Trước đó, từ khi biết phân biệt giá trị của từng tờ giấy bạc, mỗi mùa Tết tôi đều có những ngày oằn oại. Đó là từ mô tả đúng tâm trạng nhất khi tôi cầm trong tay những đồng tiền lì xì và những lá bài.
Tôi không nhớ mình nghiện bài từ khi nào. Nhưng hễ 30 Tết, song hành với việc mừng bộ đồ mới duy nhất trong năm là những háo hức khi sở hữu những đồng tiền lì xì đầu tiên để đến sòng bài. Ông cậu tôi lì xì sớm nhất. Chiều 30, khi tôi tắm táp mát mẻ, mặc bộ đồ mới vào, ra nhà ông cậu là có tiền lì xì. Ông không đòi hỏi tôi phải mừng tuổi hay phải văn vẻ gì hết. Số tiền đó nhiều hay ít tôi cũng không nhớ. Chỉ nhớ là nó có thể làm vốn cho tôi đến với những sòng bài.
Dài theo xóm, những khoảng sân rộng có bóng cây đều có sòng bài. Đánh bài hồi đó cũng vui như coi đá bóng bây giờ vậy, sòng nhỏ, sòng lớn đều đen người. Người ngồi vòng trong, người khòm vòng ngoài, khòm hẳn lên đầu người ngồi, lớp sau khòm lên lớp trước. Vậy mà không ai thấy phiền hà. Giữa ngày Tết quê thanh vắng, thỉnh thoảng lại rộ lên những tiếng ồ, à, trời ơi… y như khi đội nhà đá thủng lưới đội bạn hoặc một pha bóng sút đẹp mà trái bóng dội xà ngang. Tình huống rộ lên khi cả sòng hí hửng nắm phần thắng trong tay vì bài ai cũng đạt số nút cao nhất thì nhà cái bật lên giữa sòng 3 thằng tây quyền lực. Bàn tay nhà cái gom tiền đầy kiêu hãnh bao nhiêu thì nhà con tức tối bấy nhiêu. Tình huống rộ lên kế đó là khi hầu hết nhà con chờ thua thì nhà cái bật 3 lá bài ôm trọn số điểm bù.
Tôi khoái bài không hẳn vì khoái tiếng rộ lên đó. Mà tôi khoái vì rất nhiều khi chỉ cần 20, 30 đồng tiền lì xì của ông cậu, chơi đã đời, tôi có thể thắng được gấp đôi, gấp ba số tiền vốn ban đầu.
Tôi thường dùng số tiền thắng bài làm lộ phí đi xe lôi qua nhà bà dì bên chợ Châu Đốc. Qua đó cũng là mong có thêm tiền lì xì để làm vốn cho trận bài những ngày Tết còn lại. Cơn nghiện cờ bạc lại đến trên đường qua nhà bà dì khi tôi thấy những sòng bầu cua đặt dài theo lối đi chỗ bán trầu cau hoa quả ở đầu chợ.
Tôi không hề sợ những kiểu cờ gian bạc lận của đám bầu cua chợ búa. Cứ có tiền là tôi ngồi xuống đặt và tôi thường thắng độ. Háo hức của một đứa con nít mới học lớp 4, lớp 5 mà thắng những nhà cái già đời chốn đô thị đã làm cho cuộc đỏ đen trong ngày Tết của tôi trở nên bạo dạn. Tôi đặt bầu cua ngay khi công an sắp tràn tới. Nhà cái xếp vội bàn cờ và những viên xí ngầu có dán hình trái bầu, con cua, con cá bỏ chạy biệt tăm. Tôi cũng nhanh tay hốt vội số tiền vừa mới đặt nhưng không chạy mà đứng đó chờ đợi. Nhà cái chạy trốn công an còn tôi cứ đứng đó nhởn nhơ, làm như mình chẳng can dự gì đến cuộc đỏ đen. Công an vừa khuất lưng, sòng bầu cua vừa mở trở lại, tôi đã vội sà xuống đặt tiền và dán mắt vào cái chén có 3 cục xí ngầu.
Mỗi mùa Tết, những sòng bài, sòng bầu cua chiếm trọn tâm trí tôi. Tôi thắng rồi thua rồi thắng. Niềm vui rộ lên lặng lẽ và những oằn oại thất bát cũng diễn ra lặng lẽ. Nó lớn lao tới nỗi mọi thú vui khác đều trở thành thứ yếu.
Năm tôi học lớp 7. Một chiều 30 thất bát, kéo dài qua tới mùng 1 cũng chẳng gặp vận may nào. Thất tới nỗi mọi đồng tiền lì xì của ông cậu, bà nội và các chú đều bay sạch. Thất tới nỗi may mắn lắm tôi mới nhận được 3 lá bài 9 nút thì nhà cái lại chộ 3 tây. Sòng nhỏ đặt nhiều ít gì cũng thất, tôi gom tất cả vốn liếng cho sòng lớn, cũng thua sạch túi. Trưa mùng 1 năm đó, tôi không còn đồng nào. Tất cả những người bà con có thể lì xì đã lì xì rồi. Năm đó tôi nghèo nhất trên đời.
Tôi đi ngang nhà của một thằng bạn học. Một ngôi nhà sàn khá cao. Nó đứng trên lan can xòe ra 3 tấm tiền giấy 10 đồng. Tôi không nhớ lý do nó khoe tiền. Tôi chỉ nhớ nó cười ở trên cao và những tờ tiền màu hồng hồng xòe ra trên đầu tôi. Tôi nói với nó:
- Mày cho tao một tấm đi, tao muốn đi qua nhà bà dì chơi mà hết tiền rồi.
Hình như cho tới lúc đó, tôi và nó chưa từng qua lại với nhau bất cứ trái cóc, trái ổi nào. Không hiểu sao tôi lại mở lời xin xỏ như vậy. Điều đáng ngạc nhiên là nó lại đồng ý cho tôi một tấm trong số 3 tấm tiền nó có.
Nó đưa tiền cho tôi. Nhưng nhà sàn cao nên tôi với không tới. Tấm tiền rơi xuống, chao qua chao lại trước mặt tôi. Tiền chao nhẹ nhàng như giỡn chơi mà tôi chộp không được. Tấm tiền rơi xuống mặt cát nhuyễn. Tôi cúi xuống nhặt tiền. Thằng bạn vẫn đứng trên nhà sàn cười rất thân thiện. Nụ cười nó cởi mở tới mức hơn 30 năm sau tôi vẫn nhớ.
Tôi cầm tấm tiền trên tay và tự hỏi hình như mình đang ăn xin và ăn xin vào đúng ngày mùng 1, ngày đầu tiên của năm mới. Mình ăn xin từ phía một thằng bạn không thân và học dở hơn mình. Sao mình lại hèn mạt như vậy?
Tôi không nhớ mình đã day dứt về lần ăn xin đầu tiên đó bao lâu. Nhưng từ đó trở về sau, khoái cảm bạc bài không ai cấm mà tự nó biến mất. Những lúc rảnh rỗi nhất, thà tôi đọc lại một cuốn sách cũ hay nằm hàng mấy giờ nhìn những nuộc lạt trên mái nhà mà tưởng tượng đó là những con người đang trò chuyện với nhau, chớ không tài nào có thể giải khuây bằng những trận bài, cả đánh chơi và đánh thật.
Tôi đã vào những mùa Tết rất khác. Nó bình an. Nhưng, hình như nó cũng bớt đi phần háo hức. Nhìn những người bài bạc vui Tết một cách hào hứng tôi như thấy họ là tôi của những ngày lên 9, lên 10. Họ có những niềm vui giản đơn như vậy, cũng quyết liệt như vậy. Tôi không hỏi sao họ khờ mà cũng không hỏi sao mình lại đánh mất thú vui một thời mê mẩn. Tôi có những niềm vui khác cũng không kém phần say sưa. Ngày Tết, tôi tìm tới những người tôi quý mến, ăn uống cùng họ, nói với nhau đủ chuyện trên trời dưới đất. Tôi nói nhiều và nghe nhiều. Sau những ngày Tết, trở về nhà như trở về một trường học lớn. Cảm thấy cuộc sinh tồn này đã quá đủ sát phạt rồi. Những trận bài túm tụm dưới sân nhà kia sao mà nhỏ nhoi và ngày càng nhỏ nhoi hơn nữa khi tuổi tác càng nhiều.
Giờ đây, những ngày Tết giáp tới, sắp xếp hành trang chơi bời cho mình là viết, là đọc, là thăm thú bạn bè, có đôi khi tôi chợt nhớ những ngày oằn oại với bạc bài. Nhìn lại thấy cũng vui vui. Ít ra cũng có một thời mình nếm trải trọn vẹn trò sát phạt, kể như cũng đã thấm thía "mùi đời".
Bình luận (0)