Vân Khanh có những cảm nhận ngỡ như chỉ là những nét chấm phá, song lại là những tư duy sâu sắc. Đến với Thủ Thiêm, ông viết: "Bây giờ ai nhớ ai quên/ trời xưa mây cũ hớ hênh đất vàng" (Một thoáng Thủ Thiêm). Chữ "hớ hênh" vừa hay vừa thâm thúy, lột tả được sự phơi bày đầy quyến rũ của "đất vàng" và bao người giàu lên, thu được món lợi khổng lồ.
Nhà thơ luôn đứng về những người nghèo, từ "bước chân vé số lang thang/ thương về ngõ cũ vội vàng rồi đi" (Một thoáng Thủ Thiêm) đến xót xa cảnh bạo ác "thiếu gì cách để tế thần/ mà cho trâu chết mấy lần gươm đao" (Lễ hội đâm trâu).
Thơ của Vân Khanh đầy ắp chân thành, mang phong vị cổ điển và thấm lòng người: "Ta giấu mặt phía sau ngày tháng cũ/ trộm thấy nỗi buồn trong mắt em" (Chiều trong mắt em).
Bìa tập thơ “Lời của lá”
Với tập thơ mới này, tác giả đã có sự tìm tòi, trau chuốt và mới mẻ hơn. Trở lại Vũng Tàu, ông xúc động: "Như em qua cõi mù khơi/ chiều nay trước biển tôi ngồi đếm xưa". Đếm là cách nói thôi, là diễn giải những tuần tự hồi ức như cuốn phim quay ngược về kỷ niệm một thời. Có đoạn sáng rõ, có đoạn mơ hồ, có thực và ảo của không gian, thời gian. Tất cả đều đã lung linh. Nếu người khác diễn đạt rằng "vẽ", "dệt" nên những buổi chiều thì Vân Khanh "viết": "Mai này nếu có đi xa/ Vũng Tàu với biển cùng ta viết chiều" (Vũng Tàu). Buổi chiều viết nên với nụ hôn dài của sóng lên bờ cát, lấp lánh nét đa tình, đa cảm của người thơ. Và ở miền Tây Nam Bộ, giữa mênh mang của đất trời, sông nước, ông mượn lục bình để nói thay lời: "Bềnh bồng mấy cuộc sông trôi/ làm sao tôi buộc chặt lời yêu thương/ trước em như đứng trước gương/ soi mình chợt lại thấy thương lục bình" (Miền Tây).
Vân Khanh đem đến sự mới lạ khiến người đọc thú vị. "Em xô mạnh vào tôi một con sóng/ ngã vào Tháp Bà tỉnh dậy thấy Nha Trang" (Nha Trang). Xô, ngã, tỉnh, con sóng, Tháp Bà… Hai câu thôi mà đầy đặn sự tình. Bài thơ "Chân" cũng tương tự, "đứng làm sao giữa thế nhân mới là" và đúc rút: "Dẫu đi khắp cả người ta/ vẫn chưa hết vấp hết va cuộc đời".
Đọc tập thơ, ta thấu cảm những giãi bày của một tâm hồn thi nhân sâu lắng, đa mang. "Lời của lá" với thi nhân với thể thơ 6 chữ, như nhịp đi nhẹ nhàng, quyện theo hình bóng lá rơi khẽ khàng: "Một ngày bao nhiêu chiếc lá/ đã rơi vào lòng thi nhân/ hay duyên trời và phận đất/ se tôi vào lòng thi nhân".
Và những buổi chiều đời người đi qua, neo lại câu thơ trong lòng người đọc nỗi nhớ mơ hồ, nỗi day dứt bâng khuâng: "Góp nhặt hương xưa qua chiều cũ/ ngưng lại đời tôi nỗi nhớ em" (Chiều).
Bình luận (0)