"Bố già" đang giúp thị trường phim Việt trở nên nhộn nhịp sau thời gian các cụm rạp tạm đóng cửa do tác động của dịch Covid-19, đồng thời truyền cảm hứng cho các nhà đầu tư - sản xuất trở lại thị trường điện ảnh Việt.
Lập kỷ lục doanh thu
Phim "Bố già" do Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng đồng đạo diễn đã chạm mốc doanh thu 200 tỉ đồng vào chiều 14-3, sau 9 ngày ra rạp (bao gồm các suất chiếu sớm), vượt qua "Cua lại vợ bầu" (thu gần 192 tỉ đồng năm 2019) trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất ở thị trường nội địa. "Bố già" cũng lập thành tích phim Việt chạm mốc 200 tỉ đồng trong thời gian nhanh nhất. Phim "Hai Phượng" của Ngô Thanh Vân có tổng doanh thu vượt mức 200 tỉ đồng nhưng phải tính ở thị trường nội địa và quốc tế. Hiện tại, doanh thu của "Bố già" vẫn tăng đều, chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
Phim “Bố già” lập kỷ lục doanh thu phòng vé. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Giới chuyên môn dự đoán "Bố già" sẽ sớm chạm cột mốc 250 tỉ đồng và có khả năng đạt doanh thu 300 tỉ đồng, thiết lập kỷ lục mới cho phim Việt. Thành tích của "Bố già", tác phẩm được Trấn Thành thực hiện sau thành công từ phim chiếu mạng cùng tên, nối dài danh sách những phim Việt chiếu rạp từ phim chiếu mạng thắng đậm doanh thu.
Trước đó, thành công từ phim chiếu mạng "Thập Tam Muội" được phía Thu Trang - Tiến Luật cùng ê-kíp lần lượt thực hiện 2 phần phim điện ảnh gồm "Chị Mười Ba: Phần kết Thập Tam Muội" năm 2019 với doanh thu hơn 60 tỉ đồng và "Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử" năm 2020, doanh thu hơn 100 tỉ đồng. Huỳnh Lập và nhà sản xuất Hồng Tú cũng đưa "Pháp sư mù" lên màn ảnh rộng sau thành công của phim chiếu mạng "Ai chết giơ tay". Phim "Pháp sư mù" doanh thu khoảng 60 tỉ đồng.
Lý giải thành công trên, người trong giới cho rằng phim chiếu mạng được chọn thực hiện bản điện ảnh đa phần đều là các sản phẩm thu hút hàng chục triệu lượt xem trên YouTube. Dòng phim này nhận được sự khen ngợi từ phía truyền thông và công chúng, có lượng khán giả riêng do yêu thích các nhân vật trong phim. Khán giả của phim chiếu mạng đa phần lại là người trẻ, đối tượng thường xuyên đến rạp để xem phim giải trí.
"Tôi thấy hiện nay yếu tố quen thuộc chiếm 75% trong một tác phẩm điện ảnh thị trường Việt và còn lại 25% cho sự mới lạ, độc đáo, ấn tượng. Sự quen thuộc là một lợi thế như các phim được "Việt hóa"; phim chuyển thể tác phẩm văn học và phim làm từ sản phẩm chiếu mạng... đều có lợi thế này. Điện ảnh Việt trước đó có phim "Việt hóa" mang tên "Tiệc trăng máu" hoặc phim "Mắt biếc" chuyển thể từ truyện Nguyễn Nhật Ánh đều đạt doanh thu cao. Ngoài sự quen thuộc là một lợi thế, tác phẩm muốn thắng tại phòng vé còn phải có câu chuyện hay, chạm đến cảm xúc khán giả, diễn xuất tinh tế của diễn viên và hiệu ứng quảng bá. Để đạt doanh thu cao còn cần thêm yếu tố thị trường khi phim ra rạp" - biên kịch kiêm đạo diễn Kay Nguyễn nhận định.
Cần tiếp tục nâng chất
Sự thành công doanh thu từ các bộ phim này dẫn đến nỗi lo ngại sẽ tạo một xu hướng "làm theo", ồ ạt xuất hiện những tác phẩm điện ảnh làm từ phim chiếu mạng nổi bật. "Từ phim chiếu mạng đến bản chiếu rạp là công thức của quá trình quảng bá sản phẩm. Khán giả của nền tảng mạng chính là người trẻ và họ cũng chính là những khách hàng chính của phim rạp. Nhưng phải khẳng định đó phải là một tác phẩm tốt! Theo tôi, không nên nghĩ phim chiếu mạng nào gây được sự chú ý đều thắng khi ra rạp" - đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh chia sẻ.
Đồng quan điểm, biên kịch kiêm đạo diễn Kay Nguyễn cho rằng chạy theo xu hướng là điều không hay, dễ làm bão hòa thị trường, khiến khán giả nhàm chán với hàng loạt sản phẩm cùng loại. Thay vì chạy theo xu hướng, nhà đầu tư - sản xuất nên khám phá, sáng tạo, nâng chất lượng sản phẩm, chinh phục khán giả để tạo ra xu hướng.
Thêm vào đó, việc đưa một tác phẩm mạng lên màn ảnh rộng là cả quá trình khó khăn, không hề đơn giản. Nhà sản xuất - diễn viên Thu Trang từng thừa nhận thực hiện phim "Chị Mười Ba: Phần kết Thập Tam Muội" là một quyết định liều lĩnh. Cô và ê-kíp gặp khó trong quá trình xây dựng kịch bản. Một phim chiếu mạng vốn đầu tư không cao nhưng phim điện ảnh đòi hỏi phải có số tiền đầu tư lớn mới cho ra sản phẩm tốt. Vấn đề kiểm duyệt - câu chuyện lâu nay phim chiếu mạng không phải lo nhưng lại đáng suy nghĩ khi được làm thành phim điện ảnh.
Nhà sản xuất Hồng Tú của phim "Pháp sư mù" nhận định phim chiếu mạng và phim điện ảnh là 2 cấp độ hoàn toàn khác nhau. Nó đòi hỏi ê-kíp thực hiện phải tạo ra một câu chuyện đặc sắc, lớp lang dựa trên các nhân vật đã có; đồng thời diễn viên, bối cảnh, phục trang, quay và dựng phim đều phải chuyên nghiệp.
Các nhà chuyên môn qua hiện tượng phim "Bố già" đều có cùng nhận định phải nâng chất để tạo ra các tác phẩm Việt có chất lượng đủ tạo niềm tin từ khán giả hiện là mối quan tâm hàng đầu của những người làm phim tử tế. Lối nghĩ và cung cách làm ăn theo kiểu "tận thu" từ sự tò mò của khán giả mà không đầu tư nghiêm túc sẽ khiến khán giả mất niềm tin. "Chất lượng là yếu tố phải bảo đảm để có niềm tin từ khán giả, tồn tại lâu dài" - đạo diễn Võ Thanh Hòa nhận định.
Còn nhiều điểm trừ
Theo giới chuyên môn, dù có đầu tư nhưng những phim điện ảnh được triển khai từ phim chiếu mạng kể trên chưa phải là xuất sắc. Tất cả đều vướng những điểm trừ từ nội dung cho đến diễn xuất, cách quay và dựng... Phim "Bố già" có được một câu chuyện gần gũi, chân thật, truyền tải được cảm xúc, đúng thị hiếu khán giả. Phim được khen phần thoại đời thường, đậm hơi thở cuộc sống, diễn xuất tốt của nhiều diễn viên, đặc biệt là tiến bộ của diễn viên trẻ Tuấn Trần. Tuy nhiên, "Bố già" cũng bị không ít điểm trừ như thiếu tính điện ảnh, phần đầu bị cho là giống kịch "trong nhà ngoài phố", mang đến cảm giác như xem phim truyền hình. Nhiều phân cảnh, lời thoại còn dài dòng, lan man, nội dung dễ đoán...
Bình luận (0)