8 giờ 30 phút, Nguyễn Đức Huy (sinh năm 1996, ngụ tỉnh Thừa Thiên - Huế) ngồi vào bàn cùng ly cà phê nóng, bắt đầu ngày làm việc mới ngay tại nhà của mình. Đó là thói quen suốt từ tháng 8-2021, kể từ khi anh chàng có xuất thân là kiến trúc sư này lựa chọn trở thành freelancer.
Tìm thấy niềm vui từ công việc
Đức Huy là một trong rất nhiều bạn trẻ đang làm việc theo xu hướng freelance. Họ được gọi là những freelancer (người làm công việc tự do). Khi dịch Covid-19 bùng phát và tác động sâu sắc đến đời sống, khiến cho cách thức làm việc từ xa phổ biến hơn thì xu hướng này càng nhận được sự quan tâm của người lao động, đặc biệt là giới trẻ.
Nhiều Gen Z không thích bó mình trong khuôn khổ nhất định, họ không ngại làm nhiều việc cùng một lúc và sẵn sàng tư duy, sáng tạo hết mình. (Ảnh nhân vật cung cấp)
"Lợi thế của một freelancer là tự chủ được thời gian của chính mình, có thể làm được nhiều việc cùng lúc. Nhờ thu nhập tốt và thời gian linh hoạt, tôi hiện sống khỏe khi là freelancer. Đây là hai lý do quan trọng khiến tôi quyết định gắn bó với công việc tự do" - Đức Huy giải thích.
Đức Huy đang làm việc theo đơn đặt hàng thiết kế công trình nội thất và ngoại thất từ khách hàng. Ngoài ra, anh tham gia tìm hiểu và đầu tư kỹ thuật số. Nhịp sống và làm việc này mang lại cho Đức Huy sự hào hứng và hài lòng. Đức Huy dành thời gian tìm hiểu thêm nhiều lĩnh vực, tự do làm thứ mình yêu thích mà không bị ai quản lý. Đó là một niềm vui mà anh nhận được từ freelance.
Tuy nhiên, theo Đức Huy, điều này không có nghĩa là tự cho phép mình buông thả, lười biếng và không có trách nhiệm. Do tính chất tự do của công việc, freelancer phải đặt ra cho mình những quy tắc và kỷ luật riêng, cũng như có ý thức tự giác, nghiêm túc làm việc. "Thông thường mọi người đều làm việc từ 8-9 giờ/ngày đối với công việc hành chính nhưng đối với một người làm công việc tự do như tôi thì khi nào công việc đã trở nên ổn, tôi mới cho phép bản thân được nghỉ ngơi. Có nhiều hôm, tôi dành 14-16 giờ/ngày để làm việc" - Đức Huy nói.
Làm việc theo hình thức freelance cho phép bạn trẻ có nhiều cơ hội tăng thu nhập, không bị bó buộc vào một lịch trình cứng nhắc và cũng chủ động hơn để chạm đến những mục tiêu, ước mơ, nhu cầu riêng của mình. Không quá khó khi đi theo con đường freelance nhưng không có nghĩa là lựa chọn này không có rào cản và khó khăn. Theo chia sẻ của Đức Huy, khi làm freelance như hiện nay, anh không có bất kỳ quyền lợi nào dành cho người lao động, bao gồm các loại bảo hiểm, phúc lợi chính đáng.
Một cuộc chơi công bằng
Cũng giống như Đức Huy, cô gái Gen Z tên Huỳnh Nhi (Đà Nẵng) thừa nhận hình thức làm việc freelance có khá nhiều thách thức. Đầu năm nay, Huỳnh Nhi trở thành nhân viên kiểm duyệt nội dung website cho một công ty theo kiểu tự do, không ràng buộc bởi bất kỳ hợp đồng nào.
Huỳnh Nhi bộc bạch: "Nghề này không có sự thăng tiến trong công việc, không có bảo hiểm và hợp đồng. Mình có thể mất việc bất cứ lúc nào nếu phạm lỗi nhiều lần. Hơn nữa, là freelancer mình không có nhiều mối quan hệ như khi làm trong môi trường công sở. Nhiều khi cũng cảm thấy cô đơn, cả ngày chỉ có máy tính là người bạn đồng hành".
Dù vậy, bạn trẻ này cho rằng làm freelance là một cuộc đánh đổi. Nếu chấp nhận được những hạn chế, các bạn trẻ sẽ có nhiều cơ hội phát triển và hoàn thiện bản thân thật bản lĩnh. Thu nhập từ nhiều phía, không bị bó hẹp thời gian và địa điểm làm việc, vun bồi tính tự lập… là những gì mà freelancer sẽ nhận được. "Thay vì phải đến văn phòng đúng giờ, mình có thể sắp xếp công việc để dành thời gian chăm sóc bản thân. Lúc nào muốn đi du lịch hoặc về quê thăm gia đình, cũng chủ động hơn" - Nhi nói.
Cùng quan điểm với Huỳnh Nhi, Lan Anh (Đắk Lắk) cho rằng việc làm freelancer giúp cô tiết kiệm chi phí đi lại, thuê nhà trọ ở thành phố, song tính ổn định không cao, mất việc đột ngột là chuyện không thể lường trước.
Lo lắng về tương lai là điều mà các freelancer không tránh khỏi. Với chàng kiến trúc sư Đức Huy, mọi công việc đều có ưu điểm và mặt trái. Sự nỗ lực tự thân là điều kiện tiên quyết góp phần giúp người lao động trụ vững ở bất kỳ môi trường làm việc nào. Huy chia sẻ: "Tôi học hỏi thêm nhiều thứ khác nhau, lên sẵn nhiều phương án, xem như cách chuẩn bị cho chính tương lai của mình".
Huỳnh Nhi, Lan Anh và một số freelancer trẻ khác đang cảm thấy thoải mái và hài lòng nhưng vẫn ít nhiều băn khoăn cho tương lai về sau. Một số cho biết sẽ bám trụ làm freelancer đến khi có công việc tốt hơn.
Với họ, cuộc đánh đổi với freelance có thể sẽ tiếp diễn hoặc dừng lại. Nhưng rõ ràng, đây là một cuộc chơi công bằng: Đã lựa chọn đồng nghĩa với việc phải chấp nhận và vượt qua.
Bình luận (0)