Sau phim "Cô Ba Sài Gòn" gây bất ngờ bởi tình tiết xuyên thời gian được lồng ghép khéo léo trong phim, màn ảnh rộng đón cuộc "đổ bộ" loạt tác phẩm khai thác kịch bản có yếu tố mới lạ. Đó là các phim: "Mẹ chồng", "Lôi báo", "Người bất tử", "Hoán đổi"... Phim Việt được làm mới từ chủ đề, cách kể theo hướng hiện đại đang được các nhà sản xuất nỗ lực thực hiện để đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của khán giả.
Khai thác đề tài lạ
Phim "Cô Ba Sài Gòn" không phải tác phẩm hoàn hảo nhưng được nhận định chỉn chu, đáng quan tâm. Bởi tuy chọn chủ đề tôn vinh áo dài nhưng phim không đi theo hướng nghệ thuật kén khán giả mà khai thác góc độ thương mại với nhiều yếu tố hấp dẫn. Đây là một chọn lựa táo bạo của Ngô Thanh Vân cùng ê-kíp nhằm đưa thông điệp phim đến được với khán giả nhiều lứa tuổi, không bó hẹp trong đối tượng riêng nào. Vì thế, dẫu có ý kiến trái chiều cho rằng phim thiếu chiều sâu, "Cô Ba Sài Gòn" vẫn được đón nhận nồng nhiệt, nhất là giới trẻ.
Ngoài áo dài, điểm nhấn của phim "Cô Ba Sài Gòn" còn ở yếu tố xuyên thời gian. Việc đưa nhân vật từ quá khứ đến tương lai hay ngược lại không mới với điện ảnh thế giới nhưng vẫn còn lạ lẫm trong phim Việt. Nó khiến câu chuyện tưởng chừng quen thuộc trở nên thu hút hơn. "Trước đây, khi phim "Tèo em" xuất hiện, đạo diễn Charlie Nguyễn giới thiệu thể loại hài hành trình và sau đó nở rộ trên màn ảnh rộng Việt. Chúng tôi cũng muốn mang đến thể loại mới theo cách tương tự" - biên kịch kiêm đồng đạo diễn phim Kay Nguyễn (tên thật Nguyễn Lê Phương Khanh) thổ lộ.
Cảnh trong phim "Cô Ba Sài Gòn". (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Nhiều người trong giới nhận định phim Việt hiện đang đẩy mạnh khai thác yếu tố mới, lạ trong phim để thu hút khán giả. Ngoài "Cô Ba Sài Gòn", sắp tới, khán giả còn được thưởng thức phim "Mẹ chồng" của đạo diễn Lý Minh Thắng. Phim lấy bối cảnh giả định năm 1945-1950 kể về cuộc đời chìm nổi của Ba Trân (Thanh Hằng đóng) trong gia đình Hội đồng Lịnh.
Chọn chủ đề mới lạ, đạo diễn Victor Vũ khai thác cuộc phẫu thuật ghép đầu người trong phim "Lôi báo". Anh tiếp tục với thể loại siêu nhiên, ly kỳ qua phim "Người bất tử" nói về Hùng, một người sống qua 3 thế kỷ với những thăng trầm và bí ẩn thú vị. Đạo diễn Victor Vũ hứa hẹn phim này sẽ rất đẹp vì bối cảnh trải dài khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam: Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Quảng Bình, TP HCM, Tiền Giang, Đồng Nai. Trong đó, bối cảnh Quảng Bình chiếm gần 70% phim.
Cũng nhằm khai thác yếu tố mới lạ trong kịch bản, phim "Hoán đổi" của đạo diễn Võ Thanh Hòa nói về việc đổi linh hồn. Phim "Bí mật đảo Linh Xà" thuộc thể loại giả tưởng, hành động...
Cạnh tranh bằng sáng tạo
Hiện số lượng phim Việt hóa sụt giảm mạnh, nhường chỗ cho thể loại chuyển thể và những kịch bản Việt lấy chất liệu truyền thống, truyền thuyết, dân gian nhưng sáng tạo theo cách riêng. Bên cạnh dòng phim kinh phí thấp, dưới 10 tỉ đồng, khai thác chủ đề quen thuộc với những sáng tạo trong khuôn khổ cho phép thì các phim khác đều đang đầu tư chỉn chu, kinh phí từ 20 tỉ đồng trở lên. Nhà sản xuất những phim này khai thác đề tài độc, lạ, kịch bản nhiều yếu tố bất ngờ, thú vị, lần đầu có trong phim Việt. Nhiều người trong giới nhận định hiện nay phim cạnh tranh nhau không còn quanh vấn đề quay đẹp, nhạc hay... mà ở yếu tố sáng tạo trong kịch bản. "Lâu nay, khán giả cứ xem đi xem lại các thể loại hành động hài, tình cảm hài, kinh dị... nhiều quá cũng phát chán. Vì thế, chúng tôi muốn giới thiệu với họ thể loại mới, phục vụ món ăn mới với hy vọng chinh phục được khán giả. Hiện nay, khán giả có thị hiếu ngày càng cao, nếu không làm mới, khó lòng hấp dẫn được họ" - biên kịch Kay Nguyễn cho biết.
Yếu tố sống còn
Theo nhà sản xuất Jenni Trang Lê, hiện nay, phim Việt được chú trọng nội dung lẫn hình ảnh nên muốn cạnh tranh phải nỗ lực sáng tạo trong kịch bản. Trước đây, phim quay không đẹp thì nay hầu hết các phim ra rạp thắng thua chưa rõ nhưng độ sắc nét của hình ảnh, góc máy, kỹ thuật quay nâng cao nhiều. Ngoài hình ảnh, bối cảnh phim cũng được chú trọng, nhất là sau phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", xu hướng làm phim đẹp cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng lan tỏa. Phần âm nhạc được đầu tư nhiều kể từ "Em là bà nội của anh", "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"... Một số phim sau này còn tận dụng quảng bá thông qua các video ca nhạc (MV) ca khúc chính của phim. Phần hình ảnh được trau chuốt, đầu tư ổn thì phải cạnh tranh nhau nhiều ở nội dung, ai sáng tạo, làm mới mà hợp ý khán giả sẽ thắng. "Một đầu bếp không ai muốn đãi khách bằng món cũ. Họ luôn cố gắng sáng tạo cái mới để phục vụ thực khách của mình. Chúng tôi làm phim cũng thế, cố gắng sáng tạo để mang đến cái mới cho khán giả và cũng là thử thách làm mới bản thân" - đạo diễn Victor Vũ chia sẻ.
Sáng tạo, mang đến yếu tố mới lạ cho khán giả nhưng nếu sự sáng tạo không hợp thời điểm, đúng lúc cũng dễ phản ứng ngược. Năm 2016, phim "Fan cuồng" từng thua doanh thu chỉ vì không đúng sở thích khán giả dù có sự sáng tạo, khai thác chủ đề rock Việt vốn chưa từng được khai phá trước đó trên màn ảnh rộng. Các nhà sản xuất nhận định đây là vấn đề khiến họ lo lắng khi mạo hiểm thực hiện chủ đề mới trong phim Việt. Một số người không dám làm tiên phong, chỉ đợi thử nghiệm thành công mới theo trào lưu, đua nhau sản xuất hàng loạt. Đây không phải hướng tốt vì nếu chỉ chờ một chủ đề nào đó thu hút khán giả rồi đua nhau làm sẽ dễ dẫn đến nhàm chán như trường hợp "thoái trào" của dòng phim hài nhảm. Nếu sợ khán giả không chấp nhận cái mới, yếu tố lạ rồi chùn bước, không dám thực hiện sẽ bó hẹp sự sáng tạo - nhà sản xuất Jenni Trang Lê bộc bạch.
Bình luận (0)