Từ miền Nam xa xôi đến làng Đọi Tam (xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) đúng ngày mưa rả rích, quay về thì tiếc nên chúng tôi tranh thủ chạy xe vòng vài ngõ. Niềm vui chợt đến khi nghe tiếng cưa, bào, tiếng búa vọng trong tiếng mưa. Căng mắt nhìn ngang ngó dọc, rồi chúng tôi cũng được chủ một cơ sở làm trống cho trú mưa ngay tại xưởng.
Làm trống luyện tính người
Mời khách tách trà nóng, anh Phạm Nương Tuân - chủ cơ sở trống Tuân Hiền, nói nếu chúng tôi đến vào khoảng tháng 7, tháng 8 thì thấy được cả làng Đọi Tam rộn ràng bởi tháng 9 là tháng tựu trường, cũng trùng với tháng 8 âm lịch, các hoạt động vui chơi Trung thu khởi động. Năm nào, các thợ ở làng trống Đọi Tam cũng bận bịu cả 2-3 tháng trước đó để trống trường, trống lân kịp giao đi khắp nơi từ Bắc vào Nam. Anh Tuân bảo: "Có đơn hàng thì mưa, nắng gì chúng tôi cũng làm". Anh đưa chúng tôi vào xưởng xem các công đoạn làm trống. Để làm ra một chiếc trống hoàn chỉnh, 3 công đoạn quan trọng là làm da, làm tang trống và bưng trống.
Chỉ vào tấm da trâu đang căng trên giá tre, anh Tuân nói vào tháng nắng, tuy thời tiết oi nóng nhưng khâu phơi da không cực, còn mưa thì phải căng da, đốt lửa, sấy cả tuần. Trông tấm da trâu căng có vẻ bình thường, nhưng thật ra công đoạn này đòi hỏi người có kinh nghiệm, phải căng cho mặt da có độ dày, mỏng đều nhau vì điều này quyết định đến độ vang của từng loại trống. Người thợ thỉnh thoảng phải kiểm tra, điều chỉnh dây căng để được tấm da bưng trống như ý.
Tang trống (thân trống) làm từ gỗ mít - là loại gỗ dễ uốn nhưng không cong vênh, nứt vỡ. Gỗ mít cho âm thanh hay. Người làng nghề nói "gỗ mít đánh ít kêu nhiều".
Gỗ được pha thành từng thanh, tùy kích cỡ của trống mà người thợ định ra số lượng, độ cong, độ dày thanh gỗ để khi ghép thân trống vừa khít. Theo anh Tuân, so với thời bố anh làm hồi xưa thì bây giờ khác, khi hầu như các cơ sở làm trống đều sử dụng máy để cắt nên bỏ ít công sức so với bào gọt thủ công.
Nhưng chính làm thủ công mới đọ được tay nghề. Có người trông họ làm nhởn nha nhưng làm đâu chính xác đó. Có người gò lưng làm mãi mà cũng không đạt. Làm trống cũng luyện tính người. Thợ có tay nghề nhưng thiếu đặt tâm vào sản phẩm, có lúc cũng ghép thân trống không tròn, không cân đối, bị xếp vào loại thợ coi thường khách hàng.
Bưng trống (bịt trống) là ốp tấm da đã khô như ý căng lên làm mặt trống. Nói nghe thì đơn giản, nhưng bưng trống không khéo thì tiếng trống méo mó. Sau khi dùng dây và kích làm căng mặt da trâu thì người thợ phải gõ thử, chỉnh cho đến khi trống có âm thanh như mong muốn, lúc đó mới đóng đinh tre già chốt mặt da lên thân trống.
Muốn trở thành thợ làm trống giỏi, ngoài sự khéo léo, tỉ mỉ, còn đòi hỏi trình độ thẩm âm tốt để xác định độ vang khác nhau của mỗi loại trống phù hợp với từng nhu cầu sử dụng. Đôi tai của nghệ nhân làm trống có kinh nghiệm sẽ quyết định sự hài lòng của khách.
Cả 3 công đoạn trên đều quan trọng như nhau. Sai sót dù nhỏ ở công đoạn nào cũng đều làm hỏng sản phẩm. Để có chiếc trống hoàn thiện, tùy vào khách hàng yêu cầu mà thợ làm trống sẽ vẽ thêm họa tiết hay sơn màu để trang trí. Anh Tuân chốt một câu như lời quảng bá cho làng nghề của mình: "Chính đặt tâm vào nghề mà bao thế hệ nối tiếp giữ được danh tiếng làng trống Đọi Tam đó!".
Lấy chữ tín làm trọng
Hầu như đi đến đường dọc, ngõ ngang nào trong thôn Đọi Tam cũng thấy nhà nhà làm trống.
Nghệ nhân Phạm Trí Quang, nguyên trưởng thôn Đọi Tam, cho biết làng có khoảng 60 lò (cơ sở) có bảng hiệu. Trong đó, gần chục lò gia đình đã lên công ty. Cả thôn có hơn 700 hộ thì khoảng 500 hộ làm trống. Có hộ gia công từng công đoạn cho các lò, có hộ làm trọn luôn vài loại trống.
Ông Quang cho biết vừa xong mùa làm trống cho các trường, trống cho các đội lân sư rồng phục vụ Tết Trung thu, cả làng trống Đọi Tam lại chuẩn bị vật liệu để vào mùa làm trống hội theo đơn đặt hàng của nhiều nơi trên cả nước sẽ tổ chức các lễ hội cuối năm, lễ hội mùa xuân.
Trong mùa trống hội, các cơ sở làm rất nhiều loại trống. Nhiều dàn trống hội lớn có hàng chục đến hơn cả trăm chiếc trống, được các cơ sở lớn thực hiện. Ông Quang đưa chúng tôi vào xem dàn trống hội 175 chiếc do cơ sở nhà ông làm, đã cho thuê đi biểu diễn trong lễ hội đền Trần ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, đầu năm nay. Ông cũng khoe trong đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010), làng trống Đọi Tam đã vinh dự được chọn phục vụ và đã đưa đến đại lễ gần 2.000 trống lớn, nhỏ.
Ông Quang nói làm trống theo bộ (trống chầu, trống hát văn, trống hát bội, trống nhạc lễ…), theo dàn lớn (trống lân, trống hội) khó hơn trống từng chiếc (trống đình chùa, trống nhà thờ) bởi trong trống bộ, trống dàn lớn thì âm thanh từng chiếc trống to, nhỏ, trầm, vang khác nhau.
"Âm thanh của trống là làm theo kinh nghiệm hay theo khách đặt hàng?" - nghe chúng tôi hỏi, ông Quang trả lời: "Cả hai". Làm trống nhạc lễ, trống hầu đồng hay dàn trống hội, trống lân thường theo người đặt, thợ phải có kinh nghiệm nghe tiếng trống, đôi tai phải đo được tần số âm thanh, độ rung nhịp trống cho đúng yêu cầu.
Trống nhạc lễ có 5 chiếc thì 5 cung bậc âm thanh riêng, không theo 7 nốt nhạc như đàn hay kèn. Trống nhạc lễ ở phía Bắc và phía Nam không như nhau nên thợ phải phân biệt được. Âm thanh dàn trống hội phải vang nhưng trống to, trống nhỏ có âm khác nhau, trên một trống cũng có âm khác nhau, giữa mặt trống âm vang thanh, vành trống âm nghe đanh hơn, như thế mới tạo nên nhịp phách hào hùng, sôi động.
Bộ trống hầu đồng thì không chỉ đòi hỏi có đủ 5-6 âm thanh trầm bổng, mà trong bộ phải có chiếc trống "bốc âm" khi cô đồng hưng phấn. Dấu ấn trống Đọi Tam chính là ở kỹ thuật tạo ra âm thanh trống đúng với yêu cầu của khách hàng từ Bắc chí Nam.
Quan sát ở các xưởng, không thấy cơ sở làm trống nào đóng tên hiệu lên trống. Chúng tôi thắc mắc: "Một số địa phương trong nước cũng có nghề làm trống. Vậy ra ngoài, nhìn làm sao để biết đâu là trống của làng Đọi Tam? Cả làng Đọi Tam có nhiều nhà làm trống, nhìn sao để biết trống của nhà nào làm?".
Các nghệ nhân trong làng trả lời gần như nhau: Làng sản xuất ra trống nhưng hầu như các cơ sở không đóng tên hiệu lên trống vì nếu hàng giao theo đặt hàng trực tiếp của khách sử dụng thì thường khách muốn đóng tên tổ chức, đơn vị của họ lên trống (đoàn lân, đình, chùa, nhà thờ….); còn giao trống cho các cửa hàng chuyên kinh doanh thì sẽ đính nhãn hiệu thương mại hay tên cửa hàng ấy lên trống.
Điều này không làm cho các cơ sở sản xuất trống ở làng Đọi Tam thấy thiệt thòi, với họ "đóng" chữ "tín" vào lòng khách hàng là quan trọng hơn, mới giữ được làng nghề tồn tại, phát triển. Còn trống của nhà nào làm thì người làng trống nhìn tang trống, cách đóng da trâu khi bịt mặt trống, nước sơn, tạo hoa văn… là phân biệt được. Chỉ những dàn trống hội từ vài chục đến vài trăm chiếc trống mà một số cơ sở lớn lúc nào cũng có sẵn để cho thuê vào những mùa lễ hội mới đính tên hiệu, tên cơ sở sản xuất của họ lên thân trống.
Nghe lời giải thích, rồi chứng kiến các chủ cơ sở giao dịch với khách đặt hàng từ nhận quy cách, yêu cầu về âm thanh, màu sắc, thương lượng giá cả, đến gửi hình ảnh sản phẩm, gửi đoạn âm thanh cho khách duyệt về quy cách, tiếng trống trước khi giao hàng đều qua điện thoại thông minh cả, chúng tôi tin làng nghề vững nhờ chữ "tín".
Phát triển nghiệp tổ
Nghệ nhân Phạm Trí Quang đưa chúng tôi đến viếng lăng mộ cụ Nguyễn Đức Năng (Trạng Sấm) là cụ tổ nghề trống Đọi Tam và đình làng Đọi Tam.
Hằng năm, hậu nhân làng trống giỗ tổ nghề vào ngày 17-4 âm lịch, các thế hệ làng nghề tề tựu về lăng mộ tổ và đình làng cùng tưởng nhớ người khai sinh làng nghề, cùng chia sẻ những niềm vui về sự phát triển của làng nghề, nhắn nhủ nhau truyền lửa nghề cho các thế hệ tiếp nối làm nghề với cả tâm huyết và trọng chữ "tín" thì tiếng trống Đọi Tam mới vang vọng lâu dài.
Có lẽ nghề truyền thống đã ngấm vào con tim, khối óc của người dân làng Đọi Tam. Cha truyền con nối. Là người Đọi Tam, hầu như ai cũng biết về nghề làm trống, không chỉ nam giới, mà cả phụ nữ cũng có thể nói về những công đoạn làm trống, về các loại trống.
Nghệ nhân Phạm Trí Quang kể các anh em của ông đã theo cha học nghề từ hồi 9-10 tuổi, sau này cùng truyền tình yêu nghề cho các thế hệ con, cháu. Giờ các con ông nối nghiệp đã phát triển cơ sở làm trống gia đình thành công ty.
Lớp nghệ nhân, thợ trống lớn tuổi rất vui khi thấy những thợ lành nghề, những nghệ nhân trẻ hiện nay đã đem nghề làm trống đi vào các tỉnh miền Trung, miền Nam, vừa gầy dựng cơ sở sản xuất gần với khách hàng, vừa lan tỏa danh tiếng làng trống Đọi Tam. Từ sản phẩm chính là các loại trống, giờ một số cơ sở trong làng còn sản xuất những mặt hàng từ gỗ khác như bồn tắm gỗ, thùng gỗ chứa rượu, chậu gỗ… từ sự tin tưởng đặt hàng của khách.
Đi trong một ngày mưa lại được tìm hiểu nhiều điều thú vị về làng trống đã nghe tiếng từ lâu, chúng tôi cảm nhận được sự say mê với nghề của người làng trống. Mùi da, mùi gỗ và tiếng trống đã trở thành nhịp thở và thanh âm cuộc sống ở làng Đọi Tam.
Bình luận (0)