Gói bánh tét mặt trăng
Nhắc đến bánh tét, không thể không nhắc đến làng Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị với đặc sản bánh tét mặt trăng gắn liền với người dân làng từ đời này sang đời khác. Sở dĩ được gọi là bánh tét mặt trăng là bởi bánh khi cắt ra có hình bán nguyệt như vầng trăng khuyết. Một đôi bánh thường được cột với nhau để khi xếp hình lại sẽ được một vầng trăng tròn, mang ý nghĩa mỗi lứa đôi sẽ được hạnh phúc viên mãn, đủ đầy.
Bánh tét mặt trăng
Để làm ra được một chiếc bánh tét mặt trăng chất lượng cũng lắm công phu.
Nước lá ngót trộn với nếp
Thứ nhất, chất liệu là gạo nếp. Màu xanh của bánh thì phải chọn lá rau ngót tươi, giã lọc lấy nước. Nước lá ngót có vai trò rất quan trọng trong quá trình làm bánh. Nước lá ngót sau khi được vắt ra phải trộn ngay với nếp mới giữ được màu xanh như ngọc trên từng chiếc bánh.
Thứ hai, nhân bánh làm từ đậu xanh luộc mềm, chà mịn đem xào với hành, tiêu, dầu ăn… cho đến khi dậy sắc, dậy mùi thơm rồi mới đem đi gói. Ngày nay, đời sống khá giả hơn nên nhiều người cho thêm thịt heo ba chỉ vào để bánh có độ béo.
Thứ ba, củi để nấu bánh phải được chọn từ những nhánh dày, tốt nhất là củi dương để nồi bánh được đượm và mùi hương khi cháy sẽ góp phần cho sự thơm ngon của từng chiếc bánh. Trước khi nấu, cần cho bánh một lượt vào nồi, đổ nước lạnh ngập xăm xắp. Sau đó, đun lửa cháy đều cho nồi bánh sôi ùng ục; giữ đều lửa để bánh chín dần. Nấu từ 9 đến 10 giờ, bánh tét mới chín, rồi nhỏ lửa, để bánh ngâm trong nước khoảng vài giờ mới vớt ra để ráo. Nấu theo cách này, đòn bánh tét sẽ giữ được lá xanh, cây bánh đẹp và để được lâu ngày.
Bánh tét là món ăn bình dị, dân dã, không thể thiếu của người Việt vì nó tượng trưng cho món ăn ngày Tết. Màu xanh của bánh, vị béo của miếng thịt mỡ đã đủ đánh thức vị giác, đánh thức không khí Tết trên khắp mọi miền đất nước. Người Việt ở xa xứ dù có thưởng thức những món ăn của Âu - Á nhưng họ vẫn nhớ và thưởng thức món bánh chưng, bánh tét của dân tộc.
Nấu bánh tét ngày Tết còn là một nếp văn hóa thể hiện qua dấu ấn ẩm thực của người Việt. Việt Nam cứ đến Tết là có bánh chưng, bánh tét. Vì vậy, Làng Đại An Khê đã giữ gìn, phát huy món bánh tét mặt trăng đã hơn 500 năm tuổi, góp phần làm phong phú thêm ẩm thực và văn hóa Quảng Trị nói riêng và Việt Nam nói chung.
Gói bánh tét
Cuộc thi "Nhà mình ngày Tết" và "Làm báo cùng Báo Người Lao Động "bắt đầu nhận tác phẩm từ ngày 1-2 (20 tháng chạp) đến 21-2 (mùng 10 tháng giêng)
Bạn đọc có thể xem thể lệ, giải thưởng về 2 cuộc thi "Nhà mình ngày Tết" và "Làm báo cùng Báo Người Lao Động tại đây.
Lưu ý: Do tin bài dự thi của bạn đọc có đính kèm video hoặc hình ảnh có dung lượng khá lớn, nên cần phải giảm dung lượng hình ảnh xuống để gửi; bạn đọc có thể tải lên Google Drive hoặc OneDirve rồi gửi mail chúng tôi link download video, hình ảnh dung lượng lớn đó.
Nếu gặp trục trặc trong việc gửi tin bài dự thi xin vui lòng liên hệ qua email: xuanonline@nld.com.vn
Bình luận (0)