xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tranh bán triệu USD, tầm nhìn vẫn ngắn

Thùy Trang

Giấc mơ tranh Việt triệu USD ở thị trường mỹ thuật thế giới đã thành sự thật nhưng họa sĩ Việt vẫn ngại lao ra biển lớn vì ngại sóng to

Bức tranh "La Marchande de Oc" (tựa tiếng Anh là "The snail seller"), của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh vẽ năm 1929, sẽ được đấu giá tại phiên đấu giá Asian 20 the century and contemporary art (Nghệ thuật đương đại thế kỷ XX của châu Á) do nhà đấu giá Christie’s Hồng Kông, tổ chức vào ngày 26 và 27-5, với mức giá khởi điểm dao động từ 350.000 đến 480.000 USD.

Không ít tranh đáng giá triệu USD

Với mức đấu giá khởi điểm hiện tại, nhiều chuyên gia trong giới mỹ thuật Việt khẳng định bức "La Marchande de Oc" của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh sẽ được chốt với giá 1 triệu USD. Bà Lý Bích Ngọc (chủ Lý thị gallery) khẳng định: "Khả năng triệu đô của bức tranh này rất cao sau khi phiên đấu giá kết thúc".

Thật ra, giới chuyên gia có lý do để tin vào nhận định của mình. Theo đó, tác phẩm "La Marchande de Oc" đã tham dự nhiều phiên đấu giá quốc tế. Hơn nữa, đây cũng là tác phẩm tranh lụa quý hiếm của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh khi được sáng tác vào thời kỳ đầu, khi họa sĩ tìm ra phương pháp vẽ tranh trên lụa. Và yếu tố thứ 3, tính theo hiện trạng vật lý (mức độ hư hỏng), tác phẩm này thuộc dạng tốt. Cộng hưởng cả 3 yếu tố, tác phẩm "La Marchande de Oc" có nhiều cơ hội tăng giá đột biến tại phiên đấu giá này.

Tranh bán triệu USD, tầm nhìn vẫn ngắn - Ảnh 1.

Bức "Đời sống gia đình" của họa sĩ Lê Phổ bán với giá 1,1 triệu USD

(Ảnh chụp từ Christie’s Hong Kong Auction House)

Thực tế, tranh Việt đã chạm mốc triệu USD từ nhiều năm trước. Hai tác phẩm "Đời sống gia đình" của họa sĩ Lê Phổ được bán với giá 1.172.080 USD tại nhà đấu giá Sotheby’s Hồng Kông (so với giá bán khởi điểm 231.000-309.120 USD) vào ngày 2-4-2017. Với mức giá này, tác phẩm "Đời sống gia đình" của họa sĩ Lê Phổ đã biến giấc mơ tranh Việt giá triệu đô thành sự thật. Đây cũng là bức tranh có giá công khai cao nhất của Việt Nam. Trước đó, năm 2014, bức tranh "Nhìn từ đỉnh đồi", cũng của họa sĩ Lê Phổ, đã bán được 844.697 USD tại phiên đấu giá do Christie’s Hồng Kông tổ chức.

Tranh bán triệu USD, tầm nhìn vẫn ngắn - Ảnh 2.

Bức "Snail Seller" của Nguyễn Phan Chánh được đánh giá sẽ đạt mức triệu USD trong ngày đấu giá

Giới sành điệu nói đó là những gì được công khai. Thực tế còn nhiều bức tranh khác có giá 1 triệu USD, thậm chí là 2 triệu USD. Bức "Thiếu nữ bên hoa huệ" của Tô Ngọc Vân, giới chuyên môn cho rằng nếu giao dịch thì chắc chắn phải trên 1 triệu USD, bởi đây là danh tác mà gần như người Việt nào quan tâm mỹ thuật đều biết. Bức tranh này từng bị làm giả vài lần. Một bức tranh chép của nó từng được treo nhiều năm ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Một bức chép khác từng bán ở nước ngoài với giá 200.000 USD, sau đó mang về Việt Nam bán trao tay lên đến 400.000 USD.

Còn nhà sưu tập Bùi Quốc Chí bảo rằng bức "Thiếu nữ bên cây phù dung" của Nguyễn Gia Trí như "bảo vật trấn sơn" của bộ sưu tập nhà mình. Nếu đem đi giao dịch, bức tranh này "phải triệu đô mới suy nghĩ".

Nỗi lo của họa sĩ Việt

Khi đã đạt ngưỡng triệu đô, tranh Việt đánh dấu son cho mình ở thị trường tranh thế giới? Câu trả lời là không vì cho đến nay, tranh Việt được đấu giá ở các nhà đấu giá quốc tế khá ít ỏi. Chỉ những tác phẩm của các tên tuổi lớn quen thuộc với công chúng hội họa thế giới như Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh, Bùi Xuân Phái… xuất hiện trên sàn đấu giá. Trong khi đó, họa sĩ Việt tên tuổi ở trong nước thì rất nhiều và những họa sĩ trẻ lại càng có cơ hội đem tranh của mình xuất hiện trên sàn đấu giá quốc tế. Tuy nhiên, họa sĩ Việt không thích điều này.

Tranh bán triệu USD, tầm nhìn vẫn ngắn - Ảnh 3.

Bức "Child with bird" của Nguyễn Phan Chánh sẽ được đấu giá tại nhà đấu giá Christie’s Hong Kong sắp tới nhưng bức tranh cũng khiến nhiều nhà sưu tập lo ngại khi có nhiều bản giả xuất hiện trước đó

Thông thường, nhà đấu giá quốc tế không làm việc trực tiếp với các họa sĩ mà phải thông qua một nhà môi giới (thường là các gallery) để bảo đảm chất lượng tác phẩm. Nếu một họa sĩ, thường là họa sĩ trẻ, muốn tham gia các phiên đấu giá quốc tế phải đóng những khoản phí cố định. Khoảng 2.500 USD/bức tranh, gồm các khoản phí cho in catalogue, thuế, bảo hiểm… Tốn tiền là vậy nhưng tác phẩm đó chưa chắc được mua. Chưa kể, nếu tranh bán được, họa sĩ sẽ phải trả khoản phí cố định từ 16%-30% trên giá bán cuối cùng cho nhà đấu giá. Do vậy, họa sĩ Việt có vô số lý do, trong đó nổi bật nhất là họ ngại khó khăn và tốn kém. Bởi để gửi một tác phẩm tham dự, họ chẳng biết dựa vào đâu để làm giá, mua bảo hiểm thế nào, nếu không bán được thì giải quyết ra sao? Vậy nên, một số phòng tranh như Đức Minh, Tự Do… cũng từng thử vài lần nhưng đành rút lui vì không hiệu quả và khá rắc rối.

Những nhà đấu giá Việt không mặn mòi với thị trường giao dịch quốc tế bởi việc giao dịch mua từ họa sĩ và bán lại, kiểu "tiền tươi thóc thật", ở thị trường nội địa dễ kiếm lợi nhuận hơn.

Tranh Việt dù đang được giới chơi tranh quốc tế để ý nhưng nhà buôn quốc tế cũng có chút e dè vì nạn tranh giả. Tình trạng tranh giả cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho các nhà đấu giá quốc tế như Sotheby’s hay Christie’s từng đặt văn phòng giao dịch tại Việt Nam nhưng không lâu sau đó lại rút đi vì nếm trái đắng tranh giả.

"Hội họa Việt vẫn chỉ "tầm nhìn ngắn", các gallery cứ kiếm được khoản chênh lệch giữa mua và bán tranh là được. Còn với họa sĩ, có tiền bán tranh là đủ nên dù tranh Việt có đạt ngưỡng triệu đô hay không dường như không có ý nghĩa gì mấy với đa số người trong giới mỹ thuật Việt" - một người trong giới sưu tập bày tỏ. 

Cột mốc nhiều ý nghĩa

Trong giới mỹ thuật, cột mốc triệu USD cho một tác phẩm tranh không chỉ mang lại giá trị cho riêng tác phẩm đó mà còn làm thay đổi diện mạo thị trường mỹ thuật của một nước. Trong hơn một thập niên qua, Lê Phổ luôn là cái tên thống lĩnh giá bán của tranh Việt tại các sàn giao dịch và nhà đấu giá quốc tế. Từ năm 2012, một tác phẩm của ông đã bán với giá 380.000 USD tại nhà đấu giá Sotheby’s Hồng Kông. Nhưng phải đến năm 2017, tranh ông mới đạt mức triệu đô. Đây chính là cột mốc để tranh Việt tăng giá gấp đôi, thậm chí gấp ba, tại các phiên đấu giá quốc tế. Giới chuyên môn cho rằng trong quan niệm của giới kinh doanh nghệ thuật quốc tế, triệu USD là "mức sàn an toàn", khẳng định "thương hiệu" không chỉ cho bức tranh và họa sĩ đó mà còn cho cả một thị trường tranh. Chỉ cần một thị trường tranh có vài bức có giá triệu USD, những tác phẩm của các họa sĩ khác đều có cơ hội tăng giá. Minh chứng là Philippines, chỉ có vài bức tranh giá triệu USD, thị trường tranh mỹ thuật ở đây được xếp trong tốp 20 thị trường tranh sôi động nhất thế giới. Mức sàn triệu USD cũng lý giải cho sự thành công của các thị trường tranh đắt đỏ hiện nay gồm: Nga, Nhật, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Hàn Quốc… và gần đây là Indonesia. Thị trường tranh của họ chỉ thay đổi khi có một tác phẩm vượt ngưỡng 1 triệu USD.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo