Nhà sản xuất phim "Mang thai tuổi 17" (chuyển thể từ tác phẩm "Nhật ký mang thai khi 17" của Võ Anh Thơ) cho biết diễn viên chính của họ là 2 gương mặt "mới toanh". Họ tìm được các gương mặt này sau thời gian thử vai, chọn lọc kỹ. Trong khi đó, các phim Việt hóa "Ngày mai Mai cưới", "Yêu em bất chấp" hay dự án phim "Lật mặt 3"... mới đây cũng là những cái tên mới được chọn vào dàn chính của phim như: Minh Beta, Hoài Lâm, Song Luân, Nene...
Doanh thu cao dù không "sao"
Thời kỳ phim hài "nhảm" bùng nổ, công thức một phim thành công doanh thu phòng vé thường có yếu tố danh hài nổi tiếng. Nếu không có danh hài, phim ít nhất cũng phải có "sao" ca sĩ, người mẫu... Họ được xem là những cái tên "bán vé", giúp phim thu hút khán giả đến rạp. Nhà sản xuất bằng mọi giá, bất chấp chi phí cao để mời cho được "sao" vào phim của mình. Người mới khó có cơ hội đóng vai chính. Đến lúc hài "nhảm" hết thời, kịch bản và diễn xuất của diễn viên được chú trọng nhưng việc chọn "sao" vào vai chính vẫn là luật bất thành văn. Bởi ít nhà đầu tư, sản xuất phim nào dám mạo hiểm chọn những cái tên chưa ai biết làm trụ cột cho phim mình. Tuy nhiên, mọi chuyện thay đổi khi phim "Em chưa 18" bất ngờ thành công doanh thu phòng vé. Tư duy của các nhà làm phim bắt đầu thay đổi, diễn viên "sao" không còn quan trọng. Nữ diễn viên mới toanh là Katie Nguyễn cùng diễn viên chưa từng đóng chính Kiều Minh Tuấn phối hợp diễn xuất ăn ý trong một câu chuyện cuốn hút giới trẻ đã giúp nhà sản xuất phim "Em chưa 18" đạt doanh thu gần 170 tỉ đồng. Charlie Nguyễn khẳng định anh chọn diễn viên cho phim theo tiêu chí hợp vai chứ không phải độ nổi tiếng. Thành công từ "Em chưa 18" trở thành động lực giúp nhiều nhà sản xuất mạnh dạn chọn cách làm mới, chọn diễn viên hợp vai, dồn kinh phí đầu tư cho kịch bản, kỹ thuật, bối cảnh.
Hai diễn viên mới trong phim "Em chưa 18" - phim không cần ngôi sao vẫn đạt doanh thu kỷ lục, truyền cảm hứng cho các nhà sản xuất mạnh dạn chọn diễn viên mới. (Ảnh do nhà phát hành phim cung cấp)
"Trước đó, tôi có chút thất vọng khi thấy phim Việt bị lỗ nhiều, phải có ngôi sao hoặc tạo ra những bê bối nào đó để gây chú ý mới trụ lâu ở rạp được. Nhưng phim "Em chưa 18" thành công với gương mặt mới, tạo niềm tin cho nhà sản xuất rằng không cần ngôi sao phòng vé thì phim vẫn "làm nên chuyện" vì quan trọng là kịch bản hay, diễn viên hợp vai, diễn tốt. Việc không cố mời ngôi sao giúp chúng tôi giảm bớt một phần chi phí và cũng mở cho các diễn viên trẻ cơ hội tỏa sáng. Tôi tin còn nhiều Katie Nguyễn nhưng họ chưa may mắn, chưa có cơ hội để được phát hiện" - nhà sản xuất Phan Thị Kim Dung chia sẻ.
Nhiều người trong giới nhận định rằng có nguyên nhân khác khiến cơ hội diễn xuất cho diễn viên mới tăng cao vì các phim có "sao" phòng vé thời gian qua thất bại doanh thu như: "Rừng xanh kỳ lạ truyện" có sự tham gia của danh hài Hoài Linh, "Fan cuồng" có Thái Hòa đóng chính, "Găng tay đỏ" có Ninh Dương Lan Ngọc làm "đả nữ"... "Chúng tôi làm phim lâu nay không đo ni đóng giày cho "sao" mà chọn diễn viên phù hợp theo kịch bản. Khán giả hiện rất thông minh, nếu họ là "fan" của một sao nào đó trong phim thì cũng ủng hộ vài suất đầu chứ không thể ủng hộ mãi. Vì thế, chất lượng kịch bản và diễn xuất tốt của dàn diễn viên hợp vai vẫn giữ vai trò quan trọng" - nhà sản xuất kiêm đạo diễn Lý Hải nhấn mạnh.
Kịch bản hay + hợp vai là nhất
Người trong giới nhận định công thức làm phim từ xưa đến nay thường là kịch bản hay, đạo diễn giỏi kết hợp cùng dàn diễn viên hợp vai, ê-kíp chuyên nghiệp. Công thức này không đổi theo thời gian nhưng mỗi thời điểm có "biến tấu" khác nhau. Lúc thị trường xem trọng ngôi "sao", màn ảnh rộng đầy các "sao" từ nhiều lĩnh vực nhưng khi chuyển sang hài, các danh hài liên tục phủ sóng. Hiện tại, đến lúc công thức này trở lại đúng với giá trị gốc của nó. "Diễn viên nổi tiếng hay không vẫn không quan trọng bằng diễn xuất thực lực và hợp vai. Một kịch bản hay, dàn diễn viên tốt, đạo diễn sẽ tự tin với sản phẩm của mình. Tôi nghĩ việc lựa chọn diễn viên hiện đa phần dựa vào tư duy theo định mức, tiêu chí của nhà sản xuất và đạo diễn. Một số người thích người mới, có người vẫn thích người nổi tiếng... Nhưng trên hết, diễn viên hợp vai vẫn là nhất" - đạo diễn Bảo Nhân khẳng định. Nhà báo Cát Vũ cho rằng thể loại phim không quan trọng, miễn sao đó là câu chuyện hấp dẫn, hợp thị hiếu sẽ nhiều cơ hội thu hút khán giả hơn. Nhưng nếu có ê-kíp chuyên nghiệp, diễn viên thực lực mà câu chuyện phim không hợp thị hiếu thì rất khó chinh phục khán giả. Đó là lý do vì sao ê-kíp "triệu đô" như phim "Fan cuồng" hay các phim có "sao" vẫn thất bại phòng vé. "Món ngon ăn mãi cũng ngán, diễn viên thực lực nhưng chẳng có nét mới, lặp đi lặp lại một kiểu diễn, một dạng vai mà khi thử dạng khác không thuyết phục, khán giả cũng chán. Việc nhà sản xuất quyết định đổi khẩu vị cho khán giả cũng tốt, cho thấy họ có cái nhìn nhạy bén với thị trường. Thêm vào đó, một vài phim thử chọn diễn viên mới vào vai chính và thành công cũng là động lực cho các nhà sản xuất khác mạnh dạn thay đổi tư duy" - nhà báo Cát Vũ nói.
Phim Việt sẽ dần nâng chất
Nhận thấy tầm quan trọng của kịch bản, thời gian qua, nhà sản xuất đổ xô săn lùng kịch bản Việt hóa rồi đến các tác phẩm chuyển thể cũng như kịch bản hay từ các tác giả Việt khác... Những diễn viên mới nhưng có tài năng cũng được trọng dụng, tăng cơ hội tham gia màn ảnh rộng. Sự chuyển biến mới này được giới chuyên môn nhận định là tín hiệu vui vì doanh thu cao, thấp còn phụ thuộc thêm yếu tố may mắn nhưng một khi những nhà làm phim Việt coi trọng chất lượng thì phim Việt sẽ dần nâng chất hơn trước.
Bình luận (0)