Hội thảo về hiến, lấy, ghép và điều phối mô tạng tại được Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia phối hợp tổ chức, ngày 16 và 17-7, tại Hà Nam.
PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, chia sẻ một người chết não hiến mô, tạng có thể cứu sống cho hàng chục người bệnh khác.
Hơn 10.000 người đăng ký hiến mô, tạng trong 2 tuần
Thực tế, việc ghép tạng đã tái sinh nhiều cuộc đời. Bà Tiến cho biết mới đây bà đã gặp lại người đàn ông được ghép tim, giờ là lao động chính trong gia đình và cô gái ghép phổi ở Bệnh viện Phổi Trung ương, đầu năm 2024 đã đi học trở lại và còn hát được.
Theo bà Tiến, chỉ trong vòng 2 tuần kể từ sau lời phát động, kêu gọi của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đã có hơn 10.000 trường hợp đăng ký hiến tặng mô, tạng. Tỉ lệ hiến mô, tạng sau khi qua đời cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Đây là những tín hiệu tích cực để tăng hơn nữa nguồn tạng hiến từ người cho chết não. Con số này cho thấy nhiều người đã vượt qua được sự sợ hãi của cái chết, mở lòng hiến tạng cho những người bị suy tạng.
Bà Tiến chia sẻ cả Phật giáo và Thiên chúa giáo đều khuyến khích việc hiến tạng sau khi chết, vì đó là sự cho đi. Tuy nhiên, khó khăn trong việc đăng ký hiến tạng ở Việt Nam là nhiều người dù đã đăng ký hiến tạng nhưng sau khi qua đời không thể hiến tạng như mong muốn bởi không được sự đồng ý của gia đình, người thân.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng cần đẩy mạnh truyền thống để người dân thay đổi quan niệm, vượt qua định kiến đó là "chết phải toàn thây", mở lòng hiến tạng cho những người bị suy tạng.
"Thay vì vùi nguồn sống vào lòng đất hay hỏa táng, ở nhiều nước trên người ta đã quyết định dùng để cứu người. Mỗi bộ phận cơ thể người được hiến để một cuộc sống khác được hồi sinh với mong muốn "cho đi là còn mãi""- bà Tiến chia sẻ.
Lan tỏa nghĩa cử cao đẹp
Tại hội thảo, PGS-TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, cho biết thời gian qua, số người đăng ký hiến tặng mô, tạng và số gia đình đồng ý hiến tạng tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, con số này vẫn chưa thể đáp ứng với thực tiễn có hàng ngàn bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đang chờ ghép tạng.
PGS Hệ cho biết Trung tâm từng gặp không ít trường hợp dù cha mẹ người hiến mô tạng đã đồng ý hiến tạng, nhưng khi chuẩn bị thực hiện, một người trong họ hàng không đồng ý nên bệnh viện không thể lấy tạng hiến. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nguồn tạng hiến từ người cho chết, chết não tại Việt Nam còn hạn chế.
Vì vậy, theo ông Hệ, thay đổi nhận thức và giúp người dân hiểu đúng về ý nghĩa nhân văn của việc hiến tạng cần sự tham gia của cả cộng đồng. "Khi mỗi người đều hiểu nghĩa cử cao đẹp của việc hiến mô tạng, đem lại sự sống cho những người khác thì việc ngăn cản thực hiện mong muốn của người chết sẽ giảm đi"- PGS Hệ nói.
Khẳng định quy trình hiến, ghép mô tạng rất chặt chẽ, đại diện Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết việc ghép tạng chỉ tiến hành khi người ghép có tên trong "Danh sách chờ ghép Quốc gia" và có chỉ định ghép của Hội đồng tư vấn.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam truyền thông, kêu gọi hiến mô, tạng
Đại đức Thích An Đạt, Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khẳng định địa táng hay "chết toàn thây" không phải là quan niệm của nhà Phật. Ông cho rằng truyền thông là mắt xích quan trọng trong việc vận động hiến tạng. Vì thế, ông và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang có chương trình phối hợp truyền thông cho cộng đồng để biết hiến mô, tạng là một trong những thực hành theo tinh thần từ bi của nhà Phật.
Theo Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, để thay đổi cách thức tiếp cận đăng ký hiến mô tạng, trước đây người dân sẽ đăng ký trực tiếp tại Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia hoặc gửi qua email. Từ tháng 5-2024, người dân có thể đăng ký online và từ tháng 7-2024, việc đăng ký hiến tặng mô, tạng thuận lợi hơn khi được mở rộng đăng ký qua mạng xã hội.
Bình luận (0)