Theo quy định của Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn hiện hành, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi nghỉ việc sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi đáp ứng đủ điều kiện.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định; không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng. Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trợ cấp thất nghiệp được tổ chức BHXH chi trả cho người lao động từng tháng. Đồng thời, trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng người lao động phải trực tiếp thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp về việc tìm kiếm việc làm.
Với quy trình, thủ tục giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định hiện hành, nhiều người lao động cho rằng còn quá phức tạp, rườm rà, phải đi lại nhiều lần, gây mất thời gian. Người lao động mong muốn đơn giản hóa thủ tục, đồng thời đề nghị cho phép họ được nhận trợ cấp thất nghiệp một lần thay vì từng tháng như hiện nay.
Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết theo quy định tại Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12-3-2015, trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị hưởng cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp.
Hồ sơ gồm: Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, bản chính hoặc bản sao có chứng thực theo quy định hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, sổ BHXH.
Điều 52 Luật Việc làm quy định trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng, người lao động phải trực tiếp thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp về việc tìm kiếm việc làm (trừ các trường hợp quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều này).
Hiện nay, người lao động có thể nhận tiền trợ cấp thất nghiệp qua thẻ ATM hoặc bằng hình thức tiền mặt (do người lao động lựa chọn) nên không cần phải đi lại nhiều lần.
Trong quá trình hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động chỉ phải đến trung tâm dịch vụ việc làm thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng để cán bộ trung tâm dịch vụ việc làm có những hỗ trợ kịp thời về việc làm và học nghề. Từ đó, giúp người lao động nhanh chóng tìm được việc làm; kiểm soát được tình trạng việc làm của người lao động, tránh việc lạm dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Bình luận (0)