Vào ngày 28-6, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 576/QĐ-TTg công nhận xã Phú Diên, huyện Phú Vang; xã Điền Hương, Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế thuộc xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 -2025 thoát khỏi tình trạng khó khăn.
Không còn "đặc biệt khó khăn"
Khác với nhiều năm trước, giờ đây đời sống người dân xã Phú Diên đã khá giả hơn nhiều, bộ mặt nông thôn mới khởi sắc, cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang. Theo UBND xã Phú Diên, đến cuối năm 2023, tỉ lệ hộ nghèo của xã còn 2,73%, hộ cận nghèo 3,78%, hộ nghèo đa chiều 3,39%.
Để đạt được kết quả này, theo ông Phạm Tăng Đoàn - Chủ tịch UBND xã Phú Diên, thì từ năm 2021 đến 2023 xã đã được Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 1,48 tỉ đồng để xây dựng các mô hình, dự án sinh kế, phát triển sản xuất cho 91 hộ dân. Chương trình hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo hỗ trợ cho 52 hộ với số tiền 865 triệu đồng.
Tại địa phương đã và đang triển khai các mô hình giảm nghèo hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có hiệu quả như mô hình nuôi bò, nuôi gà lai kiến thả vườn, hỗ trợ ngư cụ khai thác thủy sản. Hiện nay, các mô hình giảm nghèo đã mang lại hiệu quả cao, giúp cho người nghèo, hộ nghèo ổn định công việc làm ăn, phát triển kinh tế hộ gia đình và thoát nghèo bền vững. Trong đó, điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Ném với mô hình nuôi bò, hộ ông Trần Bé thực hiện khai thác thủy sản, hộ bà Lê Thị Gái triển khai nuôi gà lai kiến thả vườn hiệu quả cao…
Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định, đạt được kết quả 3 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn là nhờ quá trình thực hiện chính sách phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và kết quả thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách giảm nghèo chung cũng như các chính sách giảm nghèo đặc thù của tỉnh.
"Để tiếp tục nâng cao đời sống người dân, duy trì giảm nghèo bền vững ở các xã Điền Hương, Phong Chương, Phú Diên, cần thực hiện nhiều giải pháp khác nhau. Trong đó tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến về tiếp cận nghèo đa chiều, về mục tiêu giảm nghèo bền vững với phương pháp và cách làm phù hợp, tạo sự đồng thuận, chung tay vì người nghèo của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm nguồn lực, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo" - ông Đặng Hữu Phúc.
Theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thừa Thiên Huế có 7 xã gồm, Phong Chương, Điền Hương (huyện Phong Điền); xã Phú Gia, Phú Diên (huyện Phú Vang); xã Lộc Bình, Lộc Vĩnh, Giang Hải (huyện Phú Lộc).
Trong giai đoạn 2021-2024, các xã này được bố trí gần 95,8 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương 92,4 tỉ đồng (vốn đầu tư phát triển 84 tỉ đồng đồng; vốn sự nghiệp 8,4 tỉ đồng); ngân sách địa phương 3,382 tỉ đồng vốn đầu tư phát triển để triển khai thực hiện hỗ trợ đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế-xã hội.
Từ nguồn kinh phí được phân bổ, các xã đã triển khai xây dựng 26 công trình giao thông nông thôn và nội đồng; kênh mương thủy lợi, trường học, chợ, văn hóa…; duy tu bảo dưỡng hơn 100 công trình để phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa.
Ông Phúc khẳng định việc triển khai các dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội đã giúp cho các xã này tạo chuyển biến tích cực về các mặt đời sống kinh tế-xã hội; cơ sở hạ tầng ngày càng nâng cao khả năng phục vụ dân sinh, sản xuất, phát triển kinh tế, giúp cho bộ mặt nông thôn của huyện, xã có nhiều thay đổi, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Các công trình gắn liền với đời sống người dân, giúp người dân có điều kiện sản xuất, kinh doanh, đi lại, lưu thông hàng hóa, tăng thu nhập và thoát nghèo.
Ngoài ra còn có kinh phí trực tiếp hỗ trợ đến hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn thông qua các chính sách về bảo hiểm y tế, vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội, chính sách hỗ trợ giáo dục, miễn giảm học phí và các chính sách an sinh xã hội khác.
Mục tiêu 4 xã còn lại
Trong thời gian tới, để giúp 4 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển còn lại thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn vào cuối năm 2025, ông Phúc cho biết cần thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ.
Tỉ lệ hộ nghèo giảm 1/2
Một trong những thành quả nổi bật nhất khi thực hiện chương trình đem lại là số hộ nghèo, tỉ lệ hộ nghèo giảm hơn ½. Cụ thể, đầu kỳ 7 xã có 918 hộ nghèo và tỉ lệ hộ nghèo bình quân của 6,6%; đến cuối năm 2023, số hộ nghèo còn 424 hộ và tỉ lệ hộ nghèo bình quân còn 3%.
Cụ thể sẽ đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại.
Bên cạnh đó là triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo gắn với lồng ghép các chương trình, dự án khác triển khai trên địa bàn, đặc biệt ưu tiên thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo của tỉnh ban hành.
"Đồng thời khuyến khích và mở rộng hoạt động tạo việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân trên địa bàn thông qua các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhất là các dự án đa dạng hóa sinh kế, mô hình giảm nghèo và dự án hỗ trợ phát triển sản xuất" – ông Phúc nhấn mạnh.
Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo, các dự án liên quan đến người nghèo, hộ nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo vốn sản xuất, nhà ở, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm để người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững; triển khai thực hiện các mô hình giảm nghèo bền vững tại các địa phương, hàng năm đánh giá nhân rộng mô hình giảm nghèo có hiệu quả.
Bình luận (0)