Vụ tranh cãi, bất đồng quan điểm giữa Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng nổ ra trên công luận sau khi VCPMC công báo sẽ thu phí tác quyền qua tivi khách sạn từ đầu tháng 10-2017. Ông Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC, khẳng định sẽ kiên quyết thu trong khi bà Dương Thị Thơ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng, cho hay thu không đúng luật thì một đồng cũng không đóng.
Không đóng vì phí chồng phí
Chiều 13-9, Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng đã tổ chức họp thành viên ban chấp hành để thông qua nhiều vấn đề, trong đó có việc thu tác quyền âm nhạc qua tivi khách sạn. Sau cuộc họp, bà Dương Thị Thơ cho biết các thành viên ban chấp hành hiệp hội đã thống nhất không nộp tiền tác quyền âm nhạc qua tivi khách sạn.
Một tiết mục trình diễn trong “Giọng hát Việt 2017” trên kênh truyền hình VTV3. (Ảnh do chương trình cung cấp)
Theo bà Thơ, VCPMC sẽ không thu được đồng nào vì chưa đối chất sòng phẳng với các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn mà đã tiếp tục thông báo thu phí. Bà Thơ cho rằng các khách sạn đã chi trọn gói cho các đơn vị truyền hình cáp, nay lại đòi thu thêm phí tác quyền bài hát là không hợp lý. Việc thu như vậy là "phí chồng phí".
Hơn nữa, tivi ở khách sạn tập hợp cả trăm chương trình chứ không riêng về âm nhạc. Chưa kể, khách ở khách sạn ít nghe nhạc. Đi chơi cả ngày về, họ chỉ dành chút ít thời gian xem tivi nhưng không phải ai mở lên cũng để nghe nhạc.
Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng sẽ thông báo đến tất cả khách sạn ở TP không phải nộp tiền nếu VCPMC đến thu. Ngoài ra, trong tuần này, hiệp hội sẽ gửi thông báo về việc dự thảo không trả phí tác quyền qua tivi khách sạn đến Sở Du lịch TP Đà Nẵng để đơn vị này nắm rõ.
"Không đồng ý thì đừng sử dụng tivi"
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động chiều cùng ngày về việc Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng phản đối thu phí qua tivi trong phòng khách sạn, ông Phó Đức Phương cho hay: "Chúng tôi sẽ xử lý việc này". Theo ông, nếu Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng chưa thực hiện thì trung tâm sẽ có biện pháp để họ thực hiện.
"Biện pháp có thể không phải có ngay mà có khi nửa tháng, một tháng hoặc lâu hơn. Chúng tôi sẽ kiên trì, bền bỉ để bắt họ thực hiện. Chúng tôi đã thu ở TP HCM, Hà Nội; nếu Đà Nẵng không trả thì chúng tôi sẽ có biện pháp giải thích, đấu tranh để họ phải trả" - nhạc sĩ Phó Đức Phương khẳng định.
Giám đốc VCPMC cũng tuyên bố: "Nếu không đồng ý, họ có thể không sử dụng tivi hoặc nếu dùng thì cắt hết các bản nhạc, bài hát, nhạc phim. Họ cũng cần chứng minh rằng mình không sử dụng âm nhạc của chúng tôi. Tôi nghĩ việc cắt đi có khi còn tốn hơn gấp trăm ngàn lần việc đóng hơn 2.000 đồng mỗi tivi một tháng".
Lý giải thêm về quyết định thu phí trở lại của VCPMC, ông Phương cho rằng về nguyên tắc, một khi chủ khách sạn đã tạo điều kiện cho người nghe tiếp cận các tác phẩm âm nhạc của những tác giả đã ủy quyền cho VCPMC thì dù khách có xem tivi hay không, khách sạn vẫn phải trả tiền bản quyền tác giả âm nhạc.
"Khách sạn đã dùng phương tiện sử dụng tác phẩm của chúng tôi thì phải có trách nhiệm trả tiền quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng, dù người ta vào khách sạn có nghe nhạc hay không. Họ có thể thắc mắc mức phí đắt hay rẻ, chúng tôi hoàn toàn có thể nghiên cứu, điều chỉnh nhưng nếu họ dứt khoát không nộp tiền thì là phạm luật" - ông Phương nhìn nhận.
Theo giám đốc VCPMC, hiện tại, trung tâm không có phương tiện để kiểm tra, đo đếm tivi trong khách sạn mở chương trình gì, bài hát nào. Sau khi tham khảo nhiều nơi, VCPMC đưa ra mức giá khoán là 25.000 đồng/phòng khách sạn có tivi/năm. Như vậy, mỗi tháng, một phòng khách sạn có tivi chỉ mất hơn 2.000 đồng - chia cho 4.000 tác giả Việt Nam đã ủy quyền cho trung tâm và khoảng 2 triệu tác giả nước ngoài thì mỗi người chỉ nhận được số tiền ít ỏi.
Khi được hỏi liệu có tính mức phí theo số sao của khách sạn hay không, ông Phương cho rằng VCPMC không muốn chia thành từng loại vì như vậy "tủn mủn, công thức quá". Theo nhạc sĩ này, trung tâm áp dụng mức thấp nhất để dễ đồng bộ hóa và triển khai. "Nếu chúng tôi hạ giá vài ngàn đồng với các khách sạn nhỏ thì số tiền thu được quá ít, như vậy rất tội nghiệp" - ông Phương bày tỏ.
Có thể kiện ra tòa
Trao đổi với báo chí trước thông tin VCPMC quyết tâm thu phí tác quyền qua tivi trong khách sạn, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, khẳng định VCPMC chỉ có thể triển khai việc thu phí khi xác định được tác phẩm âm nhạc nào của tác giả, chủ sở hữu là hội viên VCPMC có hợp đồng ủy quyền được khai thác, sử dụng. Trung tâm này phải xây dựng biểu mức tiền, sau đó tiến hành đàm phán với bên khai thác. Nếu nhận được sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tác phẩm âm nhạc thì thu; còn nếu không thỏa thuận được, hai bên kiện ra tòa theo quy định pháp luật. Ông Hùng nhấn mạnh đây là thỏa thuận dân sự. Chỉ khi hai bên khúc mắc, cần tới cơ quan quản lý nhà nước, Cục Bản quyền tác giả mới vào cuộc.
Bình luận (0)