Nếu tính cả "Hai Phượng", phim Việt có 3 tác phẩm điện ảnh được vào kho của Netflix trong lúc truyền hình vẫn chưa có được phim nào tạo lập thành tích tương tự. Trong thời điểm phim chiếu mạng (web drama) bùng phát theo hướng đầu tư hơn nhưng vẫn chỉ phục vụ khán giả trong nước, không ít nhà sản xuất dồn sức cho các dự án của mình để phát hành được trên Netflix cũng như các thị trường OTT (Over the top - phim chiếu trên nền tảng mạng) khác.
Hướng đến Netflix
Giải pháp xuất khẩu hiện đại là thông qua OTT như Netflix đang nở rộ ở thời đại khán giả xem phim qua điện thoại di động, máy tính xách tay hơn là ngồi trước tivi. Nhiều người trong giới nhận định Netflix vào thị trường Việt một thời gian nhưng họ chưa tạo được đột phá vì thiếu những chương trình Việt đủ để thu hút khán giả nội địa. Nhưng nhìn ở góc độ tích cực, đây cũng là cơ hội để nhà làm phim tận dụng, đưa văn hóa và hình ảnh con người Việt Nam ra thế giới thông qua nền tảng này. Một vài tín hiệu vui khi phim "Chung cư ma", "Trúng số" đã xuất hiện trên kho phim Netflix. Tác phẩm "Hai Phượng" có thông tin được Netflix mua với giá 5 triệu USD (116 tỉ đồng) nhưng phía Ngô Thanh Vân chưa xác nhận mức tiền. Nếu đây là con số thật sẽ là vụ mua bán giá trị lớn cho phim Việt với kênh phim trực tuyến bậc nhất thế giới.
Bên cạnh điện ảnh, bộ đôi đạo diễn Bảo Nhân - Nam Cito cũng công bố thực hiện dự án hướng đến nhà phát hành Netflix "Gái già lắm chiêu - Tứ đại mỹ nhân" gồm 10 tập, mỗi tập 60 phút. "Chúng tôi hướng đến việc trình chiếu trên Netflix nên sản xuất phim theo tiêu chuẩn điện ảnh như diễn viên tên tuổi, chất lượng, hậu kỳ tại Thái Lan, âm nhạc do Christopher Wong sáng tác. Ngoài Netflix, chúng tôi cũng đầu tư phần phụ đề tiếng Hoa để hướng đến thị trường này. Một tác phẩm chuẩn mực theo quy định quốc tế từ mọi khâu sẽ giúp chúng tôi tự tin đưa phim ra thế giới" - đạo diễn Bảo Nhân nói.
Cảnh phim “Gái già lắm chiêu - Tứ đại mỹ nhân” được đầu tư hướng đến Netflix và các nền tảng mạng khác (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Bên cạnh "Gái già lắm chiêu - Tứ đại mỹ nhân", dự án "Phượng Khấu" cũng được hy vọng sẽ làm nên chuyện trong thời gian tới. Dự án quy tụ dàn diễn viên: NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, NSND Hồng Vân, Hồng Đào, Quang Minh, Kiều Trinh, Trịnh Tú Trung, Thanh Tú, Hoàng Yến, kiện tướng taekwondo Hồ Thanh Phong… Phim dự kiến dài 15 - 20 tập do Huỳnh Tuấn Anh đạo diễn...
Khó về kịch bản
Dự án "Gái già lắm chiêu - Tứ đại mỹ nhân" có chủ đề "cung đấu showbiz" được làm theo thể loại tâm lý, hình sự, trinh thám. Đây là thể loại dễ xuất khẩu nhất và chủ đề cũng bảo đảm được sức hấp dẫn. Nhận định về khả năng đáp ứng các tiêu chí của những nền tảng truyền hình mạng thu phí có uy tín như Netflix hay các nước khác, hầu hết người trong giới cho rằng phim Việt hiện nay đủ sức. "Chúng ta có đầy đủ phương tiện kỹ thuật và nhân lực để tạo ra tác phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của Netflix hay bất kỳ nền tảng mạng có thu phí nào khác nhưng vấn đề là liệu có tìm được kịch bản cuốn hút, chinh phục được họ không?" - nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc băn khoăn. Theo cô, những ý tưởng kịch bản mà các nhà đầu tư, nhà phát hành nước ngoài thích thú chọn lựa hợp tác thường là mối quan tâm chung của khán giả các nước. Đó là những chủ đề mà Việt Nam thấy tò mò, người Úc cũng xem được, người Thái Lan cũng hiểu... Việc chọn lựa ý tưởng kịch bản như thế không dễ khi điện ảnh Việt hiện nay vẫn đang thiếu kịch bản hay. Đây vẫn là cái khó chung nhất của cả điện ảnh lẫn phim dài tập. Đạo diễn Bảo Nhân cũng thừa nhận cái khó trong sản xuất phim hiện nay vẫn là kịch bản chứ không phải kỹ thuật hay vấn đề con người. Dẫu vậy, khán giả Việt cũng đến lúc cần được thưởng thức một tác phẩm truyền hình theo chuẩn quốc tế và nhà làm phim phải cố gắng vượt khó nếu muốn tiếp tục phát triển.
Thời gian gần đây, phía công ty BHD cũng nỗ lực đầu tư loạt phim truyền hình nhiều tập để khai thác nền tảng thu phí nhưng hiệu quả chưa cao vì chủ yếu làm phim Việt hóa: "Glee", "Hậu duệ mặt trời"... Vì làm lại không vượt được bản gốc nên các phim trên không tạo đột phá. Trong khi đó, nhà làm phim Trung Quốc lại tận dụng rất tốt và không ít lần chinh phục thị trường Việt bằng những phim cổ trang đậm màu sắc văn hóa nước này. Họ xuất khẩu sang thị trường Việt nhưng chúng ta chưa thể xuất khẩu ngược sang nước họ. Việc dồn sức cho những tác phẩm chủ đề thuần Việt bằng sự đầu tư chuẩn quốc tế sẽ mở những bước đầu tiên cho việc đưa phim xuất ngoại bền vững hơn.
Cơ hội rộng mở hơn cho phim Việt trong việc xuất ngoại qua các nền tảng mạng là điều được xác định vì phù hợp xu hướng hiện đại. Nhưng nhiều người trong giới cũng nhận định rõ muốn tạo nên sự chuyên nghiệp, cần mối liên kết giữa các nhà làm phim và chính sách nhất quán từ cơ quan quản lý để có được sự đồng lòng, đồng sức. Nếu để doanh nghiệp tự vận động thì việc tìm kiếm thị trường ngoại cũng chỉ là nhỏ lẻ.
Bình luận (0)