Tương tự, từ Mũi Né, chỉ hơn 2 giờ sau đến sân bay Tân Sơn Nhất. Sau khi làm thủ tục, mất không đến 2 giờ du khách có thể đến bất cứ sân bay nào trên toàn quốc để tiếp tục chuyến du lịch hấp dẫn của mình.
Viễn cảnh trên có xa xôi lắm không? Tất nhiên là không nếu dự án xe buýt liên tỉnh và xe buýt kết nối sân bay với các trung tâm đô thị được hiện thực hóa theo kế hoạch của dự thảo Nghị định về hoạt động vận tải đường bộ.
Dù muốn hay không chúng ta cũng phải thừa nhận xe buýt vẫn là phương tiện vận tải công cộng hữu hiệu nhất ở các đô thị. Xe buýt có trạm, chuyến phủ hầu khắp các con đường; có sức vận tải lớn nhất và giá cả thấp nhất.
Không ít người hoài nghi về năng lực vận tải của hệ thống xe buýt hiện hữu nhưng đừng quên rằng các đô thị của chúng ta (và phần lớn các đô thị ở khu vực châu Á cũng thế) rất đặc thù. Cơ bản là do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, tập trung các khu công nghiệp và dịch vụ kinh tế - du lịch dày đặc; dân số tăng nhanh do nhu cầu việc làm lớn… Khó có phương tiện nào hoạt động tốt hơn trong bối cảnh tốc độ phát triển hạ tầng cơ sở chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Những hạn chế của xe buýt như chậm, trễ chuyến, khai thác chưa tốt các tuyến trên trục đường quan trọng, các trung tâm đô thị… cũng từ thực tế trên mà ra. Tuy vậy trong bản đồ phát triển xe buýt tương lai, những hạn chế trên đã được đặt ra trong các kế hoạch phát triển hạ tầng đô thị đang được thực hiện.
Về mặt quản lý nhà nước, chúng ta đã có 3 năm thí điểm và các ưu khuyết được điều chỉnh để đưa ra trong kế hoạch hiện tại. Về mặt thực tế, các dịch vụ vận tải tư nhân đã làm và làm rất tốt. Đơn cử như một huyện Đức Linh của tỉnh Bình Thuận, hiện đã có hàng trăm chuyến xe dịch vụ từ 4 - 15 chỗ chuyên chở khách từ các xã, thị trấn đến sân bay Tân Sơn Nhất, các bệnh viện lớn, các trung tâm thương mại... chỉ trong vòng 3 giờ. Từ Sân bay Tân Sơn nhất cũng mất ngần ấy thời gian sẽ có mặt ở khu du lịch Mũi Né hoặc Vũng Tàu.
Trong khi hệ thống đường sắt đô thị chưa hoàn thiện, chưa hạn chế được xe cá nhân phát triển quá nóng thì xe buýt, xe dịch vụ vẫn là giải pháp tốt nhất. Chúng ta cũng không khiên cưỡng so sánh hệ thống buýt đô thị của ta với các nước phương Tây, bởi họ có quá trình phát triển xe buýt công cộng đã hàng trăm năm nay và đặc thù phân bố đô thị từ cả vài thế kỷ trước. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, chúng ta có quyền kỳ vọng vào các kế hoạch từng bước phát triển hệ thống giao thông cộng đã được đề ra.
Hãy hình dung kế hoạch tổng thể cụ thể của TP HCM trong một vài thập kỷ tới: phát triển các đô thị vệ tinh để phân bố lại dân cư; hoàn thiện dần hệ thống giao thông đô thị; kết nối giao thông liên vùng, xây dựng thêm các tuyến đường sắt đô thị... Trong bức tranh này, xe buýt đô thị sẽ càng ngày càng đóng vai trò quan trọng và viễn cảnh sáng tiễn con ra xe buýt đi học, rồi chúng ta bước lên xe buýt hoặc tàu điện đi làm là không quá xa vời.
Bình luận (0)