Ngày 24-11-2010 và những ngày trước đó, tên tuổi của vua Hàm Nghi được báo giới nhắc đến không chỉ là một vị vua yêu nước của nhà Nguyễn mà tâm điểm như là một họa sĩ, bởi tác phẩm "Chiều tà" (Déclin du jour) của ngài được một gia đình ẩn danh ở Pháp đem bán đấu giá ở Paris, qua văn phòng của Millon & Associés.
Vua Hàm Nghi (ảnh gia đình cung cấp)
Nhiều tiếc nuối với "Chiều tà"
Đây là một tác phẩm bằng chất liệu sơn dầu do vua Hàm Nghi vẽ năm 1915 tại Anger, nơi ngài bị thực dân Pháp lưu đày.
Theo một chuyên gia về hội họa của Pháp, "Chiều tà" không phải là tựa đề chính xác của tác phẩm. Trong nguyên tác, bức tranh này mang tên La route de El Biar (Con đường của El Biar). El Biar chính là ngọn đồi phía sau biệt thự Gia Long, nơi vua Hàm Nghi trú ngụ ở Alger.
Tựa Déclin du jour chỉ được ghi chú trên một tấm giấy nhỏ kẹp vào khung gỗ ở đằng sau bức tranh, nguyên văn được dịch ra tiếng Việt: Chiều tà sau lâu đài An Nam, Hoàng đế Hàm Nghi vẽ năm 1915. Trên tấm giấy này có ghi thêm hàng chữ: "Quà tặng của Hoàng tử An Nam" và ký tên là Tử Xuân (một bút danh của vua Hàm Nghi).
Bức "Chiều tà" chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa biểu tượng ở cuối thế kỷ 19, có một gam màu sẫm, hàng cây chân trời đều có những đường viền màu xanh đậm, buồn trầm mặc như nỗi ưu tư của người vẽ, ánh nắng ban chiều có màu hồng tím.
Tác phẩm "Chiều tà", chất liệu sơn dầu của Tử Xuân (bút danh của vua Hàm Nghi). Ảnh: Nguyễn Ngọc Giao
Điều đáng nói là trước khi bức tranh được đem bán đấu giá, nhiều người, trong đó có nhiều Việt Kiều, có cả người Pháp đến xem và muốn mua. Đặc biệt những người Việt, họ muốn đến để tận mắt chiêm ngưỡng, muốn mua bức tranh với tấm lòng tôn kính, cảm phục. Do vậy bức tranh có giá trị thiêng liêng, vượt ra ngoài khuôn khổ nghệ thuật.
Ý thức được ý nghĩa của bức tranh đặc biệt này, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế khi đó cũng đã ủy quyền cho Đại sứ quán Việt Nam ở Pháp tham gia đấu giá để bổ sung cho bộ sưu tập bảo tàng triều Nguyễn. Dù đã có sự hỗ trợ của một số Việt kiều về tài chính nhưng cuối cùng chúng ta vẫn không thể mua được bức tranh này do có một người tham gia đấu giá rất quyết tâm, qua điện thoại đường dài, đã liên tục đẩy giá lên khá cao. Cuối cùng chính người đó (hy vọng là một người Việt, vì nguyên tắc của nhà đấu giá tên người bán và người mua được giữ kín) đã mua được bức tranh này với giá 8.800 euro (gấp 10 lần so với giá ước tính ban đầu).
Dù vậy, nhiều người vẫn cảm thấy tiếc nuối, như bà Mathilde Tuyết Trần, một Việt kiều ở Pháp đã bật khóc khi không mua được bức tranh này, vì bà rất muốn được mua bức tranh này không phải để làm của riêng mà sẽ đưa về Huế, như là một kỷ vật thiêng liêng của vị vua mà nhân dân Việt Nam yêu mến…
Thực ra "Chiều tà" với giá đó, vào thời điểm 2010 là không đắt (hiện nay ước giá lên đến hơn 100.000 euro) nhưng vì sao không mua được đó là một câu chuyện khác.
Hy vọng, rất hy vọng người đang sở hữu bức tranh thiêng liêng ấy là một người Việt, để di vật ấy được trân trọng như một di sản của dân tộc, chứ không phải với mục đích kinh doanh. Cho đến nay, chủ nhân hiện tại của bức tranh này vẫn bí ẩn.
Nghệ sĩ đích thực
Chiều tà chỉ là một trong nhiều tác phẩm mỹ thuật của vua Hàm Nghi. Những tác phẩm ấy hiện vẫn còn ở Pháp và Alger, cũng có thể ở các nơi khác. Tất cả cho thấy vua Hàm Nghi là một nghệ sĩ đích thực.
Chân dung tự họa của Vua Hàm Nghi (1896)
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu về vị vua này, trong thời gian bị lưu đày ở Alger, ngài học vẽ với thầy Maurius Reynaud và học tạc tượng với nhà điêu khắc lừng danh của Pháp Auguste Rodin (1840-1917).
Năm 1889 vua Hàm Nghi từng đến Paris xem triển lãm của họa sĩ Pall Gauguin. Ngài cũng giao du cùng nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác như nữ nhà văn Judith Gautier- thành viên của Viện Hàn lâm Goncourt, nữ điêu khắc gia Suzanne Meyer-Zundel… Chính những mối quan hệ giao lưu ấy và cả những nỗi buồn bất tận của một vị vua bị lưu đày, cộng với tâm hồn đa cảm đã hình thành nên một tâm hồn Hàm Nghi nghệ sĩ.
Năm 2015, nữ nghiên cứu sinh tiến sĩ lịch sử nghệ thuật Việt Nam Amandine Dabat của Đại học Paris - Sorbonne (Paris IV), hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi, trong buổi nói chuyện tại TP HCM, cho biết di sản hội họa của vua Hàm Nghi còn dưới 100 bức. Rất đáng tiếc là năm 1962, sau một cuộc chiến ở Algeria, ngôi nhà của vua Hàm Nghi bị cháy rụi trong cuộc chiến ở Algeria, nên rất nhiều tác phẩm của ông không còn nữa.
Năm 2016, cô Dabat cũng đã có một triển lãm tranh, tượng của Vua Hàm Nghi tại Paris, mở cửa từ 13-09-2016 tới 05-11-2016 gây tiếng vang lớn, khẳng định thiên chất một họa sĩ lớn ở Hoàng tử An Nam (cũng là "tên" chính thức của ngài trong hộ chiếu Pháp) bị lưu đày.
Amandine Dabat, hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi tại triển lãm tác phẩm của Vua Hàm Nghi ở Paris, năm 2016. Ảnh: Phạm Cao Phong
Sinh thời, năm 1926, cũng tại Paris, Vua Hàm Nghi đã lần đầu ra mắt công chúng bằng cuộc triển lãm cá nhân với 38 bức tranh sơn dầu, 12 bức tranh pastels và 8 tượng, trong đó có bức Chiều tà.
Vua Hàm Nghi thực sự là một họa sĩ hiện đại đầu tiên của nền hội họa Việt Nam, một nền hội họa mà đến những năm đầu thế kỷ 20 mới hình thành, khi Trường Mỹ Thuật Đông Dương được thành lập (1925).
Có thể còn những đánh giá khác nhau về chất lượng mỹ thuật của ngài nhưng về mặt lịch sử mỹ thuật, ngài còn đi trước cả họa sĩ Nam Sơn (Nguyễn Vạn Thọn - người đầu tiên vẽ tranh sơn dầu ở VN, đồng sáng lập và lãnh đạo Trường Mỹ Thuật Đông Dương); cùng với những họa sĩ tài danh như Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Phan Chánh… làm nên một nền hội họa Việt Nam hiện đại khiến giới mỹ thuật quốc tế phải kính trọng.
Bình luận (0)