Trao đổi với báo chí ngày 10-7, Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, Cục trưởng Cục CSGT - Bộ Công an, cho biết theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2025, tình hình tai nạn giao thông đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn nổi lên tình trạng mất an toàn giao thông trên đường bộ; việc ứng dụng công nghệ của CSGT còn hạn chế, thủ công.
Thay đổi ý thức của người tham gia giao thông
Theo Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, để giảm tai nạn giao thông một cách bền vững, bảo đảm an toàn cho người dân, cần xác định con người là yếu tố quan trọng nhất, là chủ thể trong xây dựng nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, xây dựng lực lượng CSGT vững mạnh để bước vào giai đoạn mới với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Mặt khác, cần phát triển hạ tầng giao thông, kinh tế vận tải, bảo đảm cân đối, hài hòa giữa các loại hình; tính toán phát triển phương tiện bảo vệ môi trường, giảm khí thải và giảm số lượng phương tiện cá nhân.
"Quan trọng nhất là thay đổi ý thức của người tham gia giao thông, xây dựng ý thức xã hội, văn hóa tham gia giao thông an toàn; ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông" - Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh.

Một trong những giải pháp có thể kéo giảm vi phạm, tai nạn giao thông là phát triển mạnh mẽ hệ thống giao thông công cộng
Cục trưởng Cục CSGT chỉ rõ xe máy hiện là loại hình phương tiện gây ra khoảng 60% số vụ tai nạn, đặt ra bài toán nâng cao kỹ năng cho người điều khiển. Tại một số khu vực vùng sâu, vùng xa, kiến thức về lái xe an toàn, xử lý tình huống khi có sự cố chưa thật sự được chú trọng. Do đó, thời gian tới, CSGT sẽ cùng công an xã xuống từng thôn, bản để hướng dẫn kỹ năng an toàn giao thông cho người dân.
"Sẽ có đội chuyên trách xử lý vi phạm về xe máy. Khi phát hiện trường hợp vi phạm, CSGT sẽ lập tức kiểm tra dữ liệu đăng ký xe để xác định ai là chủ phương tiện. Sau 2 giờ, cơ quan chức năng sẽ gửi thông báo vi phạm trực tiếp cho chủ xe gần nhất" - Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình nêu giải pháp.
Giải thích thêm về tình huống bán, sang tên xe máy, Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình cho biết thông báo vi phạm sẽ được gửi cho chủ sở hữu phương tiện qua VNeID, thông qua ứng dụng của CSGT hoặc qua công an xã - phường... Do đó, nếu không sang tên khi bán phương tiện cho người khác thì chủ xe vẫn phải chịu trách nhiệm khi xe vi phạm.
Một giải pháp đáng chú ý là Cục CSGT sẽ đưa vào hoạt động trung tâm dữ liệu và giám sát 24 giờ trong ngày, 7 ngày trong tuần. Trung tâm này vận hành giống như khoa cấp cứu của bệnh viện, làm việc 3 ca liên tục, bảo đảm mọi vi phạm đều được phát hiện và thông báo sớm nhất tới người dân. Mục tiêu là xây dựng tư duy cho người dân trong việc chấp hành luật giao thông để bảo vệ chính mình.
Áp dụng công nghệ
Đáng chú ý, Cục CSGT đang xây dựng lộ trình ứng dụng công nghệ để quản lý giao thông toàn diện 24/7, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào lực lượng chức năng. Với các lỗi cần kiểm tra trực tiếp như nồng độ cồn, lực lượng CSGT vẫn trực tiếp thực hiện. Còn với vi phạm có thể phát hiện bằng công nghệ, CSGT sẽ từng bước tự động hóa, hướng tới xử lý không giấy tờ, không giữ bằng lái hay căn cước công dân, mọi thông tin sẽ được đối chiếu trên hệ thống dữ liệu.
"Chúng tôi không đặt mục tiêu xử phạt, mà mong muốn giúp người dân chấp hành, tự bảo vệ mình khi tham gia giao thông trên đường" - Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình bày tỏ.
Lãnh đạo Cục CSGT cho rằng cần tiến tới thực hiện cấp bản điện tử cho tất cả giấy tờ của người dân. Khi đó, trong trường hợp cần thiết, CSGT sẽ không kiểm tra giấy tờ (bản giấy) của người dân, chỉ cần đối chứng trong hệ thống dữ liệu về giấy phép lái xe, chủ xe, điều kiện hoạt động, thời hạn đăng kiểm...
Ủng hộ việc thông báo lỗi vi phạm cho chủ xe sau 2 giờ, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, cho rằng hiện nay, cơ sở dữ liệu dân cư đã được làm sạch nên việc này hoàn toàn có thể thực hiện. Đây là một bước tiến trong việc áp dụng công nghệ vào quản lý xã hội, góp phần xây dựng đô thị hiện đại, văn minh.
"Việc gửi ngay thông báo lỗi vi phạm mang tính răn đe rất cao, bởi giúp tài xế thấy rõ hậu quả ngay sau hành vi sai phạm, từ đó hình thành ý thức tuân thủ. Mặt khác, người dân cũng có thể phản hồi ngay nếu bản thân không vi phạm, ví dụ không điều khiển phương tiện tại thời điểm đó" - luật sư Tuấn Anh phân tích.
Với việc ứng dụng công nghệ trong phát hiện vi phạm, luật sư Tuấn Anh nhìn nhận sẽ giúp tăng tính minh bạch khi có bằng chứng rõ ràng trong hệ thống. Cách làm này cũng giúp hạn chế tình trạng bỏ qua "phạt nguội" hoặc can thiệp để xóa lỗi.
Góp ý thêm về giải pháp cho bài toán giao thông, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng tại các đô thị lớn ở Việt Nam, hệ thống giao thông công cộng cần sớm được hiện đại hóa, thu hút người dân sử dụng nhằm thay thế phương tiện cá nhân. Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống giao thông thông minh dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin quản lý, điều hành giao thông...
"Bài toán giao thông là bài toán phức tạp, vô cùng tốn kém nhưng không thể không làm. Trước hết, nên ưu tiên phát triển đường sắt đô thị với các loại hình như tàu điện mặt đất, đường sắt đô thị ngầm và trên cao..." - ông Thủy gợi ý.
Theo đại diện Cục CSGT, 6 tháng đầu năm 2025, cả nước xảy ra 9.398 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.293 người, bị thương 6.246 người. Lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý hơn 1,6 triệu trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận lực lượng CSGT đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông mang lại hiệu quả cao; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ vào quản lý, điều hành, phát hiện, ghi nhận và xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông.
Bình luận (0)