Theo phân công của nhà trường, cô Út Lâm đứng lớp dạy tiếng Việt cho mấy người nước ngoài vốn là quản lý các công ty, nhà máy sản xuất có vốn nước ngoài đóng chân trong tỉnh. Ông Lee là học trò của cô Lâm khóa đầu tiên cách nay ba năm vẫn còn qua lại thăm "cô", so với các học viên khác hầu như đã quên người dạy sau khi kết thúc khóa học. Cũng có lý do riêng của mối quan hệ này, ấy là công ty mà ông học trò làm phó tổng giám đốc ở cùng đường với nhà cô giáo. Mặt khác, ông này là một học trò đặc biệt khi xin được ưu tiên học "nói" hơn học "đọc và viết" chữ Việt. Cuối cùng là một cái duyên: sau một buổi giao lưu giữa các học viên với thầy Tiến, do cô Út Lâm tổ chức, ông phó tổng này "kết" ông thầy già vui tính hay nói chuyện về tiếng lóng và ý nghĩa khôi hài của tiếng Việt.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Dịp lễ kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam, ông Lee xuất hiện ở nhà thầy Tiến đúng mười lăm phút sau khi gọi điện hỏi cô Út Lâm có nhà không. Đó là thời gian vừa đủ để chiếc xe của công ty đưa ông đến nhà cô giáo cũ. Quà là một lẵng hoa cũng phải tầm tiền triệu cho cô giáo. Thêm một hộp bánh lớn biếu thầy Tiến.
Cô Út Lâm mời khách uống nước trà sen, loại mà cô nói: "Cha tôi rất thích uống". Khách còn được mời ăn bánh đậu xanh sản xuất từ miền Bắc mà cô mua ở siêu thị gần nhà. Thời buổi giao thông tiện lợi này, hàng Nam bán ngoài Bắc hay hàng Bắc bán trong Nam là chuyện thường tình. Dĩ nhiên trong câu chuyện giữa ba người không thể thiếu chuyện "tiếng Việt". Một lúc nọ, ông Lee chợt hỏi:
- Tôi nghe nhiều người nói "buồn cười". Đã buồn mà còn cười được thì hơi khó hiểu, vậy cô giáo và ông thầy có thể giải thích cho tôi hiểu rõ hơn không?
Thầy Tiến bảo con:
- Con là cô giáo trực tiếp của ông Lee, con giải thích trước đi. Có gì thì cha sẽ bổ sung.
Cô Út Lâm giải thích cho ông học trò:
- Trước hết, chữ "buồn" ở đây không có nghĩa là một trạng thái tình cảm, ngược với "vui". Mà "Buồn" là "muốn", là không thể nín được. Khi nói "buồn cười" là người ta muốn nhấn mạnh đến một hành động không thể hiện bằng cách cười trước một việc gì đó thường là đáng chê bai…
- Khó hiểu quá… Hay là tôi nói "mắc cười" như mấy cậu công nhân chỗ tôi có được không?
Thầy Tiến gật gù:
- Được chứ! "Mắc cười" nghiêng về nói, còn "buồn cười" nghiêng về viết.
- Thế thì ổn rồi. "Nói" được tôi chọn là cách giao tiếp chính ngay từ khi học tiếng Việt mà!
Từ đó, ông Lee không dùng chữ "buồn cười" nữa mà chuyển qua dùng chữ "mắc cười". Chưa hết, ông còn dùng chữ này thường xuyên, đôi khi chưa được chính xác lắm. Nghe nói nhiều công nhân chỗ ông gọi ông là "ông mắc cười". Thấy cách gọi cũng vui và hợp với tính cách của ông Lee, cha con thầy Tiến và cô Út Lâm lấy luôn đó làm biệt danh cho ông Lee mỗi khi trong câu chuyện của họ có nhắc đến ông.
***
Thầy Tiến chơi phây! Đây là một việc mà ông Lee gọi là "mắc cười" quá! Phây của thầy Tiến do cô Út Lâm tạo mới cho, nickname là tên thật. Ông Lee cũng chơi phây, còn trước thầy Tiến ít lâu. Nick của ông là "Ông mắc cười", do một công nhân tạo cho. Nói nào ngay, ông Lee cũng đọc và viết được kha khá chữ Việt thông dụng nhưng ông rất hạn chế viết trên dòng trạng thái. Ông phân bua: "Dù sao mình cũng là một sếp trong công ty. Mình mà viết sai thì mắc cười lắm!". Trên phây của ông, hình ảnh và clip là chính. Nếu cần thì ông chỉ ghi chú rất ngắn, dăm ba chữ là cùng.
Nội dung phây của thầy Tiến thì ngược hẳn với ông Lee. Chỉ toàn chữ là chữ. Có điều thầy viết ngắn, gọn. Thỉnh thoảng mới thấy thầy đưa lên một tấm ảnh của thằng cháu nội hơn ba tuổi và ghi chú: "Ảnh không liên quan với bài". Bài viết của thầy Tiến hầu hết là về chữ nghĩa, có giá trị về học thuật. Nhưng lượt like thì lại rất ít, chưa bao giờ lên quá con số 10! Thầy nói: "Tôi chả quan tâm! Tôi nghe nói số like đâu phải là số người xem. Mà người like cũng chưa chắc đã xem những gì mình viết. Còn sắp tới nghe đâu "ông phây" cũng sẽ cho ẩn số like rồi mà". Về phần đọc phây người khác, thầy Tiến công nhận là mình rất lười vì đa số viết "tào lao" quá, "ảo" quá! Thầy tâm sự với cô Út Lâm:
- Cha nói thật nhé, cái cô bạn giảng viên của con đâu phải là người đẹp, vậy mà cứ thích khoe ảnh chân dung, vô tư khoe cái dấu hiệu già đang đến mà không biết. Vậy chứ bình luận nào của các friend cũng khen dạo này chị trẻ đẹp quá! Còn cái anh nhà báo về hưu thì lên lớp từ cô giáo đánh trẻ đến lãnh đạo cấp cao, lại còn chê đồng nghiệp không dám lên tiếng trước những bất công xã hội. Thế hồi anh ấy còn làm báo thì anh ấy viết gì nếu không phải toàn là tin bài ca ngợi! Chưa hết, còn cái ông nhà văn nọ, tiếng là nhà văn quốc gia mà viết cái tút nào cũng có vài lỗi chính tả về hỏi ngã…
Cô Út Lâm chia sẻ với cha nhưng cũng giải thích thêm:
- Mạng xã hội có thật, có ảo mà cha. Nhiều người nhờ cái ảo ấy mà sống lạc quan hơn, cũng là điều có lợi chứ. Cha không thích ai thì xóa kết bạn với họ là xong chứ gì.
- Ừ! Chắc là cha sẽ làm thế. Nhưng xóa ai thì xóa, chứ "Ông mắc cười" thì cha để!
***
Phây "Ông mắc cười" mới đăng ảnh của chính ông và ghi chú: "Ảnh được tài trợ bởi bạn công nhân B". Trong ảnh, ông Lee đang vỗ tay, đứng cạnh mấy thí sinh đoạt giải trong cuộc thi văn nghệ của công ty. Nếu chỉ có thế thì chẳng làm cho thầy Tiến phải chú ý. Không cần phải phóng to, cũng không cần phải đeo kính già, thầy cũng nhìn thấy cái quần của ông Lee bị trễ xuống dưới cái bụng đã thon thả của ông ta. Vì quen biết ông Lee từ lâu với cái bụng bia nên thầy hiểu là ông đã thành công trong việc kiên trì tập thể dục để giảm béo. Cái quần trễ dưới rốn là một minh chứng cho sự thành công của ông nhưng một mặt khác, còn may là nó dừng ở vị trí cần dừng, chứ không thì sẽ xảy ra… thảm họa! Thầy Tiến không thể không viết bình luận: Thuê thợ may thêm dây đeo quần ngay lập tức! Ông Lee trả lời: Nhìn kỹ cái ảnh là tôi biết rồi. Thật là "mắc cười".
***
Ông "Mắc cười" lại xuất hiện ở nhà thầy Tiến sau khi điện thoại hẹn cô giáo Út Lâm. Cũng như nhiều lần trước, mười lăm phút sau cú điện thoại, xe của công ty đưa ông đến đậu trước nhà. Cũng vẫn có một bó hoa tươi và hộp bánh trên tay ông phó tổng.
- Hôm nay không phải ngày lễ lạt… - Cô Út Lâm mở lời.
- Vâng, đúng thế! Tôi đến vì một việc quan trọng khác… Xin thông báo với ông thầy và cô giáo, tôi đã hết hợp đồng với công ty, ít hôm nữa sẽ về nước. Vì vậy, tôi đến để tạm biệt hai vị.
Cả hai cha con thầy Tiến và con gái cùng ngạc nhiên vì sự kín tiếng của ông Lee. Sau mấy câu xã giao cần có về sự chia tay của khách, thầy Tiến chợt hỏi:
- Lúc nãy không biết tôi nghe có rõ hay không, như là ông chỉ nói là "tạm biệt". Nghĩa là ông còn trở lại?
- Vâng! Tôi dùng "tạm biệt" là chính xác đấy. Vì trong tương lai, rất có thể có ngày tôi sẽ bay qua Việt Nam đi du lịch hay thăm viếng người quen ở đây, cũng sẽ ghé thăm nhà mình. Cũng có thể tôi ký một hợp đồng với công ty khác và lại qua đây làm việc.
- Hy vọng rằng khi ấy, ông vẫn còn nói được tiếng Việt lưu loát như bây giờ.
- Cũng chưa chắc cô giáo ạ. Ngôn ngữ mà lâu ngày không dùng, sẽ bị quên đi không nhiều thì ít.
- Hoan hô ông đã dùng đúng "không nhiều thì ít" trong trường hợp này.
- Tôi nhớ mà. Có trường hợp phải nói là "không ít thì nhiều" mới phù hợp. À, lúc nãy tôi còn chưa nói thật hết ý. Là thế này… Tôi qua đây làm việc nhiều năm, học tiếng Việt và dùng tiếng Việt ngày một khá hơn, trong khi đó giao tiếp tiếng nước tôi thì lại bị hạn chế. Cả công ty chỉ có mấy người đồng hương, lại cũng không có nhiều cơ hội trò chuyện. Vì vậy, đôi lúc tôi cảm thấy chúng tôi nói tiếng mẹ đẻ như nói tiếng nước ngoài, thiệt mắc cười quá đi.
Thầy Tiến bật cười:
- Ông nói đúng lắm! Như thế thì quả là "mắc cười".
Đến lúc này thầy mới để ý đến hai sợi dây đeo quần mới được may thêm của ông Lee. Nhìn nó ngồ ngộ và khiến thầy phải mỉm cười một mình.
Bình luận (0)