Han Sara với phần trình diễn "Cô gái mở đường" bị dư luận chỉ trích
Remix ca khúc quen thuộc "Cô gái mở đường" theo phong cách sexy, Han Sara bị chỉ trích dữ dội. Ngay sau đó, Han Sara cùng ekip, chương trình The Heroes, đã lên tiếng xin lỗi và cho biết sẽ tháo gỡ tất cả dữ liệu của tiết mục.
Trước đó, phần trình diễn của Han Sara khi phát sóng lên truyền hình đã bị cắt bỏ đi những đoạn nhạy cảm. Phần lời của ca khúc "Cô gái mở đường" không xuất hiện trong tiết mục của Han Sara được phát sóng trên VTV. Ngoài ra, ở phần mở đầu tiết mục, MC Phí Linh cũng không hề đọc tên ca khúc. Nhiều cư dân mạng cho rằng có thể nữ MC đã không giới thiệu tên tiết mục của Han Sara hoặc nhà đài đã cắt bỏ đi phần này.
VTV đã kiểm duyệt kỹ trước khi lên sóng nhưng chưa sạch
Khán giả phản ứng dữ dội với phần biến tấu ca khúc "Cô gái mở đường" từ lời bài hát đến trang phục đều không phù hợp.
Han Sara là người Hàn Quốc nên có thể chưa hiểu văn hóa, lịch sử Việt Nam nhưng điều đáng ngại là sự biến tấu của Han Sara nhận được sự tán dương của những người có tên tuổi trong nghề.
Trong phần biểu diễn, Han Sara mặc trang phục khá nhạy cảm và thực hiện các động tác quyến rũ, bị cho là làm hỏng hoàn toàn hình tượng của các cô gái mở đường năm xưa.
Chỉ riêng phần phối âm, làm lại giai điệu của bài hát đã bị người nghe nhận xét là thảm họa. Thế nhưng, trong suốt phần trình diễn "Cô gái mở đường" phiên bản lỗi, các nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong, Vũ Cát Tường,... lại liên tục vỗ tay, lắc lư theo nhạc.
Sự hưởng ứng của những người được cho là có chuyên môn khiến khán giả tức giận
Khi "Cô gái mở đường" phiên bản Han Sara bị chỉ trích dữ dội thì Hậu Hoàng lại nhận được lời khen với bản "Cô gái mở đường" nhảy hip hop của mình. Hậu Hoàng trong trang phục chiến sĩ, cổ quấn khăn rằn, nhảy cực sung trên nhạc nền remix "Cô gái mở đường" đã chinh phục khán giả.
Từng "rock hóa" nhạc cách mạng, ca sĩ Thái Thùy Linh cũng có những chia sẻ đáng chú ý về tiết mục lấy cảm hứng từ "Cô gái mở đường" của Han Sara. Ca sĩ Thái Thùy Linh cho rằng việc người trẻ quan tâm tìm hiểu và có sáng tạo với các ca khúc 'vang bóng một thời' là điều cần khuyến khích, khen ngợi và động viên.
Thái Thùy Linh là một trong số những nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên làm mới các ca khúc cách mạng khi phát hành album "Bộ đội" từ hơn 10 năm trước. Bài "Cô gái mở đường" năm ngoái cô cũng vừa hát trong chương trình "Giai điệu tự hào".
"Tôi rất thông cảm với Han Sara vì năm 2010 khi ra mắt album "Bộ đội", bên cạnh lời khen từ giới chuyên môn và truyền thông, cũng có một bộ phận khán giả cho rằng cách tôi làm mới một số ca khúc như vậy là phản cảm. Người lớn đôi khi hơi áp đặt cho giới trẻ: Nếu sáng tạo mà không theo đúng ý thì dễ cho rằng các bạn trẻ phá nhạc truyền thống, nhưng khi các bạn trẻ không hát theo ý của những người đi trước thì nhiều người lại cho rằng bọn trẻ thờ ơ với âm nhạc truyền thống, với lịch sử" - Thái Thùy Linh chia sẻ.
Cách đây không lâu, Hậu Hoàng từng thực hiện bản nhạy hip hop "Cô gái mở đường" và nhận về nhiều lời khen
Thái Thùy Linh cho rằng nếu những bài hát ra đời cách đây 40-50 năm mà đến nay vẫn nguyên si như vậy, không có gì thay đổi thì rất đáng tiếc. Những ca khúc đó có yếu tố lịch sử và cả những ký ức của thế hệ cha ông. Chúng ta không thể cứ bắt giới trẻ phải yêu như cách các thế hệ trước đã yêu bởi cảm nhận, cảm xúc của mỗi lứa tuổi về những ca khúc này là khác nhau.
Ý kiến của Thái Thùy Linh nhận được nhiều đồng cảm nhưng cũng có ý kiến trái chiều. Nhạc sĩ Tiến Luân cho rằng đó là sự biến tấu phản cảm. Ông không khắt khe với cái mới mẻ, biến tấu nhưng mọi sáng tạo đều có giới hạn. "Có những giá trị không thể đụng tới hoặc nếu muốn mới thì phải giữ vững tinh thần chính của nó" - Tiến Luân nói.
Hậu Hoàng được khen với cách chọn trang phục phù hợp
Nhiều người cho rằng trang phục chính là lỗi lớn của Han Sara
Nhiều người trong giới thừa nhận việc Han Sara bị chỉ trích nhiều vì cô đã chọn bộ trang phục không phù hợp với ca khúc chứ không chỉ là việc biến tấu ca khúc cách mạng.
Làm sao để các bạn trẻ vẫn hiểu ra vấn đề và có kinh nghiệm khi xử lý một tác phẩm tốt hơn chứ không phải là ném đá, vùi dập hay đưa ra những nhận xét mang tính cực đoan, phủ nhận hoàn toàn.
Nếu chúng ta quá hà khắc thì các bạn trẻ sẽ tránh né, không đụng đến các ca khúc cách mạng nữa. Như vậy thì những lời kêu gọi người trẻ hãy nhớ, yêu, tự hào đi sẽ biến thành khẩu hiệu, sáo rỗng. Lớp trước sẽ yêu với nhau thôi chứ người trẻ họ sẽ từ chối.
Bình luận (0)