chật ních mà nhìn vào đâu cũng thấy lẻ loi, một thằng nhóc bán vé số có đôi mắt to tròn nhướng nhướng về phía mình. Má kéo mình lại ngồi vào lòng nói khẽ vào tai "coi chừng bị bỏ bùa, bắt cóc". Bạn nhìn mình cười rồi cầm xấp vé số chen vào dòng người vội vã.

Má lấy bánh lá dừa trong giỏ đệm đưa cho mình. Trước ngày đi lên thành phố, má đã gói sẵn bánh mang theo ăn suốt dọc đường. Mình ngán đến nỗi chỉ cần ngửi đến mùi không thôi cũng sợ. Phía hành lang bệnh viện hun hút, mình thấy những gương mặt người mệt mỏi, dòng người hối hả chen lách qua nhau. Má ngồi nhìn tờ giấy hẹn mà thở dài thậm thượt, cơn bệnh mập mờ của mình chắc sẽ còn làm đau má trong những đêm dài thao thức.


 Người bạn trong thành phố - Ảnh 1.

Người nghèo tại TP HCM nhận cơm miễn phí trong những ngày phòng chống dịch Covid-19 Ảnh: HOÀNG TRIỀU


Con hẻm đầy ắp người, mình với má đứng tần ngần trước quán nhỏ bên đường. Bà chủ quán như biết được vẻ ngại ngần của má, bà cười "giá bình dân lắm". Chữ bình dân của bà chủ đâu có làm má bớt đi phần nghi hoặc, chỉ đến khi thấy người khác trả tiền má mới dám dắt mình vào quán. Mình ngồi một góc nhỏ trong quán như không dám chiếm quá nhiều diện tích, má đứng nép sau lưng mình lúc bà chủ quán bưng cơm ra. Bà chủ quán nhìn má cười: "ngồi xuống đi, quán này ăn hay không ăn cũng được ngồi". Bà chủ quán còn bưng nước ra nói má uống đi đừng ngại. Lúc rời đi, bà chủ còn dúi vào tay mình hộp cơm nhỏ "để dành tối có đói thì ăn". Má từ chối cỡ nào bà chủ quán cũng phất tay "có gì đâu" còn mình thì cầm hộp cơm hí hửng trên tay. Má cúi đầu chào bà chủ quán, mình nhìn tấm biển quán cơm cũ mờ mà con ngươi ầng ậc nước.

Ánh đèn bệnh viện hiu hắt, má ôm chặt vào lòng dặn đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Má nằm thiếp đi lúc nào không hay. Thằng nhóc bán vé số nhìn mình tủm tỉm cười, mình gỡ tay má ra đi về phía nó. Không hiểu sao lúc đó mình thấy nó thân quen đến lạ. Bạn bẻ nửa ổ bánh mì chan đưa về phía mình, "ăn không?". Bạn đưa lên miệng cắn khi ngó thấy bộ dạng sợ sệt của mình. Để đến tận bây giờ, mình vẫn không thể nào tìm lại được mùi vị của khúc bánh mì đó ở bất cứ đâu. Bạn rủ mình đi "tham quan" thành phố. Trong ý nghĩ của một đứa trẻ ngày đó, mình vẫn vô tư đi theo bạn mà chẳng sợ điều gì. Sự tò mò về thành phố đủ làm mình quên đi những lời má dặn. Bạn dắt mình đi qua những con đường rộng thênh thang, bước trên cây cầu cao lớn mà mình chưa bao giờ nhìn thấy. Đứng trên cầu nhìn xuống lòng sông sâu hun hút, mình và bạn đưa tay lên miệng hét lớn rồi vụt chạy đi. Bạn dẫn mình đi qua những khu "nhà giàu", chỗ bạn thường đụt mưa. Bạn vẫy tay chào mình rồi biến mất vào lòng thành phố. Má giật mình tỉnh giấc vội kéo mình vào lòng. Lúc đó, bạn đã đi một đoạn đường rất xa…

Má rối rít gật đầu cảm ơn bác sĩ, lúc nhận được thông báo "không có gì đáng lo". Mình với má như bỏ được cả tấn đá chất trong lòng. Má móc tờ giấy ghi số điện thoại xe đò cho ông chủ tiệm tạp hóa gọi người đến đón. Má làm ai cũng bật cười lúc dõng dạc nhắc chú xe ôm "tui đứng chỗ cái cây, có treo hai đòn bánh tét". Cách định vị nhà quê của má, thể nào cũng làm chú xe ôm đi lạc mấy vòng. Bữa đó thành phố có mưa, mình dõi mắt tìm bạn hoài mà không thấy…

Dạo quanh trên con đường ngày xưa, những ký ức như lá khô rơi rụng trong vườn, hết lớp này rồi đến lớp khác. Có người hỏi mình, tại sao yêu thành phố này đến vậy? Chắc có lẽ vì ở đó bà chủ quán nhớ nhớ quên quên những câu chuyện lâu ngày không kể, có chú xe ôm đang rong ruổi trên đường vẫn không quên dừng lại giúp đỡ một ai đó trên đường. Và ở trong đó, còn có người bạn lúc quay đầu rời đi vẫn không quên bỏ lại mấy lời đủ làm cay mắt người "ngày mai, tao sẽ lại chùa cầu cho mày khỏi bệnh".

Mình biết rằng bạn vẫn ở đâu đó trong thành phố này, cho nên mình đã yêu phố theo một cách rất riêng. Biết đâu đấy, một ngày nào đó gặp lại nhau. Lúc đó mình sẽ hỏi bạn chỗ mua bánh mì chan ở đâu, mà ngon động trời. Chỉ ăn một lần mà nhớ mãi…

Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"

Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải

Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.

Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021).

Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.

Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.

Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".

Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn

BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo