Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng - Ảnh: Nguyễn Nam
Sáng nay 20-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).
Đại diện cơ quan soạn thảo dự luật, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết quá trình quản lý nợ công hiện còn có quan điểm khác nhau về phạm vi nợ công, cần có thống nhất như việc có tính các khoản nợ phát sinh từ điều hành ngân sách, nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nợ của Ngân hàng Nhà nước vào nợ công hay không? Tình trạng nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ; việc quản lý, sử dụng vốn vay còn bất cập; phân bổ vốn đầu tư từ nguồn vốn vay nợ công còn dàn trải và hiệu quả đầu tư chưa cao; đã phát sinh những rủi ro từ các dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ và vốn vay Chính phủ bảo lãnh dẫn đến không trả được nợ, Chính phủ phải trả nợ thay; thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân đối nghĩa vụ trả nợ.
Theo người đứng đầu ngành tài chính, nhận thức về nợ công còn hạn chế, phần nào vẫn còn tâm lý “bao cấp” từ nhà nước, nhất là vốn ODA và trái phiếu Chính phủ; năng lực của một số chủ dự án còn hạn chế; vẫn còn tình trạng thất thoát, lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư công, vốn vay công; chức năng, nhiệm vụ quản lý nợ công còn chồng chéo, chưa gắn trách nhiệm vay và trả nợ với việc phân bổ, sử dụng nợ công.
Vì vậy, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay lần sửa đổi này, Chính phủ đề xuất bổ sung 3 chương mới quy định về chỉ tiêu an toàn, chiến lược, chương trình và kế hoạch vay, trả nợ công; về quản lý cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ; về đảm bảo khả năng trả nợ công.
Đồng thời, rà soát chỉnh sửa tên chương, bổ sung thêm một số điều tại các chương trên cơ sở luật hóa các quy định tại văn bản dưới luật đã được áp dụng ổn định thời gian qua và tiếp tục đáp ứng được yêu cầu quản lý trong tình hình mới đồng thời để đảm bảo đáp ứng mục tiêu đặt ra đối với xây dựng luật và nhằm giảm thiểu các nội dung cần hướng dẫn
Đại diện cơ quan thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách (TC-NS) Nguyễn Đức Hải cho biết đa số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban TC-NS thống nhất với nội dung về phạm vi nợ công như Chính phủ trình. Cụ thể là không tính vào nợ công các khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ, nợ tự vay tự trả của DNNN. Trong trường hợp DN không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến thống nhất không đưa nợ tự vay tự trả của DNNN vào phạm vi nợ công song lại lo rằng việc không trả được nợ nước ngoài của DNNN có thể ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm của quốc gia và trên thực tế đã có trường hợp nhà nước phải trả nợ thay. Do đó, đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định nhằm tăng cường quản lý, giảm thiểu rủi ro đối với khoản nợ này.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị bổ sung vào phạm vi nợ công các khoản nợ tự vay tự trả của DNNN vì đây là DNNN nắm giữ cổ phần chi phối nên các khoản nợ này về bản chất, nhà nước vẫn phải có trách nhiệm trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng trả nợ.
Cũng theo Chủ nhiệm Uỷ ban TC-NS, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, đưa các khoản ứng trước ngân sách nhà nước, nợ cấp bù chênh lệch lãi suất cho các ngân hàng chính sách, nợ hoàn thuế giá trị gia tăng và nợ bảo hiểm xã hội (những khoản kéo dài qua năm ngân sách) vào nợ công vì đây thực chất là những khoản nợ mà ngân sách sẽ phải bố trí nguồn để trả ở các năm sau nên nếu không tính vào nợ công sẽ dẫn đến những rủi ro, bị động cho quá trình quản lý, điều hành nợ công.
Về quy định không tính vào nợ công các khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành, Chính phủ giải thích là theo thông lệ quốc tế, ngân hàng trung ương là độc lập, không nằm trong cơ cấu tổ chức của chính phủ, theo đó các khoản vay của ngân hàng trung ương không kết cấu trong nợ của chính phủ.
Tại phiên họp, các thành viên UBTVQH đều khẳng định sự cần thiết phải sửa luật.
Cho ý kiến dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề nguyên nhân nợ công cao là do nội tại Luật Quản lý nợ công 2009 có vấn đề hay do khâu tổ chức thực hiện Luật chưa tốt?
"Việc sửa đổi Luật Quản lý nợ công liệu có giải quyết được thực trạng nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn hiện này hay không?"- bà Nga chất vấn.
Một số thành viên khác của UBTVQH cũng đặt vấn đề cách tính nợ công hiện nay đã hợp lý chưa? Đối với những khoản nợ không nằm trong phạm vi nợ công mà Chính phủ phải trả thì làm thế nào?
Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề: ở các nước thì ngân hàng Trung ương là độc lập nhưng ở Việt Nam thì Ngân hàng Nhà nước lại trong hệ thống Chính phủ, vậy không tính thì có hợp lý hay không?
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình lại đề nghị dự luật phải làm rõ định nghĩa khu vực công.
"Nếu Ngân hàng Nhà nước và DNNN là khu vực công, thì đương nhiên nợ của họ Nhà nước phải trả. Như nợ của Vinashin thì ai trả? Chính phủ phải trả”- ông Bình băn khoăn.
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt bình luận bản chất của nợ công là "lách luật và lách luật ở Việt Nam tạo thành phong trào".
"Lách được luật thì luật phải có lỗ hổng, người ta nói “dân gian” vì thế, cứ lách được là lách. QH như cảnh sát giao thông, thấy có vấn đề là phải thổi còi chứ bấy lâu nợ công có vấn đề không phải lỗi hoàn toàn Chính phủ. Luật này phải định dạng hơn để giải các bất cập trong quản lý nợ công vừa qua"- ông Việt bày tỏ.
Trả lời chất vấn cụ thể của Chủ nhiệm Lê Thị Nga, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định những năm gần đây nợ công tăng nhanh trước hết do điều hành.
Làm rõ thêm, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Nhiệm kỳ 2011-2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP ở mức 5,9% trong khi vẫn phải đảm bảo các mục tiêu khác đề ra như an sinh xã hội tăng, đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ theo nghị quyết của Trung ương, nghị quyết của QH nên trong thời gian dài đã giữ mức bội chi rất cao.
"Chúng ta để mức bội chi lên 5,6,-5,7% là quá cao. Theo Luật Ngân sách cũ, ngoài bội chi ở mức cao thì còn phát hành trái phiếu Chính phủ khoảng 330 nghìn tỉ đồng nên tổng số vay 2011-2015 khoảng 1,4 triệu tỉ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế như thế nhưng giá trị GDP thực tế mấy năm qua toàn tụt so với dự báo trong khi điều hành cân đối ngân sách đều hoàn thành theo dự toán, theo kế hoạch đặt ra, tức là khả năng có hạn nhưng chi tiêu theo nhu cầu. Và như thế thì nợ công tăng nhanh là đúng” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ.
Ông Dũng dẫn ví dụ năm 2016 đưa ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong khi thực tế điều hành có 6,21%. giá trị GDP để tính mẫu số của nợ công bội chi đưa ra dự toán là 5,1 triệu tỉ đồng nhưng trên thực tế chỉ được khoảng 4,5 triệu tỉ đồng. Tổng số nợ số tuyệt đối thì như thế những mẫu số bé đi nên tự dưng thương số lớn lên.
“Như thế thì năm nào mà chả cao, làm sao mà quản chặt được, nếu không nhìn thẳng vào sự thật thì nợ công tăng nhanh, áo lực trả nợ cao là đúng, và không khắc phục được nếu cứ để thế này”- Bộ trưởng nói.
Ngoài ra, Bộ trưởng Dũng, trong giai đoạn 2011- 2013, thời gian huy động vốn quá ngắn, lãi suất quá cao, có khoản vay đến 12 - 13%, nên áp lực trả nợ dồn trả nợ sang 2016 - 2017.
Một nguyên nhân khác dẫn đến nợ công tăng cao là việc giải ngân vốn ODA tăng nhanh. Dự toán ODA thấp chỉ 17- 18 ngàn tỉ đồng nhưng năm nào cũng giải ngân cao 50 - 60 ngàn tỉ đồng.
“Bàn về nợ công nhưng phải nhìn tổng thể của nền kinh tế, khả năng hiện tại, khả năng bứt phá của nền kinh tế để tính toán khoản vay. Chứ khả năng nền kinh tế có hạn, mức tăng trưởng kinh tế, dự báo tăng trưởng GDP chưa đúng với thực tế trong khi nhu cầu chi tiêu lớn, giải quyết chi tiêu theo nhu cầu là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ công tăng cao” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lo lắng.
Đối với các khoản nợ khác của DNNN, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: Có 40 nước và nhóm nước trên thế giới trong đó có các nước phát nước triển, các nước có nền kinh tế tương đối với Việt Nam đều không tính nợ DNNN vào nợ công. Có 4 nước như: Thái Lan, Philippines... tính nợ DN vào nợ công thì nhưng cũng chỉ tính phần nợ của các DN công ích, thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao.
Theo Ngân hàng Thế giới: nợ vay của DNNN được đưa vào nợ nhà nước khi thỏa mãn 3 điều kiện: Thu chi nằm trong dự toán, Chính phủ sở hữu trên 50%, Chính phủ cam kết trả nợ trong trường hợp DN không trả được nợ.
“Vì vậy đối với nợ khác của DNNN, quan điểm của Chính phủ là DNNN tự vay phải tự trả. Dứt khoát không có chuyện chuyển nợ DNNN sang nhà nước trả hộ” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng quả quyết.
Bình luận (0)