xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tự nhiên mất đất!

QUÝ HIỀN - THU HỒNG

Tình trạng “cò” phù phép nhà đất của người khác thành nhà đất của mình đang trở nên phổ biến ở vùng ngoại thành TPHCM

Trường hợp ông Nguyễn Văn Ne (ấp 1, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn-TPHCM) sửng sốt khi biết mảnh đất hơn 1.000 m² đứng tên người cha đã qua đời bỗng dưng được bán cho người khác (Báo NLĐ phản ánh ngày 7-10) không phải là chuyện hiếm.

Sau bài viết này, chúng tôi đã phát hiện nhiều hộ dân ở quận 12 và huyện Hóc Môn cũng đang rơi vào tình cảnh: Nhà đất bỗng dưng thuộc quyền sở hữu của người khác mà họ không hề hay biết, chuyện vỡ lở khi có người cầm giấy chủ quyền đến... tìm đất.

img
Đơn xác nhận tình trạng đất được cho là làm giả để đem bán đất của người dân. Ảnh: T.HỒNG

Sổ đỏ bay theo... “cò”


Ông Nguyễn Văn Ne kể lại: Sau khi cha ông là Nguyễn Văn Nhơn qua đời, đầu năm 2007, ba anh em ông Ne bàn nhau đi làm thủ tục kê khai di sản thừa kế để chuyển người đứng tên trên giấy chủ quyền sang tên một trong ba anh em. Ngán ngẩm với “đoạn trường” đi làm thủ tục, ông Ne bèn giao cho “cò” đất Nguyễn Văn Lùn ở cùng xóm lo mọi thủ tục với giá thỏa thuận là 8 triệu đồng.

Theo yêu cầu của “cò” Lùn, ông Ne đã đưa bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (QSDĐ- giấy đỏ) cùng nhiều giấy tờ liên quan. Kéo dài gần một năm sau, “cò” Lùn mời ông Ne và những người trong gia đình đến xã lăn tay và làm thủ tục thừa kế.

“Tưởng lên xã là xong chuyện ai ngờ một tháng, nửa năm và một năm rưỡi trôi qua không thấy động tĩnh gì. Hỏi thì “cò” Lùn cứ hẹn lần hẹn lữa mãi mà đòi giấy chủ quyền thì cũng khất luôn”- ông Ne kể.
 
Đầu tháng 9-2009, gia đình ông Ne bàng hoàng khi có một người tự xưng là bên “B” (mua lại đất của bên B) xuống nhà ông xem “mặt mũi” lô đất. Lúc này, cả gia đình ông Ne chỉ còn biết nhìn nhau mà không nói nên lời!


Trường hợp ông Đinh Văn Lang (ngụ khu phố 1, phường Thạnh Xuân, quận 12) cũng tương tự. Do tuổi cao, ông Lang giao cho vợ và con gái tiến hành hợp thức hóa làm sổ hồng cho ngôi nhà mình đang ở.

Chị Đinh Thị Ngọc Hạnh, con gái ông Lang, kể lại: Tháng 3-2008, chị đưa bản vẽ nhà và giấy chứng nhận QSDĐ với diện tích 784 m² cho “cò” Nhân gần nhà. “Cò” Nhân hẹn 4 tháng sau sẽ có sổ hồng, đến tháng 7-2008, vẫn chưa thấy động tĩnh, chị Hạnh đến gặp Nhân thì “cò” này cho biết “bị mất giấy chứng nhận QSDĐ rồi, phải chờ làm lại!”. Khá bất ngờ nhưng nghĩ chỗ quen biết nên chị Hạnh vẫn chờ.


Bỗng nhiên, ngày 28-8-2009, gia đình chị Hạnh tá hỏa khi một phụ nữ đến hỏi: “Đất này đang bán phải không?” và chìa ra bản photocopy giấy chứng nhận QSDĐ mang tên ông Đinh Văn Lang, nói tỉnh bơ: “Có người giới thiệu bán khu đất này với giá 1,8 tỉ đồng”.

Càng “choáng” hơn khi người phụ nữ còn đưa ra cả đơn xác nhận tình trạng đất do ông Lang ký nhận ngày 28-5-2009, trong đó có xác nhận của UBND phường Thạnh Xuân.

Quá bất ngờ, chị Hạnh cùng người phụ nữ trên đến UBND phường trình bày vụ việc thì UBND phường cho biết chưa hề xác nhận cho trường hợp này, cả con dấu của phường đóng trong đơn cũng không đúng.


Ngoài hai trường hợp trên, chúng tôi còn được biết trường hợp bà Hồ Thị Bề (xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn), do tuổi cao, gia cảnh nghèo khó, bà cần một số tiền chữa bệnh nên giao giấy chứng nhận QSDĐ cho một “cò” để cầm cố ngân hàng nhưng sau khi nhận giấy, “cò” này đã biến mất.

img
Gia đình ông Lang hiện chỉ còn lại bản photocopy sổ đỏ và giấy xác nhận
tình trạng đất do người tìm mua đất cung cấp. Ảnh: T.Hồng

“Cò” chối phăng, chính quyền lắc đầu


Sau khi phát hiện lô đất nhà mình nằm trong tay người khác và việc mua bán có dấu hiệu lừa đảo vì chủ đất đã chết làm sao đứng ra ký giấy mua bán (hợp đồng mua bán được lập vào tháng 7-2009 tại Văn phòng Công chứng Gia Định), ông Nguyễn Văn Ne đã làm đơn khiếu nại và trình bày những khuất tất trên gởi đến các cơ quan chức năng huyện Hóc Môn.

Ngày 17-10, ông Ne được Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Hóc Môn mời lên làm việc để thu thập thêm thông tin. Tham dự còn có “cò” đất Nguyễn Văn Lùn, ông Trần Quốc Phòng, Trưởng Phòng Công chứng Gia Định cũng là công chứng viên trực tiếp công chứng hợp đồng mua bán mảnh đất do ông Nguyễn Văn Nhơn đứng tên.

Ông Ne cho biết: Sau khi quanh co, “cò” Lùn thông tin với cán bộ Phòng Tài nguyên-Môi trường là “giấy đỏ” ông Ne đưa cho Lùn không bị mất mà Lùn đưa cho một “cò” đất tên Thảo giữ để cùng chạy giấy tờ!?

Tại đây, ông Phòng cũng trưng ra những giấy tờ liên quan nằm trong hồ sơ công chứng như giấy chứng nhận độc thân, CMND, xác định tình trạng nhà đất đều đứng tên ông Nguyễn Văn Nhơn.

Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ, ông Phòng cho rằng những giấy tờ này có  khả năng là giả mạo vì năm sinh của ông Nhơn đều ghi là 1955 trong khi những giấy tờ tùy thân của ông Nhơn được gia đình cung cấp ghi rõ năm sinh 1925. Tuy nhiên, sau buổi làm việc, đại diện Phòng Tài nguyên-Môi trường đã trả lại đơn khiếu nại cho ông Nguyễn Văn Ne với lý do không đủ thẩm quyền giải quyết!


Còn trường hợp ông Lang, cả gia đình ông hiện như ngồi trên lửa bởi không biết chính xác giấy chứng nhận QSDĐ của mình đang ở đâu? Sợ mất đất, chị Hạnh đã làm đơn ngăn chặn việc chuyển nhượng mảnh đất trên gửi chính quyền địa phương.

“Tôi cũng đã đến báo cáo vụ việc cho công an phường nhưng họ bảo không có chứng cứ nên không thể giải quyết”- chị Hạnh cho biết. Về phía “cò” Nhân, sau nhiều lần trực tiếp hỏi về giấy chủ quyền đất của mình, chị Hạnh nhận được câu trả lời: Cứ báo công an làm đi!


Tình trạng “cò” phù phép nhà đất của người khác thành nhà đất của mình và đi giao dịch mua bán với người khác đang trở nên phổ biến ở vùng ven và ngoại thành. Nhiều người cho rằng trong các vụ việc này không loại trừ có sự tiếp tay của cán bộ địa phương và công chứng viên các phòng công chứng!?


Làm giả giấy tờ?


Đọc kỹ đơn xác nhận tình trạng đất của gia đình ông Lang do người mua đất cung cấp, chúng tôi phát hiện có nhiều điểm sai sót. Cụ thể, phía trên ghi “Kính gửi UBND phường Thạnh Xuân, quận 12...” nhưng dưới đơn lại ghi “Tôi làm đơn này kính mong UBND quận 12...”. Ngoài ra, năm sinh ông Lang là 1936 nhưng trong giấy xác nhận ghi năm 1956, cả số CMND cũng không đúng. Chị Hạnh, con ông Lang, cũng cho biết “người phụ nữ tìm đến nhà tôi xem đất xác nhận hợp đồng mua bán mà họ đang có trong tay được giao dịch công chứng tại một văn phòng công chứng tư và thời điểm công chứng là giữa năm 2009”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo