Gần 80 năm trước, vào ngày 13-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi cho giới công thương Việt Nam, khuyến khích sản xuất - kinh doanh và nhấn mạnh vai trò của thương giới đối với nền kinh tế quốc gia.
Và cách đây tròn 20 năm, Thủ tướng Phan Văn Khải ký ban hành Quyết định 990/QĐ-TTg chọn 13-10 làm ngày Doanh nhân Việt Nam, với ý nghĩa khuyến khích và tôn vinh vai trò, sự đóng góp của giới doanh nhân cho đất nước.
Trong 2 thập niên đó, cùng với gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi Mới (từ năm 1986), Việt Nam đã liên tục viết nên những câu chuyện thành công.
Thử điểm qua một vài con số: GDP năm 2004 là 45,4 tỉ USD, năm 2023 đạt 430 tỉ USD (tăng 9,5 lần; lọt vào tốp 40 nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới); tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2004 là 57,5 tỉ USD, năm 2023 đạt 683 tỉ USD (tăng 12 lần); cùng giai đoạn, số doanh nghiệp (đang hoạt động) đã tăng hơn 10 lần, hiện đạt khoảng 930.000; số doanh nghiệp thành lập mới trong vòng 20 năm qua đã đạt hơn 1,88 triệu; tính lũy kế riêng giai đoạn từ năm 2000 đến hết năm 2024, số doanh nghiệp thành lập mới sẽ vượt con số 2,1 triệu…
Đáng tự hào là lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân đang đóng góp khoảng 60% GDP, tạo ra khoảng 30% việc làm cho xã hội, thu hút 85% tổng số lao động và đóng góp 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu…
Rõ ràng, doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp to lớn vào sự phát triển nhiều mặt của đất nước ta. Ở hầu hết các "mặt trận", từ hoạt động kinh tế cho đến hội nhập và hợp tác quốc tế, an sinh xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước…, đâu cũng thấy vai trò nòng cốt của lực lượng này.
Thực tế đáng khích lệ đó rất đúng với sự khẳng định tại Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10-10-2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới: "Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh".
Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày một toàn diện và tình hình quốc tế thay đổi nhanh chóng, khó lường, kinh tế số, kinh tế xanh và phát triển bền vững đang chuyển đổi một cách gay gắt và đòi hỏi ngày càng cấp thiết, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc mà ngược lại phải chủ động và tích cực thích ứng, đáp ứng.
Trước "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam", vai trò của lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân càng thêm quan trọng. Chúng ta đã có nhiều doanh nghiệp dân tộc đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt và đang cần thêm nhiều doanh nghiệp quốc tế, vươn tầm khu vực và thế giới, qua đó nâng cao thương hiệu, vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Kỳ vọng nhiều vào doanh nghiệp, doanh nhân thì cũng phải đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan quản lý. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm và nỗ lực nhiều hơn để kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng. Cần có đột phá chiến lược về thể chế và xây dựng chính sách, pháp luật, trong đó hãy tạo xung lực mạnh hơn nữa cho khối doanh nghiệp tư nhân!
Bình luận (0)