Chiều 23-3, Viện Khoa học Công nghệ GTVT - Bộ GTVT công bố báo cáo kết luận bước đầu về hiện tượng rạn nứt trên mặt cầu Thăng Long (Hà Nội) và đưa ra hướng xử lý ban đầu.
Theo viện, sau 2 tháng kết thúc dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long, viện đã phát hiện 6 vết nứt chủ yếu nằm ở làn xe bên trái, mép ngoài cùng và 7 vết ở làn bên phải, mép ngoài cùng tính theo hướng Hà Nội - Nội Bài trên suốt chiều dài 1.680 m của cầu chính.
Ông Doãn Minh Tâm, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ GTVT, cho biết các vết nứt mang tính cục bộ, không liên tục và có dấu hiệu của vết nứt kéo, tách như chịu ảnh hưởng của hiện tượng co rút (độ mở rộng vết nứt trung bình từ 3 - 5 cm, độ dài trung bình từ 2 - 4 m/vết nứt). Tại một số vết nứt đã phát hiện hiện tượng nước tụ đọng và chảy rỉ ra ngoài.
Một vết nứt trên mặt cầu Thăng Long. Ảnh: N.Quyết
Về nguyên nhân gây hư hỏng mặt cầu Thăng Long, theo kết luận bước đầu của Viện Khoa học Công nghệ GTVT, thời điểm rải bê tông nhựa trên mặt cầu Thăng Long rơi vào dịp Hà Nội rét đậm kéo dài, nhiệt độ trung bình từ 15oC - 20oC, có hôm dưới 15oC; trong khi đó, chỉ dẫn thi công hỗn hợp bê tông nhựa SMA yêu cầu phải thi công trong điều kiện nhiệt độ tối thiểu là 15oC.
Trước đó, nhà thầu (Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bảo Quân) nghi ngờ việc lựa chọn công nghệ của viện này chưa thích hợp với cầu Thăng Long có kết cấu chính bằng khung thép. Hơn nữa, việc thử nghiệm loại vật liệu mới tại VN cũng mới chỉ được áp dụng đối với mặt đường chứ chưa được làm trên cầu.
Chưa nắm hết bí quyết Theo ông Doãn Minh Tâm, sau khi hoàn thành việc sửa chữa mặt cầu, Viện Khoa học Công nghệ GTVT sẽ tổ chức kiểm điểm nghiêm túc các tập thể, cá nhân liên quan. Lãnh đạo viện này cũng thừa nhận các cán bộ có liên quan vụ này (thuộc viện) chưa thực sự nắm hết các bí quyết về chuyển giao công nghệ mới sử dụng hỗn hợp SMA để rải mặt cầu, khiến phát sinh một số vết nứt trên mặt cầu. |
Theo tính toán của Viện Khoa học Công nghệ GTVT, diện tích mặt đường cần phải xử lý do chịu ảnh hưởng của các vết nứt gây ra tại thời điểm tháng 3-2010 khoảng 200 m2 trên tổng số 27.000 m2 đã được thảm lại. Tỉ lệ mặt đường cần phải tu sửa là 0,8%.
Viện Khoa học Công nghệ GTVT sẽ phối hợp với nhà thầu và Ban Quản lý dự án 2 (PMU 2) khoanh mảng chỗ nứt để cắt bỏ lớp bê tông nhựa chưa đủ độ chặt và kém bám dính với lớp dưới; đồng thời sử dụng đúng vật liệu bê tông nhựa SMA để trám lại kết hợp với các biện pháp thoát nước nhanh chóng ra khỏi phạm vi mặt cầu...
Bình luận (0)