Điển hình về ngành y, khán giả Việt từng được thưởng thức khá nhiều phim: "Lời thề Hyppocrate" (đạo diễn: Phạm Thanh Phong), "Blouse trắng" (đạo diễn: Mỹ Hà), "Gia tài bác sĩ" (đạo diễn: Nguyễn Minh Cao), "Ký ức mong manh" (đạo diễn: Đặng Lưu Việt Bảo), "Nơi tình yêu bắt đầu" (đạo diễn: Hồ Ngọc Xum), "Anh em nhà bác sĩ" (phim Việt hóa - đạo diễn: Minh Cao), "Lời thề danh dự" (đạo diễn: Võ Việt Hùng), "Chân trời trắng" (đạo diễn: Phạm Gia Phương - Nguyễn Đức Hiếu)...
Thế nhưng, các phim này chủ yếu tập trung phản ánh nhiều về y đức, về chuyện tình cảm gia đình của y - bác sĩ, phản ánh sự tha hóa của một bộ phận trong ngành nhưng cũng chỉ đề cập bên ngoài. Ngoài "Blouse trắng" tạo được ấn tượng trong lòng khán giả, các phim khác không được như kỳ vọng.
Gần đây, phim "Lửa ấm" của đạo diễn Đào Duy Phúc (phát sóng VTV1, vừa kết thúc ngày 16-12) khai thác về nghề y và nghề cứu hỏa. Xen lẫn vào đó, phim đào sâu câu chuyện gia đình, chuyện ngoại tình... Phim tạo được chú ý ban đầu nhưng dần lại bị chê nhạt, đuối và thậm chí gây khó chịu cho khán giả vì diễn biến tâm lý nhân vật, tình tiết "tiểu tam" khai thác nhiều làm mất giá trị nhân văn mà phim mang đến.
Cảnh trong phim “Lửa ấm”. (Ảnh chụp từ màn hình)
Đặc biệt, phim còn bị TS Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, nhận xét có những sai sót nghiêm trọng về kiến thức đối với phơi nhiễm HIV/AIDS. Những sai sót này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến phim, vì sẽ khiến khán giả khó tin tưởng vào những gì nhân vật thể hiện trên màn ảnh trong các phần tiếp theo.
Nguyên nhân khiến cho phim về nghề ở Việt Nam không nhiều và không có nhiều phim hay là nằm ở kịch bản, diễn viên. Biên kịch Thanh Hương từng nhận định khi viết về đề tài nào, biên kịch cũng phải hiểu rõ mới có thể viết tốt được, nhất là những gì thuộc về chuyên ngành riêng như ngành y.
"Muốn viết sâu về ngành y đòi hỏi biên kịch phải có thời gian trao đổi với nhiều người trong giới bác sĩ, thu thập tư liệu và nhiều yếu tố khác mới có thể tạo nên câu chuyện hấp dẫn. Với những ngành khác cũng thế, biên kịch có trải nghiệm, có được kiến thức chuyên môn mới chuyển tải hết được những điểm mấu chốt về nghề mà họ muốn diễn cho khán giả xem" - biên kịch Thanh Hương nhấn mạnh.
Thêm vào đó, diễn viên Việt đa phần mỗi năm nhận nhiều phim và cũng không có nhiều thời gian, chi phí đầu tư để cho họ đi học tập, rèn luyện chuyên sâu về nghề sẽ đóng. Đa phần diễn viên chỉ diễn được cái bên ngoài của nghề, vì thế không ít phim nói về nghề đã không thuyết phục được khán giả.
Bình luận (0)