10 tháng năm 2023, số người nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp (TCTN) tăng 11% so với cùng kỳ 10 tháng năm 2022. Không có việc làm, mất nguồn thu nhập ổn định, nhiều người lao động (NLĐ) chỉ biết trông chờ vào khoản TCTN hằng tháng.
Cố gắng bám trụ
Đầu tháng 11, ông Lê Văn Việt (57 tuổi, quê Tiền Giang) đi bộ từ phòng trọ (trong hẻm đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP HCM) tới văn phòng Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố. Đứng trước tấm bảng thông tin tuyển dụng, ông dò tìm công việc bảo vệ nhưng đa phần không có, nếu có cũng giới hạn độ tuổi.
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM
Cách đây 10 năm, ông nghỉ việc ở quê, gói ghém tư trang đưa vợ lên TP HCM chữa bệnh ung thư. Của cải bao năm dành dụm, kể cả chiếc xe máy - phương tiện đi lại duy nhất ông cũng bán hết để lo viện phí, thuốc cho vợ. Năm 2017, vợ mất, không nỡ để con gái (năm nay 18 tuổi) một mình ở thành phố, ông xin vào làm bảo vệ tại một trường đại học gần chỗ trọ. Mới đây, cơ quan điều chuyển ông tới địa điểm khác cách xa chỗ trọ. Không có phương tiện di chuyển, còn nếu sử dụng xe buýt phải đi nhiều chặng, tốn thời gian, nên ông đành nộp đơn xin nghỉ.
Mấy tháng nay, chi phí phòng trọ, ăn uống của ông đều dựa vào hơn 3 triệu đồng TCTN. Nhưng khoản tiền này cũng chỉ giúp ông "cầm hơi" được thời gian ngắn, trong khi Tết sắp đến. "Tôi phải về quê còn lo hương khói cho tổ tiên, ông bà. Tính ra cũng tốn mấy triệu đồng chứ không ít, nhưng giờ tìm việc mới chưa ra" - ông Việt nói.
Ông Trần Thanh Sơn (41 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) cũng vừa nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN sau khi bị cắt giảm lao động. Trước đây, công việc của ông ổn định nhưng thu nhập thấp, còn vợ ở nhà làm móng và đi giúp việc theo giờ, song công việc rất bấp bênh. Vậy nên, hai vợ chồng hễ kiếm được đồng nào đều để lo cho 2 con đang học tiểu học. Là trụ cột kinh tế trong nhà, khi hay tin bị cho nghỉ, ông lo lắng nhiều đêm tới "bạc tóc", như cách ông mô tả.
Ông Sơn nhẩm tính, 7 tháng tới, cả gia đình có thể tạm "bám víu" vào hơn 2 triệu đồng TCTN. Trong thời gian đó, ông vừa phụ người quen bán hàng vừa tìm công việc khác. "Giờ vợ chồng ráng tiết kiệm cho các con ăn học. Rồi tới lúc nhận hết TCTN, nếu tới bước đường cùng thì đi rút BHXH một lần, chứ giờ tôi cũng gần tới ngưỡng cuối khó khăn rồi" - ông Sơn bày tỏ.
Tăng cường kết nối cung - cầu
Mất nhiều tháng đắn đo, ông Phan Văn Tuấn (42 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) mới quyết định nộp đơn nghỉ việc vào cuối tháng 9-2023. Nguyên do xuất phát từ việc ông không tìm được tiếng nói chung với quản lý người nước ngoài, nên thường xuyên mâu thuẫn.
Dù biết xin nghỉ việc giai đoạn này sẽ gặp khó khăn khi thị trường lao động chưa khởi sắc nhưng ông đành chấp nhận. Hiện lo ngại lớn nhất của ông Tuấn là tuổi đã trên 40 nên không dễ tìm việc. Hơn nữa, vai trò trước đây của ông là quản lý kinh doanh, thu nhập khá, vậy nên, khả năng tìm được việc mới với thu nhập không quá chênh lệch là rất thấp. "Thực sự tôi rất phân vân về hướng đi sắp tới, nên giờ cố gắng duy trì cuộc sống rồi tính tiếp" - ông Tuấn cho hay.
Theo thống kê, 10 tháng đầu năm 2023, TP HCM có hơn 142.700 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN. Riêng trong tháng 10, có trên 14.200 người mất việc nộp hồ sơ nhận trợ cấp, tăng 17% so với tháng trước. Mức hưởng TCTN cao nhất là 23 triệu đồng/tháng, thấp nhất là 1,1 triệu đồng/tháng và mức hưởng bình quân là 5,5 triệu đồng/tháng; thời gian từ 3 - 12 tháng. Nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp (DN) khó khăn, cắt giảm nhân sự hoặc do NLĐ nghỉ để chuyển đổi công việc khác.
Bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM, cho biết để hỗ trợ NLĐ bị mất việc, thời gian tới Sở LĐ-TB-XH sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về tăng cường, theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất - kinh doanh, lao động, đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động. Cụ thể, thành phố sẽ tổ chức 10 sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến, trong đó kết nối khu vực TP HCM với 13 tỉnh ĐBSCL (tổ chức ngày 24-11-2023).
Ngoài ra, sở sẽ đẩy mạnh phổ biến các chương trình hỗ trợ tổ chức đào tạo bổ sung, nâng cao cho NLĐ đang làm việc trong các DN; triển khai các hình thức đào tạo trực tuyến, từ xa áp dụng công nghệ, góp phần giúp NLĐ cải thiện kỹ năng nghề nghiệp. Bên cạnh đó, phối hợp với các tỉnh, thành đang có lực lượng lao động làm việc và sinh sống tại TP HCM trao đổi thông tin và có giải pháp phối hợp nhằm trao đổi, phát huy và chia sẻ lợi thế lẫn nhau, thúc đẩy thị trường lao động phát triển bền vững.
Mức hỗ trợ học nghề còn thấp
Theo bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM, có thực tế, dù NLĐ đã qua đào tạo nghề thì khi tuyển vào, DN chỉ trả lương theo vị trí công việc như lao động phổ thông nên họ không mặn mà với việc học nghề. Chưa kể, mức hỗ trợ học nghề hiện còn thấp, tối đa 1,5 triệu đồng/tháng và thời gian hỗ trợ ngắn (tối đa 6 tháng). Với mức hỗ trợ này, NLĐ không thể học những ngành nghề trình độ trung cấp trở lên.
Bình luận (0)