Ngày 4-5, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết vừa có công văn giao Sở Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp với UBND thị xã Điện Bàn và các sở ngành liên quan nghiên cứu đề nghị của Công ty CP Xây dựng công trình 545 (gọi tắt là Công ty 545) để tham mưu UBND tỉnh giải pháp xử lý.
Trước đó, ông Thân Hóa, Giám đốc Công ty 545, đã gửi công văn đến Đoàn Đại biểu Quốc hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam, đề nghị xem xét có giải pháp xử lý tình trạng các phương tiện đi vòng tránh trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 1 qua thị xã Điện Bàn.
Công ty 545 cho biết doanh nghiệp này là chủ đầu tư thực hiện và khai thác Dự án thành phần 1 Mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km947 – Km987, tỉnh Quảng Nam theo hợp đồng BOT năm 2014. Trạm thu phí đặt tại Km943+975, tỉnh Quảng Nam, thời gian thu phí hoàn vốn bắt đầu từ ngày 1-1-2016.
Công ty cho biết, khoảng thời gian đầu nguồn thu tương đối ổn định, đảm bảo thanh toán các khoản nợ gốc, lãi vay ngân hàng đúng theo như tính toán trong phương án tài chính (PATC) của hợp đồng BOT đã ký với Bộ GTVT.
Tuy nhiên, khoảng đầu năm 2018 tình hình thu phí thực tế qua trạm liên tục tụt giảm so với PATC trong hợp đồng.
Nguyên nhân chính là do việc hình thành hạ tầng các khu dân cư mới, đường ngang dân sinh theo quy hoạch của địa phương xung quanh trạm thu phí, dẫn đến các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến Quốc lộ 1 chạy vòng tránh việc mua vé thu phí qua trạm.
Công ty 545 cho biết đã nhiều lần có văn bản gửi các cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương kêu cứu, nhưng đến nay các cấp vẫn chưa có hướng xử lý cụ thể để giải quyết việc các phương tiện giao thông đi vòng tránh trạm.
Ô tô, xe tải, xe khách lưu thông tới trước trạm BOT thì rẽ vào đường nhánh khiến nhà đầu tư không khỏi nóng mặt
Theo Công ty 545, hiện nay các phương tiện giao thông đổ dồn vào các đường khu dân cư tránh trạm gây nên tình trạng hỗn loạn, các xe chen nhau đi lại trong các tuyến đường khu dân cư gây nguy cơ mất an toàn giao thông, ảnh hưởng an ninh trật tự tại địa phương.
Doanh nghiệp cho rằng tình hình thu phí giảm đến 90% so với PATC hợp đồng. Nguồn thu không đủ trả lãi vay ngân hàng, chưa nói đến nợ gốc, dẫn đến việc không có kinh phí để duy trì chi phí duy tu bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên trên toàn tuyến theo như quy định hợp đồng BOT…
"Dự án có nguy cơ bể phương án tài chính do thời gian thu phí hoàn vốn kéo dài mà không trả được nợ và doanh nghiệp thua lỗ, âm vốn dẫn đến phá sản" – công văn của Công ty 545 nêu.
Doanh nghiệp trên đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam có giải pháp nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, Nhà nước và chủ đầu tư dự án BOT.
Bình luận (0)