Tôi năm nay 34 tuổi, sinh ra và lớn lên ở TP HCM.
Hồi còn nhỏ cho tới khi học hết trung học cơ sở, tôi không quá để tâm tới chuyện tôi đang sống ở thành phố này hay là ở tỉnh, thành nào khác. Bắt đầu vào học trung học phổ thông, theo nhận thức ngày một lớn lên, tôi dần quan tâm hơn tới thành phố nơi tôi đang sống.
Những buổi trưa hè của quãng thời gian học sinh ít ỏi còn sót lại, rong ruổi qua các con đường dệt thảm trái dầu bay, rồi lại rợp tán bóng xà cừ, tôi thấy những tòa nhà đang lấp ló ngày càng cao dần xung quanh kia dường như đang điểm tô thêm vẻ trẻ trung, hiện đại bên cạnh những góc phố và những ngôi nhà kiến trúc cổ kính với vẻ quyến rũ, sang trọng.
Những chiều lang thang đó, tôi vẫn hay ghé lại uống nước ở quán nhỏ vỉa hè cạnh nhà thờ Đức Bà. Tôi thấy nhiều người đang ríu rít chụp ảnh bên nhau với phông nền là những tường gạch hàng trăm năm tuổi, những cánh chim bồ câu thoăn thoắt. Lề bên này có người đánh giày, phía bên kia có cụ bán vé số. Thấp thoáng không xa, chiếc đồng hồ của Bưu điện thành phố thong thả nhích chiếc kim thời gian. Tôi chợt có ý nghĩ rằng hàng trăm năm qua, đã có bao nhiêu con người có mặt ở đây, đến rồi đi, nhưng những góc đường này, những tường gạch đó và tiếng thời gian vẫn còn chứng nhân, đón nhận mọi người.
Bưu điện TP HCM với chiếc đồng hồ, chứng tích thời gian của một thành phố ba trăm năm
Trước ngưỡng cửa thi đại học, nhà tôi có hoàn cảnh khó khăn nên tôi đã tính sau khi tốt nghiệp phổ thông tôi sẽ thôi học để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Đâu đó tôi đã nghe thấy mọi người kháo với nhau về nơi tôi đang sống rằng có rất nhiều cách để mưu sinh ở đây nếu ta cố gắng, bất chấp xuất phát điểm của ta là gì. Tôi đã lạc quan hơn rất nhiều khi nghĩ về tương lai sắp tới, một tương lai không có giảng đường tôi hằng ao ước - dù tiếc nuối, nhưng vẫn có thêm nhiều hy vọng mới- mỗi khi nhớ về câu nói đó.
Và như thành phố này hiểu được lòng tôi, gia cảnh của tôi được một người quen tâm sự với người bạn của chú ấy – cô Tú. Sau khi nghe chuyện về một học sinh ngoan rất muốn học đại học nhưng nhà nghèo, qua vài lần tiếp xúc, cô Tú - một người dưng – đã giúp đỡ chi phí để cho tôi – cũng là một người dưng – có thể yên tâm ôn luyện cho kỳ thi quan trọng này. Kết quả tôi đậu được nguyện vọng một, được báo chí đăng tên trong top các thí sinh đạt điểm cao nhất của chuyên ngành năm ấy. TP HCM đã ban cho tôi cơ hội được là sinh viên và TP HCM cũng đã ban cho tôi một người mà giờ đây tôi vẫn gọi là " Mẹ nuôi" – mẹ Tú.
Suốt những năm đại học, cũng như các bạn khác, tôi đã từng làm thêm nhiều công việc để trang trải cuộc sống, từ bốc vác tại các khu chợ tới phục vụ nhà hàng tiệc cưới, từ gia sư tới trông coi tiệm internet. Công việc nào cũng cho tôi thêm cái nhìn rõ hơn về cuộc sống. Có hôm chất xong chuyến hàng lên xe thì vừa lúc trời bừng sáng, những giọt mồ hôi tôi đổ đã được ánh nắng ban mai của vùng đất này hong khô, lồng ngực tôi đón nhận bầu không khí của ngày mới, tôi càng thêm phấn chấn khi nghĩ về đoạn đường trước mắt.
Có hôm tiệm internet đóng cửa khi đã khuya. Trên đường về nhà, tôi ngáp ngủ sau một ngày lao động. Nhưng thành phố vẫn chưa ngủ - hay như mọi người thường nói là thành phố này không bao giờ ngủ - vì là chốn mưu sinh cho bao người, từ công nhân tăng ca tới anh xe ôm, từ hàng quán bán đêm tới những chuyến bay muộn….
Sau khi ra trường, trải qua bao nhiêu năm thử thách, tôi giờ đây đã có vị trí quản lý tại một ngân hàng. Càng nghĩ về những khó khăn mà TP HCM nói riêng cũng như cả nước nói chung đang phải đối mặt trong tình hình dịch Covid-19 hoành hành, tôi thường liên tưởng quãng đường đã qua của cuộc đời mình. Những khó khăn tôi đã gặp quá nhỏ nhoi so với những mất mát mà Covid-19 đang gây ra cho thành phố. Tôi tin một thành phố có truyền thống kiên cường bất khuất, thành phố mang tên Bác Hồ vĩ đại sẽ sớm vượt qua được nạn dịch. Tôi tin TP HCM đã, đang và sẽ còn viết tiếp những thiên anh hùng ca. TP HCM với tôi không chỉ là một nơi chốn, đó là thành phố tôi yêu!
Bình luận (0)