NSƯT Hạnh Thúy
Sau bài báo "Cần đổi mới tổ chức trại sáng tác", Báo Người Lao Động đã nhận được ý kiến góp ý của NSƯT Hạnh Thúy – người vừa làm công tác đạo diễn, diễn viên - về sáng tác kịch bản sân khấu.
NSƯT Hạnh Thúy cho rằng rất dễ thấy một kịch bản sân khấu từ phiên bản tác giả đến phiên bản trình làng với khán giả khác xa nhau, thậm chí có khi chỉ còn cái tên và chủ đề, còn lại đường dây, kết cấu, sự kiện, lời thoại… đều thay đổi sau quá trình gia công của đạo diễn, diễn viên.
"Có những tác phẩm dạng này đã rất thành công, đoạt giải cao trong các kỳ liên hoan chuyên nghiệp, tồn tại và bán vé tương đối thành công, mang lại thành quả cho tác giả, nhưng cũng có những vở chết non vì sự biến đổi. Điều này minh chứng việc thiếu đồng cảm giữa tác giả và đạo diễn là có thật. Hiện nay, tìm được một kịch bản tốt đến mức đạo diễn, diễn viên chỉ cần nghĩ làm sao cho hay chứ không cần phải chỉnh khá hiếm" – NSƯT Hạnh Thúy chia sẻ.
Theo cô, một nguồn kịch bản được kỳ vọng là từ các trại sáng tác, nhưng thực tế kịch bản từ các trại được đưa lên sân khấu dàn dựng, biểu diễn bán vé không nhiều; nếu có thì sự gia công, thay đổi, chỉnh sửa trong quá trình dàn dựng khá phổ biến. Mỗi năm, có nhiều trại sáng tác đều đặn được tổ chức, tác phẩm thu hoạch sau mỗi trại sáng tác không ít, nhưng không có nhiều tác phẩm đến với công chúng, tồn tại như một giá trị nghệ thuật.
Vở kịch "Bao giờ sông cạn" (tác giả Hạnh Thúy - biên tập Hoàng Thái Thanh - đạo diễn Ái Như) cảm tác từ "Dòng nhớ" của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã khiến khán giả yêu kịch bồi hồi.
Thời gian trại trung bình 10-15 ngày, thời gian tham gia sinh hoạt, du lịch, tham quan, trải nghiệm… chiếm gần hết thời lượng. Trong thời gian ngắn đó viết một tác phẩm sân khấu trung bình khoảng 40-50 trang, cho ra đời một vở sân khấu chất lượng không phải dễ. Kế đến cũng có thể tác giả loay hoay với tiêu chí sáng tác, quan điểm, chủ đề… của trại đã khiến chất cảm xúc biến mất trong trong tác phẩm. Vì để dễ dàng, thuận lợi tham gia trại nên tác phẩm mang đến tham dự đều ở mức độ "an toàn", dễ trình bày, dễ viết nên cũng… dễ quên.
NSƯT Hạnh Thúy phân tích thêm đề tài, cách thể hiện, cách nói của các tác phẩm tham gia trại đôi khi mang tính "quy chuẩn", sân khấu có nhiều vở ra đời "đúng định hướng" nhưng thiếu vở "hay để có thể bán được vé". Điều rất cần hiện nay là sân khấu phải có những tác phẩm mang đậm chất nghệ thuật nhưng vẫn mang hơi thở cuộc sống, khán giả thấy mình trong đó. Đề tài kịch có thể cũ nhưng góc nhìn phải đổi mới, cái mới đó nằm trong sự linh hoạt trong cách thể hiện, sự chân thật của câu thoại, của nhân vật, của tình huống chứ không phải giáo điều, lên gân, áp đặt, "cố thể hiện" quan điểm, cá tính sáng tác một cách gượng gạo.
NSƯT Hạnh Thúy
Để cải tiến trại cần quy tụ tác giả viết giỏi để cho ra tác phẩm hay, tồn tại được trong lòng công chúng. Tác giả cần đặt mình vào vị trí của đạo diễn, nhà sản xuất để hiểu tính khả thi khi "đứa con tinh thần" của mình được ra đời trên sân khấu. Cần đặt mình vào vị trí khán giả để hiểu khán giả cần gì, viết gì để khán giả "thấm" và thích. Cần đặt mình vào "thời cuộc" để cân nhắc nói gì, nói thế nào để vừa phản ảnh cái tôi tác giả mà câu chuyện không bị xa lạ, khiên cưỡng.
"Cần phải đặt mình vào nhân vật để sống với câu chuyện mình đã xây dựng, để nhân vật hành động trên tâm lý của nhân vật một cách chắt lọc, tinh tế chứ đừng áp đặt bản thân, quan điểm tác giả vào kịch bản quá nhiều mà dẫn đến gượng gạo, chai cứng, "lên lớp"… người xem".
NSƯT Hạnh Thúy nhấn mạnh khán giả và sân khấu cần những câu chuyện lay động được cảm xúc, có thể đời thường, có thể "thêu hoa dệt gấm" nhưng nhất định sự chân thành trong cảm xúc là không thể bỏ qua được.
Bình luận (0)