Đã thành truyền thống, cứ Tết đến là nhà nhà rộn ràng chuyện nấu bánh chưng, bánh tét. Riêng với nhà tôi, cũng là bánh, nhưng là loại bánh ít thấy ai bán và còn khá lạ lẫm với nhiều người: Bánh củ cải.
Đây là loại bánh có nguồn gốc từ người Triều Châu - Trung Quốc. Tôi biết bánh này từ lúc còn bé thơ, gần 60 năm trước. Ngày đó, tôi chỉ biết ngồi nhìn ba má trộn bột, làm nhân, hấp bánh, còn giờ đã là... bếp chính! Ba tôi (từ Trung Quốc sang Việt Nam) nói ở bên Trung Quốc lúc trước người ta nặn thành từng cái như bánh bao vậy, công phu lắm, còn giờ thì cũng chỉ đổ thành xửng giống như bánh mặn của người Việt ta thôi. Nhưng nếu bánh mặn chỉ có bột là chính thì bánh này ngoài phần bột còn có thêm củ cải trắng đã bào sợi. Miếng bánh không mềm như bánh mặn mà xốp, ngọt, thơm nồng mùi củ cải. Cũng giống như bánh mặn, bánh củ cải thường được ăn với nước mắm chua.
Bào củ cải
Đặc biệt hơn, bánh củ cải không chỉ ăn tươi (hấp chín) mà còn có thể sắc thành miếng chiên cho vàng, bánh sẽ rất thơm, xốp hơn và có thể ăn kèm xà lách, rau thơm (tựa như món bột chiên của người Hoa ở Chợ Lớn). Phần nhân với các nguyên liệu tôm khô, lạp xưởng, đậu phộng rang làm cho bánh thêm đậm đà hương vị.
Việc chế biến được chia thành 2 phần, gồm phần bột cộng củ cải và phần nhân. Nhân gồm lạp xưởng chẻ đôi thái thành miếng nhỏ; tôm khô ngâm chút nước sôi cho mềm, đậu phộng rang chà vỏ tách đôi, hành lá sắc nhuyễn... Bắc chảo phi mỡ tỏi cho thơm rồi bỏ lần lượt các thứ vào trộn đều, nêm chút muối, bột ngọt là xong. Phần bột thì bào củ cải thành sợi, to nhất là cỡ đầu đũa, bột gạo rắc nước trộn cho nở đều, sau đó trộn cả hai lại, thêm vào ít mỡ nước để tạo béo (như bánh mặn xài nước cốt dừa); đậu phộng rang, hành lá sắc nhuyễn, nêm chút muối, bột ngọt, pha nước cho hỗn hợp sền sệt là được.
Tiếp theo là bắc lên lò khuấy từ từ cho hơi cô đặc. Công đoạn này gọi là "lấy trùng" nhằm mục đích kết dính các nguyên liệu với nhau, tránh bị lắng nước khi đổ vào xửng hấp. Sau cùng là đổ hỗn hợp bột - củ cải vào xửng, rải đều và ấn nhẹ cho nhân dính lên bề mặt bột rồi cho vào nồi hấp từ 1 đến 2 giờ. Có thể thử coi bánh chín chưa bằng cách dùng đũa soi vào giữa xửng. Nếu kéo lên thấy không bám bột, màu trong, là đã chín. Trang trí thêm vài cọng ngò rí cho đẹp.
Bánh đã chiên vàng
Vậy là ta đã có món bánh củ cải ăn khá ngon và lạ miệng. Bánh thích hợp với ngày Tết vì có thể để lâu bằng cách cho vào tủ lạnh rồi lấy ra hấp hay chiên lại ăn dần. Tất nhiên đã là món bánh của ngày Tết thì không chỉ có phần "xác" mà có cả phần "hồn" nữa. Có thể nói với gia đình, dòng tộc tôi thì đây là món bánh truyền thống, mang tính sum vầy, đoàn viên.
Trải qua nhiều thế hệ, món bánh củ cải vẫn được yêu thích, giữ gìn, trân trọng, là một trong những món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Ăn không chỉ để ngon mà còn để nhớ, nhớ về dòng tộc, cội nguồn..., về người cha quá cố đã "chân truyền" món bánh kết nối tình thân gần tròn thế kỷ!
Cuộc thi "Nhà mình ngày Tết" và "Làm báo cùng Báo Người Lao Động "bắt đầu nhận tác phẩm từ ngày 1-2 (20 tháng chạp) đến 21-2 (mùng 10 tháng giêng).
Bạn đọc có thể xem thể lệ, giải thưởng về 2 cuộc thi "Nhà mình ngày Tết" và "Làm báo cùng Báo Người Lao Động tại đây .
Lưu ý: Do tin bài dự thi của bạn đọc có đính kèm video hoặc hình ảnh có dung lượng khá lớn, nên cần phải giảm dung lượng hình ảnh xuống để gửi; bạn đọc có thể tải lên Google Drive hoặc OneDirve rồi gửi mail chúng tôi link download video, hình ảnh dung lượng lớn đó.
Nếu gặp trục trặc trong việc gửi tin bài dự thi xin vui lòng liên hệ qua email: xuanonline@nld.com.vn
Bình luận (0)