Giới nghiên cứu văn hóa dân gian phấn khởi vì đề án này sẽ là kênh dữ liệu dành cho việc tham khảo các loại hình lễ hội, gồm truyền thống, văn hóa, ngành nghề và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài.
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng việc làm này chậm nhưng chắc, cho thấy tính cấp bách của việc số hóa lễ hội sẽ là dịp rà soát, đánh giá thực trạng lễ hội ở nước ta phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Việt Nam.
"Qua đó, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương và người dân trong hoạt động lễ hội. Các khâu này lâu nay quá yếu, làm tự phát, chưa theo lộ trình, dẫn đến nhiều tiêu cực trong công tác vận hành lễ hội mà nói theo chuyên môn là "tam sao thất bản" quá nhiều" - PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ.
Khai hội Cổ Loa ở huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Từng bước khởi động đề án sẽ góp phần chuyển đổi phương thức quản lý dữ liệu lưu trữ truyền thống sang quản lý, lưu trữ điện tử nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội truyền thống. Đây chính là hướng mở để các nhà chuyên môn, giới nghiên cứu và du khách tìm được kênh thông tin chính thống theo dõi các hoạt động lễ hội trong nước.
Với mục tiêu cụ thể của đề án là số hóa 100% dữ liệu, mũi nhọn tập trung chính là đầu tư hoàn thiện trang thiết bị công nghệ thông tin, phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và cổng thông tin về lễ hội truyền thống Việt Nam.
TS Lê Hồng Phước (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM) cho rằng nhiều cổng thông tin điện tử làm ra cho có chứ truy cập vào thì thiếu sự sinh động, thậm chí bài viết, hình ảnh quá cũ, không được cập nhật thường xuyên. "Kết nối internet phục vụ nhu cầu tra cứu, sử dụng của người xem và quảng bá về giá trị văn hóa của lễ hội Việt Nam phải là yếu tố hàng đầu. Vì thời đại toàn cầu hóa, không thể chấp nhận việc làm vội vã dẫn đến kém hiệu quả" - TS Lê Hồng Phước nói.
Đề án được triển khai thực hiện trong thời gian 5 năm, chia làm hai giai đoạn. Theo giới nghiên cứu, những đầu việc được hoạch định cho thấy quyết tâm của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trong việc số hóa lễ hội đang là mục tiêu cần thiết, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của chất lượng các lễ hội, tránh rơi vào vết xe cũ mà năm nào dư luận cũng lên án.
Đó là sự tùy tiện trong cách tổ chức lễ hội, biến hoạt động văn hóa truyền thống thành nơi kinh doanh tâm linh, cổ xúy mê tín dị đoan và chuẩn mực của nghi thức hành lễ lại bị bào mòn do tư duy thấp kém của người vận hành. Việc số hóa sẽ là nền tảng khoa học được đúc kết từ cái tâm của người làm công tác thu thập dữ liệu, phản ảnh trung thực để thế hệ trẻ dựa theo những chuẩn mực đó mà nâng niu di sản và truyền thống văn hóa do ông cha kiến tạo.
Bình luận (0)