Sáng 23-11, Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM tổ chức lễ tiếp nhận bộ sưu tập tranh của nữ họa sĩ Lê Thị Lựu, do con cháu bà trao tặng và tổ chức trưng bày chuyên đề "Lê Thị Lựu - Ấn tượng hoàng hôn", tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM.
Chân dung họa sĩ Lê Thị Lựu ngồi vẽ tranh
Lần đầu tiên, những bức tranh quý của họa sĩ Lê Thị Lựu đã chính thức trở về quê hương, gồm 29 tác phẩm hội họa được gia đình bà tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM. Đây là tin vui cho giới mỹ thuật và những người yêu thích mỹ thuật nước nhà, đặc biệt là đối với những nghệ sĩ tiên phong của nền mỹ thuật Việt Nam.
Một trong số tác phẩm của họa sĩ Lê Thị Lựu
Họa sĩ Lê Thị Lựu chuyên vẽ tranh sơn dầu với thủ pháp bồi lụa (dùng lụa làm mặt nền) trước khi vẽ. Theo đuổi phong cách vẽ cổ điển, kết hợp các yếu tố biểu tượng và có nhiều tính chất của hội họa ấn tượng, tranh của bà hướng tới bảng màu sáng, nhẹ nhõm, có không gian chủ yếu bằng điệu thức màu thay vì những độ tương phản đậm nhạt quá "truyền thống".
Bà Lê Thụy Khuê, nhà văn - nhà phê bình văn học - nhà sưu tầm tranh, cho biết: "Quá trình sáng tác của Lê Thị Lựu từng bị ngừng trệ trong vòng 15 năm vì lý do cá nhân. Sau đó, bà mới bắt đầu sáng tác lại. Đây là lý do chúng tôi gọi sáng tác của Lê Thị Lựu là ấn tượng hoàng hôn. Bà theo đuổi trường phái sáng tạo của mình, vẽ tranh lụa nhưng không giống với cách mà các danh họa Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh hay Mai Thứ,… từng làm. Đó là sự kết hợp Á - Âu, những ấn tượng Tây phương hòa quyện vào tâm hồn văn hóa Việt một cách khéo léo và tinh tế".
Xem tranh của Lê Thị Lựu, ta thường bắt gặp những cô gái có cái nhìn lơ đãng, thậm chí có lúc như đang chìm trong mộng mị. Nhân vật của bà chủ yếu là phụ nữ, gói gọn trong mấy chữ "thiếu": Thiếu nữ, thiếu phụ, thiếu nhi. Vẽ chân dung người đẹp, bà thực hiện theo đúng khuôn thước cổ điển: Mặt trái xoan, cân đối, hài hòa. Màu sắc mà nữ họa sĩ ưa sử dụng thường tươi sáng, mặc dù trong nét vẽ vẫn phảng phất đây đó một nét buồn thanh tĩnh. Trong hơn nửa thế kỷ sáng tạo, nữ họa sĩ Lê Thị Lựu đã để lại khối lượng tranh không nhiều, khoảng chừng 300 bức, phần nhiều trong số ấy bị lưu lạc. Rất may là một số bức tiêu biểu của bà còn được lưu giữ tại một số bảo tàng và các bộ sưu tập cá nhân, trong đó có Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Giới mỹ thuật Việt Nam, nhất là những người yêu dòng tranh thuộc thế hệ họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương, đều biết đến bà. Lê Thị Lựu không chỉ là nữ họa sĩ mỹ thuật đương đại đầu tiên của người Việt Nam, góp vào di sản mỹ thuật Việt Nam nhiều tác phẩm có giá trị mà còn đóng góp không nhỏ trong việc giảng dạy hội họa cho nhiều thế hệ họa sĩ sau này.
Ngoài hội họa, họa sĩ Lê Thị Lựu còn làm thơ, ký bút danh Thạch Ân, cộng tác với các tạp chí nổi tiếng một thời: Ngày nay, Phụ nữ tân văn, Đàn bà mới. Từ năm 1940, bà theo chồng sang sống tại Pháp cho tới khi mất. Trong thời gian này, bà đã có những hoạt động thiết thực ủng hộ phong trào kháng chiến trong nước (từng là thủ quỹ của Hội Văn hóa Liên hiệp Pháp cho đến ngày Hiệp định Geneve về Việt Nam được ký kết).
Trong buổi trao tặng 29 bức tranh của danh họa Lê Thị Lựu cho Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, gia đình bà Lê Thị Lựu chia sẻ: "Chúng tôi không chỉ đem tranh của Lê Thị Lựu về Việt Nam mà còn mang cả những tư liệu liên quan đến đời tư của bà. Ở đó, công chúng có thể hiểu được phần nào cuộc sống của bà cùng với 3 người bạn thân của bà là họa sĩ Mai Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Phổ. Họ đã trải qua khoảng thời gian khó khăn đến khi tất cả đều đạt được những thành tựu nhất định trong sự nghiệp sáng tác của mình. Chúng tôi muốn mang đến cả không khí trong cuộc sống của họ để công chúng hiểu rõ hơn, không chỉ về Lê Thị Lựu mà cả những người bạn thân của bà".
Mong được lưu giữ thêm 500 năm nữa
Khi trao tặng 29 bức tranh quý cho Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, gia đình nữ họa sĩ Lê Thị Lựu bày tỏ nguyện vọng: "Chúng tôi đã gìn giữ những tác phẩm này trong nửa thế kỷ bằng niềm trân trọng vô bờ. Hy vọng bảo tàng sẽ tiếp tục gìn giữ những tác phẩm này trong ít nhất 500 năm nữa để nhiều thế hệ con cháu sau này được tiếp nhận và hiểu hơn về những sáng tác hội họa thế hệ đầu tiên của nền hội họa Việt Nam".
Bà Lê Thụy Khuê thay mặt gia đình trao tranh của họa sĩ Lê Thị Lựu cho Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM
Bình luận (0)