Ngay sau khi các phim: "Giấc mơ Mỹ", "Mẹ chồng"... ra rạp, nhận định phim Việt đang lo làm đẹp từ bối cảnh, trang phục đến diễn viên, âm nhạc nhưng nội dung thiếu thuyết phục càng được củng cố.
Đẹp chưa hẳn hay
Trong giai đoạn phim Việt ra rạp nhiều như hiện nay, đồng thời thị hiếu của khán giả ngày càng cao, đòi hỏi nhà sản xuất phim phải đầu tư hoàn hảo cả cái đẹp hình thức lẫn nội dung mới đủ sức chinh phục người xem. Nhưng đa phần phim Việt mới làm được một nửa.
Dàn diễn viên trang phục đầy màu sắc trong phim "Mẹ chồng". (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Nếu trước đây, nhà sản xuất phim thường dồn hết chi phí cho thù lao, mời những tên tuổi ngôi sao trong làng giải trí tập trung vào tác phẩm thì nay đã đổi khác. Theo xu hướng thị trường, nhà sản xuất tập trung đầu tư bối cảnh, trang phục, máy quay, diễn viên trẻ, đẹp... - những yếu tố hình thức để bảo đảm có được phim đẹp về hình ảnh. Họ bắt đầu tìm kiếm cảnh đẹp ở khắp nơi để đưa vào phim, xem như một yếu tố quan trọng đẩy mạnh trong quá trình quảng bá. Ngoài cảnh đẹp, phần phục trang của diễn viên bắt đầu được dồn sức đầu tư lớn, phối hợp cùng các nhà thiết kế tạo ra những bộ sưu tập ấn tượng, thể hiện rõ qua nhiều phim gần đây: "Cô Ba Sài Gòn", "Mẹ chồng", "Giấc mơ Mỹ"... và sẽ còn tiếp tục với các phim sắp chiếu khác. Việc các nhà sản xuất quan tâm hơn về phục trang trong phim được người trong giới nhận định là một bước tiến, thể hiện sự chú ý toàn diện đến yếu tố thẩm mỹ của cả phim. Hướng đến cái đẹp toàn diện là chân lý nhưng sự đầu tư này có giúp phim trở nên hay hơn không lại đòi hỏi ở tư duy của từng nhà sản xuất và tài năng sáng tạo của từng đoàn phim.
Như trường hợp phim "Cô Ba Sài Gòn" và "Mẹ chồng", cả hai phim đều có điểm nhấn vào cái đẹp trang phục nhưng tác dụng ngược nhau. "Cô Ba Sài Gòn" là phim về thời trang, tập trung nhiều bộ sưu tập từ áo dài cho đến thời trang hiện đại, phù hợp với mục đích của phim. Trong khi đó, "Mẹ chồng" nhấn mạnh câu chuyện về bi kịch gia đình nên thời trang quá bắt mắt, cách tân đủ kiểu bị nhận định màu mè, không ăn nhập phim. Bởi dẫu cách tân thế nào, kiểu dáng đẹp ra sao vẫn phải đúng hoàn cảnh, hợp mạch phim. Nếu không, chúng trở nên kệch cỡm, kỳ quặc, trong trường hợp này đẹp chưa hẳn hay. Thêm vào đó, một phim nếu chỉ đẹp vẻ ngoài mà nội dung thiếu thuyết phục cũng khó chinh phục khán giả. Ở phim "Mẹ chồng", yếu tố đẹp được đưa lên hàng đầu, từ góc quay, bối cảnh, trang phục, âm nhạc và dàn diễn viên nhưng vẫn không thuyết phục khán giả vì nội dung nhiều "sạn". Phim "Giấc mơ Mỹ" được đầu tư chỉn chu, đoàn phim cũng khó nhọc sang nước ngoài quay bối cảnh đẹp, trang phục hợp thời nhưng câu chuyện phim thiếu kết nối, chưa chạm được trái tim khán giả.
Lực bất tòng tâm?
Người trong giới cho rằng hiện phim bắt buộc phải đẹp, đây là yếu tố quan trọng đầu tiên để thu hút khán giả, nhất là dòng phim thương mại. "Nhà sản xuất nào cũng đặt tiêu chuẩn cái đẹp lên hàng đầu từ màu phim, góc máy, khung hình, bối cảnh đến diễn viên, trang phục... Khi khán giả nhìn vào, họ sẽ bị thu hút ngay bởi cái đẹp đó rồi mới hứng thú tìm hiểu nội dung bên trong. Phim tôi làm cũng thế, cái đẹp vẫn là yếu tố tiên quyết!" - đạo diễn Luk Vân cho biết.
Trước hiện trạng một số phim đầu tư nhiều ở bối cảnh, phục trang mà nội dung lại thiếu thuyết phục, nhiều khán giả cho rằng nhà làm phim có dấu hiệu lạm dụng cái đẹp hình thức hơn tập trung nội dung.
"Phim hiện tại đều phải đẹp vì tác phẩm màu xấu, cảnh quay nhàm chán sẽ chẳng ai xem, đây là điều bắt buộc. Chúng tôi luôn nỗ lực làm song song giữa cái đẹp hình thức và nội dung. Việc một số phim gần đây bị khán giả cho là lạm dụng cái đẹp, trách nhiệm cao nhất thuộc về đạo diễn. Đạo diễn phải biết làm thế nào cân bằng tất cả các yếu tố trong phim, thuyết phục khán giả" - đạo diễn Huy Cương bày tỏ.
Năng lực sáng tạo nội dung còn hạn chế
Nhà báo Cát Vũ cho rằng nhà làm phim nào cũng muốn phim mình vừa đẹp vừa hay nhưng kết quả không phải lúc nào cũng như mong muốn, lực bất tòng tâm là vậy. Bởi nội dung phim hay không phải ai cũng có thể làm được, nó thuộc sáng tạo của biên kịch rồi đạo diễn cùng các thành viên khác trong ê-kíp. Nó khác với những yếu tố kỹ thuật có thể chi phí đầu tư càng cao càng đạt tiêu chuẩn như máy quay, bối cảnh, kỹ xảo, trang phục... "Những cái đẹp thuộc về kỹ thuật, ai chăm chỉ học tập, có thêm vốn đầu tư đều làm được. Nội dung phim thuộc về sáng tạo trí tuệ, chất xám, không phải người nào học nhiều, chăm chỉ là làm được. Ai cũng mong làm phim hay nhưng nếu năng lực hạn chế, dù cố thế nào cũng khó có hiệu quả như mong muốn. Một số người tự biết họ không thể đặt hy vọng vào nội dung nên chuyển sang dồn sức cho hình thức, bù đắp lại phần thiếu sót" - nhà báo Cát Vũ nói. Dẫu vậy, theo vòng xoay thị trường, nhà làm phim sắp tới buộc phải đổi mới chủ đề, sáng tạo kịch bản chứ khó có thể chỉ chạy theo cái đẹp bên ngoài. Bởi hiện giờ phim nào cũng dần đẹp lên từ bối cảnh đến âm nhạc, sự cạnh tranh buộc phải chuyển đến những yếu tố sáng tạo trí tuệ khác.
Bình luận (0)