Tọa đàm "Sáng tạo từ các nhà sản xuất âm nhạc", nằm trong chuỗi sự kiện "BUDX HCMC: Hội tụ tài năng sáng tạo trẻ trong lĩnh vực âm nhạc - văn hóa - thời trang", diễn ra trong 3 ngày 28, 29 và 30-5 vừa qua, gây chú ý dư luận với những luận điểm đánh giá thẳng thắn về cộng đồng producer (nhà sản xuất) của nhạc Việt hiện nay.
Mạnh ai nấy sống
Một trong những thách thức trong ngành âm nhạc điện tử, theo các nhà sản xuất âm nhạc, đó là hành trình kiến tạo môi trường âm nhạc chuyên nghiệp, nơi mọi người được sáng tác và sản xuất với quy trình bài bản, chuyên nghiệp, nơi nghệ sĩ cần những cộng đồng, sân chơi để quy tụ những người mộ điệu trẻ trung và sáng tạo, cùng học hỏi, chia sẻ và truyền cảm hứng cho nhau, nhằm chung tay đưa nền âm nhạc hiện đại Việt Nam vươn tầm khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, "Việt Nam hiện vẫn chưa có một cộng đồng chính thống nào cho những nhà sản xuất âm nhạc. Từ 5-10 năm trở lại đây, các producer như nghệ sĩ indie, làm việc độc lập với nhau, họ chỉ biết nhau qua các dự án nhạc. Dần dần, nhiều hơn nữa những công ty giải trí xuất hiện, họ bắt đầu tổ chức những workshop tập hợp những producer lại như Nguyễn Hải Phong (gồm rất nhiều producer trẻ) nhưng vẫn rất ít" - producer Long Halo cho biết.
Producer Get Looze nói: "Tôi đã từng đi nhiều nơi để tìm hiểu cách mà họ phát triển bản thân và nhận thấy chúng ta đang thiếu cộng đồng để giúp đỡ và hỗ trợ các nghệ sĩ trẻ".
Ở nền công nghiệp âm nhạc, đặc biệt trong giới producer, sản phẩm mọi người làm ra không chỉ từ kiến thức mà còn là nhận thức qua trải nghiệm cuộc sống. Bởi lẽ, cuộc sống chính là cảm hứng, là nguồn sáng tạo, bản thân mỗi người cần có cảm giác và cảm xúc với chính những điều xảy ra xung quanh. "Người trẻ có ưu thế nhạy bén với xu hướng nhưng lại thiếu sự tinh tế trong cảm nhận hơi thở cuộc sống. Thế nên, dù rất giỏi và có màu sắc nhưng chỉ sau một vài dự án, họ bắt đầu cạn kiệt sức lực, do "hổng chân" kiến thức xã hội. Đó là một thực tế. Giới producer, dù đông đúc nhưng khó đi đường dài"- một nhà chuyên môn nhận định.
Ứng với thực tế showbiz Việt, producer luôn tìm kiếm những công thức tạo hit nhưng hầu như điều đó là không thể. Điều này cũng lý giải hiện tượng ca sĩ Việt ồ ạt đi tìm kiếm sự trợ giúp từ nền công nghiệp âm nhạc K-pop thời gian gần đây.
"Thay đổi thôi!"
Mới đây, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong cùng ê-kíp của mình đến Los Angeles (Mỹ) dự hội thảo của ASCAP (American Society of Composers, Authors and Publishers - Hiệp hội Công nhiệp ghi âm Mỹ), một hiệp hội âm nhạc quy mô và bài bản nhất thế giới với doanh thu năm 2018 là 1,2 tỉ USD. "Thành viên hiệp hội lên đến 700.000, trong đó rất nhiều tên tuổi tác giả, nhà sản xuất, nhạc sĩ danh tiếng. Tôi đã học được rất nhiều điều từ đây. Đặc biệt từ nhiều bài nói về ngành công nghiệp âm nhạc Mỹ và workshop chuyên môn, trực tiếp thảo luận với những chuyên gia hàng đầu nước Mỹ. Đi mới thấy là mình đang không hề ổn chút nào. Thay đổi thôi!" - nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong bày tỏ.
Nguyễn Hải Phong có lẽ là trường hợp hiếm hoi của showbiz Việt chịu đầu tư cho hành trang làm nghề của mình. Với Nguyễn Hải Phong: "Thành công sẽ đến với những người dám làm điều khác biệt. Chúng ta cứ tin như thế đã". Tại tọa đàm về producer Việt cách đây ít ngày, người trong giới đều đồng tình quan điểm Việt Nam không thiếu những nghệ sĩ có sức ảnh hưởng lớn nhưng khi văn hóa âm nhạc ngày càng mở rộng để vươn ra thế giới, họ phải luôn tự tin, dấn thân và được khuyến khích để tạo ra những sáng tạo mang tính mới mẻ, đột phá và khác biệt. Producer Hoàng Touliver chia sẻ: "Sự cám dỗ của danh vọng đôi lúc khiến nghệ thuật phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài bản thân người sáng tạo. Để phát triển con đường riêng của mình, đừng ngại phá luật. Chỉ khi dám khác biệt, bạn mới tìm thấy những điều hay ho". Có lẽ vậy nên Hoàng Touliver đang thử thách mình trong dự án mới kết hợp EDM, rock, jazz và nhạc truyền thống. Những gì anh làm chưa chắc sớm được khán giả đón nhận nhưng "nếu không thử, làm sao chúng ta biết chúng ta có những gì" - anh nói.
Bài toán khó
Hầu hết các producer hiện nay đều làm việc bằng những nhận thức, trải nghiệm cá nhân là chính. Giới chuyên môn khẳng định producer Việt ngày càng trẻ và không khó để nhận ra họ đều có sắc màu riêng nhưng chưa làm được như những gì các producer trong khu vực đang có. Nhiều producer Việt nói với nhau rằng họ không hiểu được gu âm nhạc của khán giả hiện nay, chỉ thích những bản nhạc tiết tấu đơn giản trái với những bản phối phức tạp 7, 8 năm trước hay những bản EDM xập xình vài năm trước. Đó chỉ là cảm xúc. Có người cảm nhận rất đơn giản nhưng có người cần một câu chuyện. Đây là bài toán khó.
Bình luận (0)