xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Từ "Phồn sinh" đến "Bóng đè": Nghĩ đến hiện tượng độc quyền chữ nghĩa

Hoàng Tuấn Công

Trong bài "Đỗ Hoàng Diệu nói gì về phim "Bóng đè" trùng với tên tác phẩm của mình?" (Tiền Phong - 24-12-2019), Đỗ Hoàng Diệu cho biết "Tin đấy dập vào mặt tôi còn rát hơn cả tuyết".

Lý do cảm giác như bị "dập vào mặt" này, Đỗ Hoàng Diệu cho rằng: "Rõ ràng chỉ nghe tên Bóng đè thôi, nhiều người đã nghĩ ngay, liên tưởng ngay đến truyện của tôi (...) thực tế Bóng đè đã là thương hiệu của Đỗ Hoàng Diệu, như rau má với Thanh Hóa, như cốm với làng Vòng, như thịt chó với Nhật Tân, như nước mắm với Phú Quốc, như Tướng về hưu với Nguyễn Huy Thiệp, như Cánh đồng bất tận với Nguyễn Ngọc Tư…"

Vậy, có thật "Bóng đè" chỉ có thể là "thương hiệu của Đỗ Hoàng Diệu"?

1- "Bóng đè"một từ đã có sẵn:

Cách nay ít nhất đã gần trăm năm, "Việt Nam tự điển" (Hội Khai trí Tiến đức - Hà Nội-1931) đã thu thập và giải nghĩa: "bóng đè • Khi ngủ mê hình như có người đè chân tay không cựa được".

Sau đó là nhiều cuốn từ điển tiếng Việt thông dụng ấn hành ở cả hai miền Nam - Bắc:

- "Từ điển tiếng Việt" (Văn Tân chủ biên - Hà Nội, 1967): (bóng đè • Nói người khi ngủ mê có cảm giác khó thở như có vật gì đè lên trên người, làm cho không cựa được".

- "Việt Nam tự điển" (Lê Văn Đức - Sài Gòn, 1974): "bóng đè • trt. Mộc đè, bị chấp - chới và ngạt thở khi đang ngủ: Bị bóng đè".

-"Từ điển tiếng Việt" (Vietlex-2016): "bóng đè • hiện tượng xảy ra trong khi ngủ, có cảm giác như có gì đè nặng lên người, làm cho khó thở và không cựa quậy được: "Mợ phán hình như bớt bệnh bóng đè rồi thì phải. Đêm đến không thấy rền rĩ lắm nữa." (Tô Hoài)…

Bởi "bóng đè" là một từ có sẵn trong kho tàng tiếng Việt, nên bất cứ ai cũng có quyền dùng để nói, viết, hay đặt tên cho tác phẩm (bất kể thuộc loại hình nghệ thuật nào).

2 - Đỗ Hoàng Diệu không phải là người đầu tiên dùng "bóng đè" để đặt tên cho tác phẩm:

"Bóng đè" là gì? Theo khoa học, đây là hiện tượng rối loạn giấc ngủ, thường xảy ra với người mới ốm dậy, cơ thể suy nhược, khí huyết, kinh lạc lưu thông kém, hoặc bị ám ảnh bởi sự việc nhìn thấy ban ngày… Còn dân gian lại tin rằng "bóng đè" là do cây gỗ lâu năm trên rừng thành tinh, quấy phá giấc ngủ của gia chủ, nên "bóng đè" còn được gọi là "mộc đè", "mộc chận".

"Bóng đè" chỉ trạng thái con người cảm thấy như bị đè nén, cưỡng bức, vật lộn trong nửa tỉnh nửa mê của giấc ngủ. Bởi vậy, từ này hay được dùng trong lối nói đùa cợt hằng ngày hoặc vận dụng vào văn chương để ám chỉ hành vi tình dục, hay cưỡng bức thân xác nào đó. Ví như:

- Trước "Bóng đè" (2005) của Đỗ Hoàng Diệu tới hơn nửa thế kỷ, Tô Hoài đã có truyện ngắn "Bóng đè" (1943) in trong tập "Giăng thề", có trong "Tuyển tập Tô Hoài" (NXB Văn học-1987). Năm 2019 "Giăng thề" được NXB Văn học tái bản, trong đó có truyện ngắn "Bóng đè". Ngữ liệu mà "Từ điển tiếng Việt" (Vietlex) dẫn: "Mợ phán hình như bớt bệnh bóng đè rồi thì phải. Đêm đến không thấy rền rĩ lắm nữa", chính là trích trong tác phẩm này.

- Trước Tô Hoài, Nguyễn Khuyến (1835-1909) từng có bài thơ "Bóng đè cô đầu": "…Bóng đâu là bóng đè cô/Bỗng thấy sự nhỏ to thêm thắc mắc…". Lời chú của tác giả sách "Nguyễn Khuyến - Tác phẩm": "…một hôm Dương Khuê đến chơi nhà Nguyễn Khuyến, Nguyễn Khuyến lại mời đến chơi nhà người anh rể Nguyễn Chính. Nhân đó, ông Chính gọi cô đào Sen đến hát. Cô Sen ngủ ở nhà dưới, bị người chòng ghẹo. Cô Sen kêu lên, Nguyễn Khuyến nghe tiếng hỏi cô Sen thì anh kép chống chế nói là cô ấy bị bóng đè. Nguyễn Khuyến biết ý, làm đùa bài hát này và bảo cô Sen hát ngay lúc đó".

3 - Không nhất thiết nhà văn phải cần biết và cần tránh tất cả tên các tác phẩm đã có trước đó:

Đỗ Hoàng Diệu cảnh báo: "Tôi chưa cầm tiền nhưng đã gần như hứa sẽ để dành "Bóng đè" cho một công ty (…) Mà giả sử tương lai, phim dựa trên truyện "Bóng đè" của tôi được phép, chẳng lẽ lúc đó lại ghi chú: Bóng đè này không phải Bóng đè kia? Đè đi đè lại, bóng người người bóng có mà nổ tanh bành"!

Vậy câu hỏi đặt ra, là khi viết truyện ngắn "Bóng đè", Đỗ Hoàng Diệu có biết, và dứt khoát cần phải biết trước đó hơn nửa thế kỷ đã có truyện ngắn cùng tên của Tô Hoài hay không? Nếu đòi những người làm phim "Bóng đè" phải biết "tác phẩm mang tên ấy ở ngành nghệ thuật khác", thì lý do gì lại không buộc chính mình phải biết "tác phẩm mang tên ấy" ở cùng thể loại truyện ngắn? Và khi cho ra đời truyện ngắn cùng tên với truyện ngắn của Tô Hoài, Đỗ Hoàng Diệu có phải chú thích "Bóng đè này không phải Bóng đè kia"? Có cảm thấy "Đè đi đè lại, bóng người người bóng có mà nổ tanh bành" không?

Từ Phồn sinh đến Bóng đè: Nghĩ đến hiện tượng độc quyền chữ nghĩa - Ảnh 1.

Bìa cuốn“Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu

4 - Trùng tên tác phẩm là điều bình thường:

- Trong cùng một thể loại, đã có bài hát "Làng tôi" ("xanh bóng tre…") của Văn Cao, còn có "Làng tôi" ("sau lũy tre mờ xa…") của Hồ Bắc, "Làng tôi" ("có cây đa cao ngất từng xanh…") của Chung Quân, rồi lại "Làng tôi" ("trong bóng tre xanh hàng dừa cao…") của Lê Việt… Đã có bài thơ "Quê hương" của Tế Hanh, lại có "Quê hương" của Đỗ Trung Quân… Mỗi bài có chỗ đứng khác nhau trong lòng thính giả, độc giả.

Còn nhớ đầu năm 2019, từng có chuyện ầm ĩ trong làng văn, bởi nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu tố cáo nhà thơ Đinh Sỹ Minh đánh cắp từ "phồn sinh" của ông. Cụ thể, Nguyễn Linh Khiếu cho rằng vào năm 1995, ông là người "tìm ra" từ "phồn sinh", thế mà đến "năm 2018 vừa rồi, tác giả Đinh Sỹ Minh lấy tên "Phồn sinh" đặt cho một tập thơ của mình". Nhưng, trong bài viết "Ai đã "tìm ra" từ "phồn sinh"? chúng tôi đã chỉ ra rằng trước Nguyễn Linh Khiếu ít nhất 64 năm, trong đoản thiên tiểu thuyết của Phạm Vọng Chi xuất bản năm 1931, đã xuất hiện từ "phồn sinh"; và trước đó hàng trăm năm, từ "phồn sinh" đã xuất hiện trong tác phẩm của Tống Ứng Tinh (1585-1666) bên Tàu. Kết thúc bài viết này, chúng tôi đã đặt ra câu hỏi: "giả sử Tống Ứng Tinh hoặc một tác gia cổ đại nào đó "đăng ký độc quyền từ ngữ", thì chắc hẳn, từ "phồn sinh" chẳng những không "phồn sinh" được, mà còn nằm chết dí trong tác phẩm của họ từ mấy trăm năm trước. Người đời sau đâu còn được quyền "tìm ra", rồi tạo nên tác phẩm "đáng kể" như nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu tự hào?" Và cho rằng: "Với một tác phẩm văn học, sự đóng góp của nhà văn không chỉ về tư tưởng, cốt truyện, hay hình tượng nghệ thuật… mà còn về mặt ngôn ngữ. Giả sử ai đó là người sáng tạo ra từ "phồn sinh" thì sự đóng góp "đáng kể" của tác phẩm về mặt ngôn ngữ sẽ phụ thuộc vào việc từ "phồn sinh" có thực sự "phồn sinh" trong đời sống hay không" (Báo Người Lao Động-17-3-2019).


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo