Trong "Đạo đức kinh", Lão Tử suy nghiệm: "Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật", tức đạo là nguồn gốc của mọi thứ, vạn vật ra đời từ một thể thống nhất là đạo. Triết gia phương Tây chuyên về duy vật biện chứng là Héraclite (người Hy Lạp) cho rằng: "Một sinh ra từ vạn thù, vạn thù sinh ra từ một" (theo bản dịch). Lý luận này cũng phù hợp với quan niệm Đông phương học đã đúc kết cả ngàn năm: "Nhất bản tán vạn thù, vạn thù sinh nhất bản".
ảnh: Khánh Phan
Thuyết "Vạn vật đồng nhất thể" được cho là khi được hiểu đúng và vận dụng đúng trong cuộc sống thì con người sẽ cảm thấy tâm hồn thanh thản, người yêu người nhiều hơn và biết quý trọng thiên nhiên hơn, bởi tất cả là một chỉnh thể không thể nào tách rời. Như trong "Chí Tôn ca" (Bhagavad-Gita), sách được xem là Thánh thi của Bà La Môn giáo, đã khải rằng: "Con người sống hợp nhất, tâm hồn sẽ thanh cao và thấy hồn mình ở trong vạn vật; và vạn vật trong tâm hồn của họ, khi hồn họ sống kết hợp với trời sẽ thấy đâu đâu cũng là đồng nhất". Phá vỡ sự đồng nhất đó tức là làm trái quy luật, ắt sinh mọi điều tai ương.
CÁCH ĐÂY BẢY NĂM, tôi cùng bạn bè về vùng Bảy Núi (Thất Sơn), nhọc nhằn lên đỉnh núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang). Trên chóp Thiên Cấm Sơn thuộc quần thể Thất Sơn có vồ Mồ Côi, nằm biệt lập ở độ cao 716 m so với mực nước biển. Điều khá đặc biệt là giữa vùng nắng nóng phương Nam, trên vồ Mồ Côi khí hậu quanh năm lại dịu mát vào ban ngày, chiều và đêm se se lạnh, mây là đà quấn lấy chân người. Lần đầu tới nơi này, cứ ngỡ đây là chốn bồng lai tiên cảnh!
Ở đó, chúng tôi hẹn gặp "đạo sĩ" Đinh Văn Phi Vân (tự Kiếm), được ông mời vào nhà trò chuyện. Châm bình trà nấu từ nhiều loại hoa lá trên Thiên Cấm Sơn kỳ bí, vị "đạo sĩ" chủ nhà bảo rằng người ta hay kể về truyền thuyết dòng nước thiêng trên núi Cấm, ngày xưa từng cứu sống Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long) và đoàn tùy tùng trong lúc bị quân Tây Sơn truy đuổi, trốn lên đây. Vì thế mà về sau giếng nước trên Thiên Cấm Sơn được gọi là giếng Tiên hay giếng Vua. Đó chắc chỉ là giai thoại, còn sự thật là dòng nước ngọt trên núi Cấm chẳng bao giờ đứt nguồn và ngọt mát quanh năm. "Chúng ta đang thưởng ‘tiên trà’ đó!".
Rồi vài món ăn được dọn lên, đều thuần tự nhiên. Cua đá bắt từ mấy hang núi, luộc lên chấm muối tiêu chanh. Măng le cắt ngoài rừng, tươi giòn phải biết. Và rượu gạo được ngâm lâu năm với cội đinh lăng, nhấp một ngụm như nghe cả núi rừng, đồng ruộng tan vào lồng ngực. "Đạo sĩ" Đinh Văn Phi Vân kể ông sinh ra trên núi này, sống ở đây từ nhỏ tới giờ, mấy đời ông cha của ông cũng thế, cái ăn cái mặc dựa vào thiên nhiên cả. "Măng, chuối, rau rừng, cây ăn trái… nhiều vô kể, gia đình tôi nương vào đất trời mà sống".
Nói rồi ông nâng chén rượu cầm khách. Gió lùa qua kẽ phên, mây tràn vào nhà khi nắng chiều đã vãn. Trong lòng khách thứ chúng tôi bỗng dậy lên tình yêu thiên nhiên say đắm. Ôi, sao mà giống cảnh Ức Trai năm nao từ quan, về quê nhà Côn Sơn ẩn dật, vui thú điền viên quá! Ôi, sau bao tháng ngày chồn chân mỏi gối vì mưu sinh thường nhật, nay ao ước có cuộc sống nhàn du đến vậy! Sáng "quét trúc, bước qua lòng suối"; chiều "thưởng mai, về đạp bóng trăng"...
Và tới tận bây giờ, Đinh Văn Phi Vân vẫn tiếp tục cuộc sống "đồng nhất thể" với thiên nhiên, trên đỉnh Thiên Cấm Sơn ấy, có lẽ là đến cuối đời mình. Chắc rằng bởi "Non nước cùng ta
đã có duyên" (Tự thán 4 - Nguyễn Trãi).
Gắn với thiên nhiên và sống hòa vào đó, hẳn là quy luật của muôn đời. Nhìn vào dân thành thị Hà Nội, TP HCM ngày nay kéo lên những vùng cao sơn như Bảo Lộc (Lâm Đồng),
Đắk Nông… dựng nhà giữa núi rừng hay đổ về miệt thứ Bến Tre, Cà Mau… nuôi ong, trồng cây ăn trái là đủ thấy: Trong tâm thức con người, thiên nhiên luôn ngự trị và là bạn chí thân.
Bình luận (0)