Phố ngoài kia những ngày cuối năm đã bắt đầu tưng bừng hối hả. Tết đã đến thật gần. Nghe trong gió, không khí yêu thương đã tràn về, ai cũng thấy mình bận rộn hơn, hối hả hơn. Những ngày giáp tết, thành phố bừng lên sắc xuân rực rỡ. Trên khắp các nẻo đường, những chuyến xe chở muôn sắc hoa xuân về phố.
Hôm qua, bà gọi điện thoại hỏi: "Năm này, con ăn Tết ở phố hay ở quê?"
Chợt giật mình, câu hỏi này năm nào bà cũng hỏi vào những ngày giáp Tết. Bao năm theo chồng về phố, là bấy nhiêu năm tôi ăn Tết xa nhà. Chạnh lòng nhớ những cái tết tuổi thơ. Được thả hồn trên những đám mạ xanh rì, trên những đồi lau trắng muốt. Quanh nhà những cây cỏ dại cũng nở hoa. Bước chân ra là nhụy hoa bấu đầy vào gấu quần, nghe thoang thoảng mùi hương hoa dại.
Ở Phố, cái gì cũng có, chỉ cần ra chợ hoặc siêu thị thì có đầy đủ thứ mình cần. Thời đại công nghệ phát triển, tay lướt điện thoại, là tất cả đều được giao về tận nhà. Tôi gần như quên mất đi những buổi chợ quê, những con đường làng vào những ngày giáp Tết. Phố xe cộ đông đúc, người người chen lấn đến từng bước chân nhau, phố đông nhưng xa lạ… Tôi chợt nhớ khúc giao mùa tháng Chạp, nhớ mùi khói bếp và đặc biệt thích mùi bánh gai nóng hổi của bà.
Tết năm 1985, năm ấy tôi chưa đầy tuổi. Mẹ tôi mất. Để lại tôi là con bé gầy còm chưa dứt sữa mẹ. Những năm sau tôi sống với bà, cuộc sống dẫu khốn khó nhưng năm nào bà cũng cho tôi có một cái Tết đủ đầy, ấm áp.
Hai mươi tháng Chạp, những đám ruộng nhà tôi đã xanh rì màu mạ non, từng luống rau xanh mơn mởn đón nắng ở góc vườn. Mấy cây cỏ trước sân nhà đã được bà dọn gọn gàng sạch sẽ. Nhà cửa sân vườn gọn gàng ngăn nắp đâu vào đấy. Tết ở quê, nhà nào dẫu khá giả hay nghèo khó, thì ngày cuối năm cũng có nồi bánh chưng sôi sùng sục trên bếp cho bọn trẻ trông lửa. Nhà tôi cũng thế, không râm ran cười cười nói nói. Bà và tôi, không khí bình lặng hơn, nhưng trong lòng vẫn chộn rộn tươi vui. Bà tôi không chỉ có bánh chưng đêm giao thừa, mà bà còn làm cả bánh gai, món bánh mà cả tuổi thơ tôi yêu thích.
Những ngày cuối cùng của năm cũ, bà dắt tôi lên đồi hái lá gai về làm bánh. Bà cần mẫn như con ong chăm chỉ, chọn từng chiếc lá to xanh non để hái. Còn tôi, rong ruổi trên đồi, thả hồn theo nhưng đám cỏ bông lau. Để rồi cuối ngày, bà dắt tôi về với gùi lá nặng trĩu trên vai, như gánh nặng của thời gian đang oằn trên vai bà. Tôi còn nhỏ, chưa biết gánh nặng của cuộc sống, cũng chưa biết nỗi bất hạnh của cuộc đời mình. Chỉ có bà, thỉnh thoảng nhìn tôi mà đôi mắt rưng rưng ngấn nước.
Bà dạy tôi làm bánh ít lá gai, bà chuẩn bị rất kỹ từ khâu chọn lá, vo nếp, đem phơi rồi xây bột… Bà luôn giao cho tôi một công việc đơn giản là cắt những tấm lá chuối cho tròn, lau thật sạch để gói bánh. Những chiếc bánh được bà vê tròn sắp đầy lên mâm, còn tôi chỉ việc bỏ vào lá gói lại cho thật đẹp và sắp chúng vào nồi hấp.
Đó là nhưng ký ức giòn tan về cái Tết tuổi thơ. Còn tôi của hiện tại, đã là người phụ nữ bước qua ngưỡng 40, một nách ba con, quanh năm vật lộn với cuộc sống mưu sinh. Những năm trước khi dịch COVID-19 bùng phát, cuộc sống nhẹ nhàng, công việc suôn sẻ, tôi vẫn cứ chạy đi chạy về giữa phố và núi. Đại dịch ập đến, hạn chế đi lại giữa các vùng miền với nhau. Việc đi lại trở nên khó khăn hơn, rồi vấn đề sức khỏe, làm con đường về núi của tôi xa hơn. Tôi nhớ quê, các cháu nhớ bà.
Tôi có một doanh nghiệp nhỏ, kinh doanh nhôm kính. Trong thời gian bùng dịch, các công trình của tôi đứng lại, doanh nghiệp rơi vào khó khăn. Tiền bạc cũng thất thoát dẫn đến việc tôi không duy trì được. Cuộc sống rơi vào bế tắc, túng quẩn. Doanh nghiệp ngưng hoạt động. Tôi mở một cửa hàng hoa nơi góc phố nhỏ mưu sinh. Tôi mặc cảm nhiều hơn, không dám về nhà hẳn mấy năm liền, kể cả Tết. Bà tôi trông ngóng, tìm mọi cách liên lạc. Tuổi già nhưng bà tôi còn khỏe, biết cháu khó khăn đến cùng cực. Bà trở dậy, sốt sắng hơn, chăm lại đàn gà, đàn vịt. Trông lại mấy luống rau trong vườn. Thả xuống ao mớ cá, mớ ốc…
Nhớ lại lời bà nói hôm qua trong điện thoại. ‘Tết nay con về sớm nghen, để phụ bà đi hái lá gai về làm bánh". Lòng tôi bỗng dưng chộn rộn. Tôi thèm về nhà, thèm nghe mùi mạ non, thèm mùi chợ quê, thèm hương củ kiệu, thèm mùi khói bếp…
Tết, là hoa vào mùa. Lòng chộn rộn tôi quyết định dọn hàng hoa sớm để đưa cả gia đình về núi ăn Tết. Để các con tôi được quấn quýt bên bà, được bà dẫn các cháu lên đồi hái lá gai làm bánh. Để các cháu ngồi vê những chiếc bánh cho tròn, được quây quần bên bếp lửa nấu bánh chưng và hít hà mùi bánh gai nóng hổi. Và để được cùng bà ngồi ôn lại những tháng ngày khổ cực nuôi tôi lớn lên.
Trên chuyến xe buýt đầu tiên của ngày cuối năm, cả nhà tôi về quê ăn Tết. Không còn xe hơi, không còn lỉnh kỉnh những túi quà cho hàng xóm như mấy năm trước. Cả nhà tôi yên bình hơn, nhẹ nhàng hơn, cảm nhận từng hơi thở của ngày giáp Tết. Chuyến xe lắc lư trên con đường đẩy sỏi. Qua lớp bụi mờ trên ô cửa kính, tôi chỉ cho các con tôi thấy từng chuyến xe chở nào rau nào đậu về phố. Tôi cười tự hào bảo các con, những chuyến xe kia là chở những món đồ từ quê miền núi của bà mình về phố đấy. Các con tôi thích thú vui cười. Nhìn các con vô tư, tôi thấy lòng mình ấm áp.
Tiếng Bác lơ xe làm tôi giật mình. "Đến Bắc Trà My rồi, bà con chuẩn bị xuống xe."
Bà đón vợ chồng con cái tôi ở cổng. Tay chống gậy, nụ cười móm mém. Và ánh mắt hom hem ngày Tết sum vầy. Các con tôi quấn lấy bà mừng rỡ. Quê hương miền núi vẫn giang tay đón tôi vào lòng. Núi đầy yêu thương và ấm áp. Vì núi, có bà tôi ở đó.
Bà con hàng xóm thấy tôi về chạy tới đon đả, ôm chầm lấy tôi xuýt xoa: "Bé Huệ về ăn Tết hả con, thấy vợ chồng con cái bây hạnh phúc. Tao mừng quá".
Rồi bà con hàng xóm, ai cũng mang quà cho tôi, con gà, con vịt, mớ rau, mớ đậu…
Bà tôi cười hạnh phúc.
"Tết này vui quá con ơi"
Bình luận (0)