Kịch cà phê ở TP HCM vốn tồn tại và phát triển gần 15 năm nay. Giai đoạn từ năm 2007 đến 2014 được coi là thời hoàng kim của loại hình này. Hiện nay, TP HCM có hơn 25 nhóm kịch với hàng trăm vở với đủ thể loại hoạt động tại gần 20 sàn diễn tại các quán cà phê. Nếu sân khấu kịch có vài điểm diễn phải đóng cửa như: "Nụ cười mới", "Famali", "179 Bình Thới"… thì kịch cà phê vẫn sống khỏe.
Mảnh đất thể nghiệm màu mỡ
Một dạo, do khan hiếm kịch bản hay, các vở kịch cà phê nhạt dần, lai căng vài game show truyền hình, gây nhàm chán và bị khán giả quay lưng. Thế rồi, các nhóm kịch cà phê chợt nhận ra thế mạnh của mình: Đi vào những thể nghiệm táo bạo mà sân khấu kịch không dám làm.
Kịch cà phê thu hút khán giả trẻ bởi các diễn viên, đạo diễn đốt cháy mình trong các vở mang tính thể nghiệm
"Đó mới là chỗ để chúng tôi tồn tại. Khán giả trẻ thích kịch cà phê vì những vở diễn bám chặt đời sống. Tung tẩy với sự biến hóa của không gian, lấy khán phòng làm sàn diễn, nhân vật gần gũi với người xem, hòa cùng suy nghĩ của người xem" - Minh Vy, trưởng nhóm kịch cà phê Sao Biển, cho biết. Nhóm Sao Biển diễn 5 suất/tuần tại các quán cà phê ở Hóc Môn, Thủ Đức, quận 10, Phú Nhuận (TP HCM) và các tỉnh lân cận.
25 nhóm kịch cách đây 3 năm dần rơi rụng còn 15 nhóm. Hiện nay, các nhóm này hoạt động trở lại và bám sự thể nghiệm đa dạng trong các thể loại kịch để thu hút khán giả. Kịch cà phê Sao Biển đi vào khai thác hành động tâm lý thông qua việc giao lưu với khán giả. Mỗi câu chuyện kịch đều có chỗ cho khán giả tham gia. Điều này chính là chìa khóa giúp Sao Biển tồn tại. Kịch Ví Dầu của đạo diễn Thái Kim Tùng đi vào những vấn đề gia đình, nơi vở diễn tìm được sự chia sẻ với người xem như: "Chúng tôi không già", "Trót yêu thật khác thường", "Yêu không dễ". "Biệt thự trên đồi hoang", "Cải ơi!", "Vào nhà bà la sát", "Sài Gòn nhớ", "Chuẩn bị yêu"… và vở nào cũng thu hút khán giả.
Mỗi nhóm kịch cà phê đều biết tạo "gu" riêng. Nếu Sóng thiên về tâm lý xã hội, thỉnh thoảng chen hài hoặc kinh dị với các vở như: "Trò đùa số phận", "Lỡ một cung đàn", "Tình chờ"… thì nhóm Chuồn Chuồn Giấy chuyên về hài kịch cổ trang. Các vở diễn được đầu tư rất công phu, do đạo diễn nổi tiếng dàn dựng.
Nhóm kịch Bách Niên nhận được sự ủng hộ của nhiều khán giả trẻ vì lối diễn xuất nhẹ nhàng, hài hước, lồng ghép rất khéo thông điệp cuộc sống qua các vở: "Dư luận hồng", "Bão tố ngoài sân", "Chân trời tím ngắt", "Yêu sao khó vậy"… Nhóm Tía Lia lại chuyên về hài, tung hứng đầy vui nhộn, biết chú trọng đầu tư trang phục, đạo cụ.
Khán giả khoái kịch cà phê hiện nay vì họ được "mục sở thị", nghe được hơi thở, thấy từng giọt nước mắt, cái nhíu mày của diễn viên ở khoảng cách gần nhất. "Áp lực này khiến diễn viên phải dồn hết trí lực và cảm xúc cho vai diễn. Nếu lơ là thì sẽ làm gãy cả vở diễn" - đạo diễn Thái Kim Tùng bày tỏ.
Chính khoảng cách quá gần gũi nên diễn viên diễn giả sẽ bị khán giả phát hiện, phản ứng. Thêm yếu tố thể nghiệm mới mẻ trong dàn dựng nên yêu cầu người diễn phải "cháy" hết mình khi hóa thân vào nhân vật, khóc cười cùng số phận nhân vật trong một cấu trúc vở diễn khác hoàn toàn trên sân khấu lớn. Nhóm Sao Biển luôn biến khán phòng như một phim trường, nghĩa là khán giả vẫn có thể tham gia. Đơn giản nhất là họ tương tác khi rót một ly nước cho diễn viên đang chạy trốn tình địch, hoặc cho mượn điện thoại để rọi đèn tìm kiếm một vật dụng bị rơi. "Chỉ đơn giản vậy thôi mà khán giả thích thú vì thấy câu chuyện có mình trong đó" - Minh Vy nhận xét.
Vô danh nhưng giỏi nghề
Hầu hết diễn viên kịch cà phê đều vô danh. Họ là đạo diễn, diễn viên sau khi tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm, gắn kết lại để lập nhóm, thậm chí cả những người không được đào tạo bài bản nhưng có năng khiếu và đam mê diễn xuất. "Các diễn viên kịch cà phê rất giỏi nghề do siêng năng luyện tập. Điều này đã tạo cho các em bước chuyển mới trong nghề, nhất là khi các vở diễn đều mang tính thể nghiệm" - nghệ sĩ Kiều Mai Lý nhìn nhận.
Với người làm kịch cà phê, đây là cái nôi đầu tiên để phát triển, bước xa hơn trên con đường nghệ thuật. Họ đều thoại bằng giọng thật, không sử dụng âm thanh khuếch đại. Có nhóm chủ trương chơi nhạc đệm bằng guitar, piano, violin, đàn bầu… Các nhạc công từ Nhạc viện TP HCM cũng "vô danh" gắn kết để có trải nghiệm.
Chỉ là "nơi ở trọ"
Vì sân khấu không có ngôi sao nên mức thù lao cào bằng, không phân biệt vai chính - phụ, hậu đài, chuyên viên ánh sáng hoặc diễn viên… Trung bình mỗi thành viên chỉ được khoảng 100.00 - 120.000 đồng/suất diễn. Với mức cát-sê này, các thành viên tham gia kịch cà phê chỉ vừa đủ tiền xăng để đi diễn, đi tập. Thế nhưng, nhiều người vẫn bám nghề vì có nơi thỏa sức sáng tạo. Những đạo diễn trẻ khi tốt nghiệp ra trường cũng có nơi để thể nghiệm những ý nghĩ táo bạo mà sân khấu chuyên nghiệp chưa manh dạn cho phép họ trổ tài.
Các nhóm kịch cà phê không diễn ở quán nào cố định. Họ cũng phụ giúp chủ quán sắp xếp bàn ghế, dọn dẹp vệ sinh sau mỗi suất diễn. Anh Mai Lâm, chủ quán cà phê Tân Bình, xúc động: "Có kịch thì có thêm khách. Thương các em lắm, họ "cháy" hết mình với nghề!".
Các nhóm kịch này còn đi diễn ở nhiều tỉnh. Trần Thanh Tú, Trưởng nhóm kịch Sóng, cho biết: "Ở tỉnh, khán giả hiếm khi được đi coi kịch và còn xa lạ với mô hình này nên họ rất hào hứng".
Tuy có nhiều thuận lợi nhưng đa số các sân khấu kịch cà phê vẫn ở thế tự phát - rộ lên khi đồng loạt các nhóm đầu tư tốt kịch bản nhưng rồi lại manh mún và chìm nghỉm sau đó. Với diễn viên trẻ, kịch cà phê chỉ là nơi ở trọ. Sau khi tham gia các game show, có tên tuổi thì họ rời nhóm tìm kiếm cho mình thị phần khác.
Bình luận (0)