Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 diễn ra từ ngày 5 đến 19-9 tại TP Tân An, tỉnh Long An đạt con số kỷ lục với 32 vở diễn của 25 đơn vị nghệ thuật (17 đơn vị công lập và 8 đơn vị dân lập). Liên hoan đã xóa bỏ ranh giới giữa đoàn công lập và dân lập để hướng đến sự chuyên nghiệp chung. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của nhiều đơn vị nghệ thuật trong việc trẻ hóa đội ngũ diễn viên, đạo diễn, nhạc công... thì còn nhiều vấn đề vốn là căn bệnh trầm kha của người làm sân khấu cải lương.
Kỳ vọng ở lớp trẻ
Liên hoan năm nay gặt hái được thành tích lớn là nhờ sự trưởng thành của đội ngũ trẻ tham gia các thành phần vở diễn, từ đạo diễn, diễn viên cho đến nhạc công. Đây là tín hiệu mừng khi họ vẫn đốt cháy ngọn lửa yêu nghề dù biết sắp tới sẽ còn gặp nhiều khó khăn khi các đoàn nghệ thuật cải lương sáp nhập các trung tâm văn hóa tỉnh. Những gương mặt đào kép trẻ của ngày nào giờ đây đã khiến người xem và giới chuyên môn không ngớt lời khen ngợi như: Điền Trung, Lê Thanh Thảo, Tô Tấn Loan, Kim Luận, Đào Vũ Thanh, Nhơn Hậu, Thu Vân, Thành Vinh, Nguyễn Văn Đáng, Hồng Thủy, Lê Duy, Phương Anh, Hoàng Khanh, Hoàng Việt Trang, Diễm Thanh, Hồ Ngọc Trinh, Võ Thành Phê, Nguyễn Thanh Toàn, Minh Trường, Công Thắng, Bùi Trung Đẳng, Mỹ Vân, Kim Phụng, Tuyết Nhung... Họ đã nỗ lực ghi dấu son cho sự nghiệp khi ca diễn đầy tự tin và giàu cảm xúc.
Cảnh trong vở “Chiếc áo thiên nga” của Nhà hát Cải lương Việt Nam
Về đạo diễn, đã có một cuộc soán ngôi ngoạn mục của các đạo diễn trẻ khi hình thức dàn dựng của họ qua mặt các đàn anh, đàn chú "đắt sô" nhờ hào quang cũ chứ chất lượng vở diễn tại liên hoan không bằng. Đó là NSND Hoàng Quỳnh Mai với vở "Chiếc áo thiên nga" và "Kiếp tằm", NSƯT Triệu Trung Kiên với "Ngạ quỷ", Lê Nguyên Đạt với "Người đồng bằng" và "Tổ quốc nơi cuối con đường", Cao Đức Xuân Hồng với "Tiếng vọng hang hòn", Trương Văn Trí với "Hồn của đá", Phan Quốc Kiệt với "Hiu hiu gió bấc" và "Thành phố buổi bình minh", Lê Trung Thảo với "Ngày đó họ đều còn trẻ".
Theo đánh giá của Hội đồng Giám khảo liên hoan, dù có nhiều kịch bản cũ được dựng lại nhưng các vở diễn tại liên hoan có nội dung phong phú, trong đó một số vở diễn ("Ngạ quỷ", "Cuộc đời của mẹ", "Hồn của đá", "Tổ quốc nơi cuối con đường", "Chiếc áo thiên nga", "Kiếp tằm", "Rạng ngọc Côn Sơn", "Lối về", "Tiếng vọng hang hòn"….) đã có sự tìm tòi, đổi mới, đưa sàn diễn cải lương đến gần hơn với nhu cầu thưởng thức của khán giả hôm nay. "Bằng chứng là rời khỏi liên hoan, vở "Người đồng bằng" sẽ lên đường lưu diễn ngay, sau khi bán vé tại Đồng Tháp được vài suất" - NSƯT Minh Mẫn, phụ trách nghệ thuật Đoàn Văn công Đồng Tháp, cho biết.
Bệnh thành tích còn ám ảnh
Liên hoan lần này không còn những câu chuyện được bàn luận nhiều phía sau hậu trường với việc giám khảo dựng vở tham dự nhưng vẫn còn tình trạng đạo diễn - NSND đứng tên dàn dựng 5 vở và một số vở làm cố vấn nghệ thuật.
NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 - nói rằng các đơn vị nghệ thuật công lập vẫn giữ suy nghĩ cũ là cứ mời cho được đạo diễn tên tuổi, trong đó có người đã là NSND, NSƯT dàn dựng mà không tính toán thật kỹ thời gian đầu tư tác phẩm. "Có 2 suy nghĩ từ cách làm này: một là mời đạo diễn lừng danh sẽ dễ có giải thưởng, hai là dễ xin ngân sách đầu tư cho vở với số tiền lớn. Nhưng rồi một đạo diễn dựng nhiều vở cùng thời điểm thì thời gian đâu chăm chút, làm sao đạt hiệu quả nghệ thuật?" - NSND Lê Tiến Thọ thẳng thắn.
Căn bệnh chạy đua huy chương cho danh hiệu NSND, NSƯT đã buộc các đoàn nghệ thuật tạo điều kiện cho diễn viên chưa có danh hiệu nhận vai hay. Trên thực tế, khả năng ca diễn của nhiều người quá yếu. Ca vọng cổ quá nhiều, ca bài bản không đúng tâm trạng, tình huống, khiến nội dung sáo rỗng, vở diễn kéo dài đến ngao ngán.
Nỗi ám ảnh thứ hai khiến sàn diễn cải lương cứ tụt hậu là cách chọn kịch bản tham dự liên hoan. Soạn giả Đăng Minh nói có 2 khuynh hướng, một là chiều theo lãnh đạo chọn vở có tầm tư tưởng cao, hai là theo mô hình thương mại hóa để sau khi dự thi còn bán được vé. "Tiếc là quá ít vở trong số tác phẩm của 17 đơn vị công lập dự thi hướng đến công chúng. Sau liên hoan, tình trạng vở diễn cất kho, dù có đoạt giải cao, vẫn sẽ lặp lại" - soạn giả Đăng Minh chua xót.
Soạn giả này cũng chỉ ra lời văn trong đa số kịch bản trùng nhau và có quá nhiều kịch bản sử dụng "Đoản khúc lam giang", "Phi vân điệp khúc", "Vọng kim lang"..., trong khi còn rất nhiều bài bản cải lương hay chưa được khai thác.
Khép lại, liên hoan chưa tìm được cú hích để sàn diễn thật sự sáng đèn. Nhất là trong thời gian tới, cách vận hành tổ chức mới khi sáp nhập các đoàn nghệ thuật cải lương vào trung tâm văn hóa sẽ tiếp tục thách thức bộ môn này.
Hình thức dàn dựng có khởi sắc
Trong 32 vở diễn, hơn 2/3 là có đề tài hiện đại, số còn lại khai thác đề tài lịch sử, dã sử, dân gian. Tuy nhiên, có vở quá cũ như "Bến nước Ngũ Bồ" đã trên 40 năm nay vẫn còn đoàn dựng để tham dự liên hoan.
Dù vậy, sự khởi sắc đáng mừng chính là hình thức dàn dựng có nhiều đổi mới khi dung nạp các loại hình nghệ thuật khác làm cho cải lương hấp dẫn hơn: múa rối (vở "Ngạ quỷ"), tranh cát (vở "Hồn của đá"), cách tân âm nhạc tuồng cổ cho một kịch bản đầy chất thơ (vở "Rạng ngọc Côn Sơn"), mời ca sĩ ngôi sao diễn cải lương (vở "Thái hậu Dương Vân Nga" - ca sĩ Phương Thanh, Quốc Đại), vận dụng nghệ thuật chèo (vở "Trống trận Ba Đình")...
Kết quả, Huy chương Vàng được trao cho 6 vở diễn: "Chiếc áo thiên nga" (Nhà hát Cải lương Việt Nam), "Kiếp tằm" (Đoàn Cải lương Quảng Ninh), "Tổ quốc nơi cuối con đường" (Nhà hát Thế giới trẻ), "Hiu hiu gió bấc" (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), "Cuộc đời của mẹ" (Đoàn Nghệ thuật Long An), "Anh hùng di hận" (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai).
Huy chương Bạc được trao cho 7 vở diễn: "Phù sa đỏ" (Đoàn Văn công Quân khu 9), "Hồn của đá" (Công ty TNHH Nguyễn Vĩnh Lộc), "Những tấm lòng vàng" (Nhà hát Cải lương Hà Nội), "Bão dậy trời Long Hưng" (Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang), "Cánh buồm ngược gió" (Nhà hát Tây Đô - Cần Thơ), "Người đồng bằng" (Đoàn Văn công Đồng Tháp), "Nỗi niềm sau cuộc chiến" (Chi hội Nghệ sĩ sân khấu Cà Mau).
Ban Tổ chức đã trao 49 Huy chương Vàng cho 49 diễn viên và 66 Huy chương Bạc cho 66 diễn viên.
Giải cho các thành phần sáng tạo được trao gồm: Tác giả xuất sắc: Hoàng Song Việt - Triệu Trung Kiên với vở "Cuộc đời của mẹ"; đạo diễn xuất sắc: NSND Hoàng Quỳnh Mai với vở "Chiếc áo thiên nga"; nhạc sĩ Minh Tâm - người sáng tác nhạc xuất sắc với vở "Hiu hiu gió bấc"; Họa sĩ xuất sắc nhất: Trần Hồng Vân với vở "Tình yêu thời chiến".
Bình luận (0)