Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) vừa thông qua Quyết định 512 về việc cập nhật Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021 - 2025.
Những lùm xùm gây bức xúc
Trong 19 nhóm nhiệm vụ trọng tâm được Bộ TT-TT nêu ra, có nhiệm vụ quản lý người nổi tiếng trên mạng. Theo đó, lãnh đạo Bộ TT-TT giao Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT) chủ trì, phối hợp Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) triển khai quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sĩ, KOLs có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục. Thời hạn thực hiện từ tháng 10-2023.
Nhiều nghệ sĩ quảng cáo cho các loại thực phẩm chức năng. (Ảnh: GIA BẢO)
Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, hiện có thực trạng nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm pháp luật, hành xử trái đạo đức, thuần phong mỹ tục, song các quy định pháp luật hiện hành chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu. Thêm nữa, mặc dù Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đã được ban hành nhưng không hiệu quả vì không có chế tài xử lý.
Thời gian qua có không ít nghệ sĩ, người nổi tiếng có hành vi vi phạm trong hoạt động biểu diễn, phát ngôn trên mạng xã hội, trong hoạt động quảng cáo... Có thể kể đến các hành vi như phát hành MV (video ca nhạc) cổ xúy tự tử, ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ; đưa tin sai sự thật; quảng cáo tiền ảo, bói toán, mê tín, thổi phồng công dụng của thực phẩm bảo vệ sức khỏe... Tuy nhiên, mức phạt với mỗi hành vi vi phạm liên quan việc đưa tin sai sự thật còn quá nhẹ, chỉ từ 5-10 triệu đồng, trong khi mức phạt vi phạm về quảng cáo chỉ đến 80 triệu đồng.
Tình trạng nghệ sĩ gây lùm xùm với các xì-căng-đan (sự việc bê bối), quảng cáo sai sự thật khiến dư luận bức xúc trở nên khá quen thuộc trong thời gian qua. Lùm xùm đáng tiếc nhất trong giới showbiz năm qua có lẽ là vụ nhạc sĩ Hồ Hoài Anh và diễn viên Hồng Đăng bị giữ lại hơn một tháng tại Tây Ban Nha do liên quan cáo buộc "xâm phạm quyền riêng tư". Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha sau đó cho biết Tòa án Palma (nơi điều tra cáo buộc 2 nghệ sĩ Việt Nam cưỡng hiếp một thiếu nữ 17 tuổi trong khách sạn ở Andrat, cuối tháng 6-2022), ngày 3-8-2022 đã trả hộ chiếu cho 2 công dân Việt Nam và 2 công dân này đã rời Tây Ban Nha. Tuy nhiên, quá trình điều tra vụ việc vẫn đang tiếp tục. Vụ việc đã làm tổn thương hình ảnh cá nhân, danh dự gia đình...
Cách đây vài tháng, dư luận cũng lên tiếng khi một loạt nghệ sĩ Việt như diễn viên Cát Tường, Lan Phương, Thanh Vân, Hương Giang, Việt Anh… đồng loạt đăng status giới thiệu dịch vụ bói tử vi để quảng cáo trá hình cho việc bán đồ phong thủy với giá cao ngất ngưởng. Ở dưới phần bình luận, các đường link được những nghệ sĩ trên giới thiệu đều dẫn về một trang Facebook chuyên bán đồ phong thủy. Khi click vào đường link này, người xem được "thầy" mời mua các món hàng để mang theo người, nhằm cải vận và được hỗ trợ trong công việc, tình cảm…
Xì-căng-đan của ca sĩ Hiền Hồ liên quan đến đời tư cũng gây bức xúc trong dư luận vì vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình. Diễn viên Phương Oanh cũng vướng ồn ào đời tư, liên quan việc bạn trai cô đang còn ràng buộc về mặt pháp lý với vợ cũ khi hai người chưa hoàn tất thủ tục ly hôn.
Lành mạnh không gian mạng
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử nhận định nghệ sĩ, người nổi tiếng có hành vi vi phạm pháp luật sẽ ảnh hưởng không tốt đến xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Do đó, để chấn chỉnh thì nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm pháp luật và chuẩn mực đạo đức xã hội nghiêm trọng sẽ bị phạt tiền, phạt tù. Bên cạnh đó là các biện pháp "cấm sóng", "cấm mạng", "cấm diễn" để ngăn chặn các vi phạm này, nhằm từng bước làm lành mạnh không gian mạng, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, nhất là giới trẻ. Trước mắt, do chưa có quy định pháp luật nên sẽ sử dụng phương thức "khuyến nghị" hạn chế phát sóng, đưa tin, biểu diễn đối với đối tượng vi phạm.
Các nghệ sĩ viết bài quảng cáo cho dịch vụ xem tử vi
Bà Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL), cho hay Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật của Bộ VH-TT-DL nhận được sự hưởng ứng, đồng tình của dư luận xã hội cũng như những người hoạt động nghệ thuật. Tuy nhiên, theo bà, quy tắc ứng xử vẫn mang tính định hướng để những người hoạt động trong ngành nghệ thuật noi theo nhằm điều chỉnh hành vi. Thực tế vẫn tồn tại những đối tượng cố tình gây sự chú ý bằng xì-căng-đan, mắc sai phạm có hệ thống, lặp lại nhiều lần gây bức xúc dư luận…
Bà Trần Ly Ly nói thêm với nghệ sĩ, được biểu diễn, được xuất hiện trước công chúng là điều cực kỳ quan trọng. Bởi vậy, việc áp dụng các hình thức cấm xuất hiện trên truyền hình, trên các nền tảng xã hội và cấm biểu diễn trực tiếp là điều cơ quan quản lý không mong muốn.
Nghệ sĩ luôn là tâm điểm của công chúng - chỉ một hành động, cử chỉ sai lệch đều ảnh hưởng đến công chúng, xã hội. Công chúng không chấp nhận người làm văn hóa, nghệ thuật mà lại có những hành xử, phát ngôn thiếu chuẩn mực, thiếu văn hóa. "Vì thế, với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, có tính chất lặp đi lặp lại dù đã được cảnh báo, nhắc nhở… thì cần phải có những biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết" - bà Trần Ly Ly nhấn mạnh.
Cũng theo bà Trần Ly Ly, hoạt động của các nghệ sĩ được thực hiện trên nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau, vì vậy việc phối hợp để giữ môi trường nghệ thuật lành mạnh là rất cần thiết. Các trường hợp liên quan biểu diễn, nghệ sĩ… vi phạm trên mạng xã hội sẽ có các đơn vị chuyên môn của Bộ VH-TT-DL xem xét, xử lý. Về kỹ thuật trên các nền tảng mạng xã hội hay môi trường internet, khi được xác định là có vi phạm, sẽ do Bộ TT-TT đảm trách.
"Chúng tôi đánh giá cao vai trò của Bộ TT-TT khi vào cuộc tích cực cùng cơ quan quản lý nhà nước của ngành VH-TT-DL để giải quyết những bất cập nảy sinh trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn hiện nay, giúp những người làm nghệ thuật điều chỉnh cho đúng chuẩn mực, thực hiện đúng quy định của pháp luật" - NSƯT Trần Ly Ly nói.
Bình luận (0)