"Bằng chứng vô hình" - bộ phim đầy kỳ vọng của nhà sản xuất - đã thất bại doanh thu thảm hại khi ra rạp trong những ngày qua. Nhiều người trong giới cho rằng sự thất bại của phim Việt hóa "Bằng chứng vô hình", được đánh giá là khá chỉn chu về mặt nghề, một phần là do phim được làm lại từ tác phẩm đã quá cũ, khán giả phần lớn đã từng xem nhưng lại không có gì hấp dẫn họ hơn.
"Rượu cũ bình mới"
Phim "Bằng chứng vô hình" của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh được Việt hóa từ phim "Nhân chứng mù" do Hàn Quốc sản xuất năm 2011. Tính cả Việt Nam, phim này đã được 4 quốc gia châu Á remake (làm lại): Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ. Một tác phẩm gốc có khoảng cách 9 năm so với phiên bản Việt hóa là một điểm trừ lớn, vì dù nỗ lực đến mấy ê-kíp sản xuất cũng khó có thể san bằng khoảng cách về thời gian. Ngay khi phim vừa được giới thiệu trên các diễn đàn mạng xã hội, đã có không ít bình luận từ khán giả nhận ra phim này và khẳng định đã xem bản gốc lẫn phiên bản làm lại của các nước. Họ cho rằng vì đã từng xem bản gốc với cùng một câu chuyện và thưởng thức phần diễn xuất ấn tượng của nữ diễn viên chính Kim Ha Neul (Hàn Quốc) nên không hứng thú xem phiên bản mới. Họ cũng vạch ra được cả những hạt sạn từ bản gốc trong hành trình phá án, các cú lật mặt...
Cảnh trong phim “Bằng chứng vô hình” được Việt hóa. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
"Rượu cũ bình mới" vốn rất khó tạo nên sức thuyết phục lại càng khó gấp bội đối với phim thể loại trinh thám, giật gân vốn cần yếu tố bất ngờ đến phút chót. Sự thất bại của "Bằng chứng vô hình" gây tranh cãi về nguyên nhân nhưng cũng nêu bật thực trạng của phim Việt hóa hiện nay trên màn ảnh rộng. "Khán giả trẻ thường thích trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn với những câu chuyện đủ sức tạo sự tò mò đối với họ. Một tác phẩm ra đời cách đây gần 10 năm như "Nhân chứng mù", khán giả đã xem qua nhiều phiên bản, biết rõ câu chuyện thì khó lòng thích thú ra rạp thưởng thức phiên bản mới "Bằng chứng vô hình", nhất là khi tác phẩm gốc của nó không phải là kiệt xuất và niềm tin vào phim Việt hóa vẫn chưa đủ để khán giả nghĩ rằng phiên bản Việt vượt bản gốc" - biên kịch Đông Hoa nhận định.
Trước đây, phim "100 ngày bên em" do Vũ Ngọc Phượng Việt hóa từ phim "Never Ending Story" của Hàn Quốc ra mắt năm 2012 (cách phiên bản Việt hóa 6 năm) cũng gặp vấn đề tương tự. Phim cũng được đánh giá chỉn chu về tay nghề, ê-kíp sản xuất nỗ lực đưa những cái mới, hợp thời vào phim. Tuy nhiên, câu chuyện phim vẫn không thuyết phục số đông khán giả, nhiều người chê chi tiết sáo mòn, chất bi lụy "cũ rích" trong phim Hàn chưa được thay "áo mới" trong phiên bản Việt. "100 ngày bên em" có số phận không khác "Bằng chứng vô hình" khi doanh thu hết sức ảm đạm.
Phim "Ông ngoại tuổi 30" Việt hóa từ tác phẩm "Scandal makers" của Hàn Quốc ra rạp năm 2008 (cách phiên bản Việt 10 năm) cũng nhận nhiều lời chê cho phần kịch bản do nỗ lực dùng tiếng cười san bằng khoảng cách thời cuộc giữa bản gốc và phiên bản Việt. Doanh thu không ảm đạm như 2 phim trên nhưng "Ông ngoại tuổi 30" cũng không tạo được dấu ấn nào về mặt kinh doanh và nghệ thuật.
Quanh quẩn trên nền có sẵn
"Lại là phim Việt hóa?", "Tại sao lại cứ đi Việt hóa mà không tự tạo ra câu chuyện riêng, chúng ta không có biên kịch à?", "Tôi không hứng thú xem"… là những bình luận của công chúng trên các diễn đàn xem phim trên mạng.
Mặc dù khán giả đã phát nhiều tín hiệu cho thấy không còn mặn mà với phim Việt hóa nhưng không ít phim thể loại này đang trong giai đoạn sản xuất và sẽ sản xuất lại tiếp tục ra rạp. "Tôi nghĩ phim Việt hóa vẫn sẽ được nhà sản xuất chọn lựa như một phần trong kế hoạch của họ. Phim Việt hóa mang đến cảm giác an toàn cho nhà sản xuất vì có cốt truyện đã được kiểm chứng bằng tác phẩm thực tế, có bảo chứng từ những nền điện ảnh phát triển, trong lúc tay nghề biên kịch của các nhà biên kịch Việt Nam hiện chưa đủ hấp dẫn các nhà sản xuất phim của nước nhà" - biên kịch Kim Ngọc lý giải.
Cảnh trong phim “Nhân chứng mù” của Hàn Quốc. (Ảnh lấy từ trang Hancinema)
Sự chán ngán chứ không phải háo hức chờ đón của khán giả đang là tín hiệu tiêu cực đối với phim Việt hóa sẽ buộc nhà sản xuất phải suy nghĩ, đổi thay.
Biên kịch Thanh Hương cho rằng phim Việt hóa không nhiều giá trị sáng tạo trong kịch bản bởi chỉ dựa trên nền có sẵn. Nỗ lực làm phim chỉn chu thế nào, thành công ra sao, khán giả cũng sẽ nghĩ rằng đó là một tác phẩm ngoại lai "nửa nạc nửa mỡ" chứ không trọn vẹn của người Việt, đậm chất Việt.
Nhà lý luận phê bình Tô Hoàng viết trong tham luận "Văn chương, chiếc phao cứu sinh của điện ảnh" trình bày tại Đại hội Hội Điện ảnh TP HCM nhiệm kỳ VIII (2020-2025) có đoạn: "Một nền điện ảnh giàu tính nhân văn, giàu tính người, mang đậm phong vị quê hương, xứ sở, giàu ngôn ngữ điện ảnh, càng không thể mắc phải những căn bệnh lai căng, bắt chước nay giống Hàn, mai giống Hollywood, ngày kia giống Đài Loan… nền điện ảnh ấy dứt khoát và nhất định phải bén sâu gốc rễ vào thứ phù sa văn chương của quê hương, xứ sở mình".
Không dễ "ăn"
Sau thành công của phim Việt hóa "Em là bà nội của anh" do Phan Gia Nhật Linh thực hiện cách đây vài năm, màn ảnh rộng Việt tràn ngập phim Việt hóa: "Bạn gái tôi là sếp" (bản gốc "ATM Errak Error" của Thái Lan), "Sắc đẹp ngàn cân" (bản gốc "200 pounds beauty" của Hàn Quốc), "Yêu đi đừng sợ" (bản gốc "Spellbound" của Hàn Quốc)... Phim Việt hóa mở rộng không chỉ tác phẩm của Hàn Quốc mà còn Thái Lan và một số nước khác. Tuy nhiên, thắng đậm doanh thu tính đến nay chỉ có "Em là bà nội của anh" và "Tháng năm rực rỡ", quá ít so với số lượng phim Việt hóa được ra rạp, khẳng định loại phim này cũng không "dễ ăn" như suy nghĩ ban đầu của nhà sản xuất.
Bình luận (0)