Vụ tranh chấp lao động giữa Công ty TNHH Vagabond Việt Nam (quận Tân Bình, TP HCM) và người lao động (NLĐ) khởi phát từ đầu tháng 10-2021. Đó là thời điểm TP HCM bỏ thực hiện giãn cách xã hội nhằm phòng chống dịch COVID-19 và khoảng 200 NLĐ đã nhận được Thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) và quyết định chấm dứt HĐLĐ từ công ty này.

NLĐ nhận quyết định nghỉ việc sau thời gian nghỉ thực hiện giãn cách xã hội do dịch COVID-19
Theo NLĐ, giữa tháng 7-2021, do không bố trí được phương án làm việc "3 tại chỗ" và "1 cung đường - 2 điểm đến" để chống dịch COVID-19 nên công ty thông báo cho NLĐ ngừng việc. Từ ngày 15 đến 30-7-2021, NLĐ được hưởng lương tối thiểu vùng, sau đó là nghỉ không lương.
Khi thành phố kết thúc giãn cách, NLĐ trở lại làm việc thì mới biết bị công ty cho thôi việc, dù trước đó chưa nhận được thông báo hay quyết định chấm dứt HĐLĐ. Ngày 2-11-2021, NLĐ được công ty gọi đến để nhận các giấy tờ gồm: Thông báo đơn phương chấm dứt HĐLĐ và quyết định chấm dứt HĐLĐ (thời điểm NLĐ phải nghỉ việc là ngày 10-10-2021).
NLĐ cho rằng công ty lấy lý do khó khăn do dịch Covid-19 để chấm dứt HĐLĐ nhưng chưa hề thực hiện các biện pháp khắc phục là chưa thực hiện đúng quy định của Bộ luật Lao động.
Bên cạnh đó, công ty cho nhiều NLĐ nghỉ việc nhưng không xây dựng phương án sử dụng lao động; đơn phương chấm dứt HĐLĐ không tuân thủ thời gian báo trước; người ký quyết định chấm dứt HĐLĐ không đúng thẩm quyền. Ngoài ra, sau đợt dịch công ty chuyển trụ sở từ huyện Hóc Môn về quận Tân Bình, vẫn tiếp tục hoạt động và tuyển dụng lao động nên không phải là ngưng hoạt động như thông báo với NLĐ trước đó…
Bức xúc, một số lao động đã khởi kiện để buộc công ty bồi thường về hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái quy định pháp luật. Tuy nhiên, tại 13 bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Hóc Môn và 4 bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân TP HCM liên quan vụ việc trên, yêu cầu của NLĐ không được chấp thuận.
Theo Hội đồng xét xử tại các phiên tòa, việc công ty và NLĐ thỏa thuận tạm ngừng việc, không hưởng lương do dịch bệnh là một trong những biện pháp khắc phục khó khăn mà doanh nghiệp đã thực hiện do "dịch bệnh nguy hiểm.... nhưng buộc phải giảm chỗ làm việc"; Công ty cắt giảm lao động do dịch bệnh không thuộc trường hợp buộc phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động, không phải thông bảo đến UBND cấp tỉnh.
Việc công ty thông báo chấm dứt HĐLĐ với NLĐ thông qua các phương tiện mạng xã hội Zalo, Skype tại thời điểm dịch bệnh được xem là phù hợp với thực tiễn khách quan, được tất cả mọi người công nhận để áp dụng. Do đó, công ty đã thông báo trước cho NLĐ đảm bảo ít nhất 45 ngày theo quy định.
Theo tòa, việc công ty trả nhà xưởng ở huyện Hóc Môn, thuê văn phòng tại quận Tân Bình là để giải quyết các công việc tồn đọng, không có căn cứ cho rằng công ty vẫn đang có khả năng tiếp tục đáp ứng việc làm cho NLĐ và NLĐ cũng không có chứng cứ chứng minh việc công ty tuyển công nhân mới.
Ngoài ra, Tòa cũng cho rằng quyết định cho NLĐ nghỉ việc được ban hành đúng thẩm quyền vì thời điểm đó người đại diện pháp luật của công ty không có mặt tại Việt Nam và có giấy ủy quyền giao cho giám đốc văn phòng thực hiện các công việc liên quan đến lao động.
Bình luận (0)